'Yểu mệnh' như Trần Đức Cường

20/11/2013 15:30 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2005, tức chỉ mới 20 tuổi (theo giấy tờ), Trần Đức Cường có tên trong một đợt tập trung của ĐTQG và đấy được xem như một kỷ lục. Tuy nhiên…

Sớm nở tối tàn

Đức Cường người Nghệ An, từng đá giải U18 quốc gia trong những năm đầu bóng đá Việt Nam lên chuyên, trước khi được SHB.ĐN (tên gọi tiền thân là Đà Nẵng) chiêu mộ nhờ những lợi thế về hình thể.

Trên thực tế, vào những năm 2000, đội bóng xứ Nghệ quá dư thừa thủ môn và Đức Cường không thể cạnh tranh được vị trí, nên mới chấp nhận phận “bèo dạt mây trôi”. Ngay thời điểm đó, đến Thế Anh, Hồng Sơn cũng được cho LG.HN.ACB mượn, huống hồ Đức Cường.

Bất luận thế nào, Đức Cường vẫn được đánh giá là một thủ môn giàu tiềm năng, nên chẳng có gì ngạc nhiên khi Đức Cường đã ở Đà Nẵng ngót cả chục năm.

Thủ môn Trần Đức Cường từng có thời gian dài liên tục khoác áo các ĐTQG. Ảnh: VSI

Giai đoạn 2005-2007, Đức Cường nổi lên như một hiện tượng, đủ sức thay thế các “đàn anh” như Thế Anh hay Hồng Sơn, thậm chí là Tuấn Điệp (Công an Hải Phòng cũ). Tại các giải đấu tập huấn như Agribank Cup 2006 hay Tiền SEA Games 2007, Cường bắt tốt và được nhắm tới một vị trí chính thức trong màu áo các ĐTQG. Tuy nhiên, như Thể thao & Văn hóa từng đề cập ở số báo trước, tại SEA Games 2007, người đeo găng chính thức là Tô Vĩnh Lợi.

Câu hỏi đặt ra là tại sao và như thế nào, Đức Cường đã đánh mất tất cả những lợi điểm (hình thể, chuyên môn và môi trường phấn đấu lý tưởng), cho đến lúc này vẫn không có lời đáp thỏa đáng. V-League 2013 trôi qua nửa chặng đường, Cường vẫn thất nghiệp, cho đến trước khi HLV Lê Thụy Hải tạo điều kiện để anh cộng tác với B.BD ở lượt về. Nhưng, một lần nữa Cường không thể để lại dấu ấn, đủ để thuyết phục đội bóng đất Thủ gia hạn hợp đồng.

Sản phẩm của cơ chế bóng đá

Lần gần đây nhất, PV Thể thao & Văn hóa gặp Đức Cường trong một chuyến lưu đấu ở Thái Nguyên vào đầu tháng 10/2013, thời điểm mà phần lớn các CLB đã tập trung trở lại, chuẩn bị cho mùa giải 2014.

Hỏi Cường đã tìm được “bến đỗ” chưa, anh vẫn lắc đầu ngao ngán. Ít ai biết là trước đó không lâu, Cường từng là món “hàng hot” với Bình Dương và trước đó nữa, anh có giá chuyển nhượng không dưới nửa chục tỷ đồng về HP.HN, rồi CLB BĐ Hà Nội.

Có nhiều giai thoại về Đức Cường, nhưng câu trả lời ở trên sân gần như là không gì cả. Cường chỉ được nhắc tới với vẻ đẹp trai của tài tử, hát hay, là người yêu cũ của một cô ca sỹ…

Với một trong những sản phẩm ưu tú bậc nhất của lò SLNA và cả những điều kiện cần và đủ cho sự thăng tiến của Trần Đức Cường, đó hẳn phải là sự thất vọng vô cùng lớn. Nhưng dường như với Cường (và một bộ phận các cầu thủ Việt Nam khác), điều đó không mấy quan trọng.

Gần 10 năm ở bên bờ sông Hàn, Cường chưa từng được biết đến như là số một trong khung gỗ (sau các thủ thành ngoại quốc, đến lượt Võ Văn Hạnh, rồi Thanh Bình), nhưng vẫn có giá chuyển nhượng tiền tỷ. Từ Đà Nẵng, tới HP.HN, CLB BĐ Hà Nội, B.BD và ngay lúc này là SLNA, đội bóng cố hương, Đức Cường vẫn chỉ là sự lựa chọn thứ yếu trong khung gỗ. Bóng đá có triết lý riêng của nó và thường các HLV, chỉ dùng những con người tốt nhất mà họ có trong tay.

Kỳ 5: Người xưa đâu tá

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm