Thư châu Âu: Cái hộp đựng thức ăn thừa

26/10/2015 06:31 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Thưa quý anh chị,

Ông bạn đồng nghiệp có vẻ cáu khi tôi bảo anh là nên hỏi xin người phục vụ bàn một chiếc hộp để mang chỗ thức ăn thừa trên đĩa anh về nhà. “Đấy không chỉ là lịch sự, là thể hiện mình không hề bỏ phí đồ ăn, mà còn là một cách để cảm ơn những người đã nấu bữa ăn đó cho mình”, tôi nói thẳng. Nhưng anh có vẻ bực, nhất định không làm, mà cái sự bực ấy, thực ra rất hay xảy ra khi một ai đó bị chạm nọc sĩ diện. “Tôi thà đổ đi còn hơn”, anh nói.

Đó là một món cơm kiểu Italy, mà cơm nấu kiểu Italy thì thường không hợp với tư duy “ăn chín uống sôi” của mình, vì đúng kiểu gạo Italy thì nấu hơi sượng. Ăn như thế mới đúng chất Italy. Tôi cũng nói với anh điều này trước khi anh gọi món, nhưng anh cứ bảo “tôi cứ thử ăn xem sao”. Kết quả là anh “không quen”, ăn được một chút rồi bỏ đấy, yêu cầu món khác khi thấy tôi gọi một đĩa mì to đùng.

Tôi lại bảo anh là đĩa mì này nấu cũng sượng theo kiểu Italy và mình anh ăn không hết đâu. Nhưng anh vẫn cứ gọi “để thử” và rồi cuối cùng lại bỏ hơn nửa đĩa, buông nĩa, lau mồm và rồi chống cằm chê quán nấu không ngon. Tôi không buồn giải thích thêm nữa, lẳng lặng gọi một cái hộp, đề nghị bồi bàn cho thức ăn thừa vào đấy rồi mang về. Anh quay sang, nửa đùa nửa thật: “Khiếp, bần tiện thế”. Tôi cười, im lặng.


Hộp đựng thức ăn thừa

Anh không phải là người đầu tiên nói với tôi như thế, cũng không phải là người đầu tiên nói rằng, “bọn Tây” quá hình thức, chẳng cần phải làm vậy. “Mình có tiền và mình đã chi. Mình có nghèo đói gì đâu mà phải xin gói mang về”, một chị có lần nói. Suy nghĩ của một vài người Việt tôi gặp ở bên “Tây” này là như thế. Có một sự sĩ diện không nhỏ để che giấu sự tự ti cũng không nhỏ của mình theo cách đó. Sợ bị đánh giá, sợ bị cho là nghèo hèn, nên họ luôn nói những việc tôi đã làm, xin một hộp thức ăn thừa mang về, là chuyện quá nhỏ nhặt.

Nhưng tôi nghĩ, cũng chẳng nên tranh cãi làm gì. Sự khác biệt về lối sống và tư duy là không dễ san lấp, nhất là khi sốc văn hóa đã ảnh hưởng đến rất nhiều người. Việc gọi đồ ăn ra nhưng không ăn, ăn thừa không hết để lại, hoặc những biển báo bằng tiếng Việt tại một số nhà hàng buffet ở Thái Lan, nhắc nhở người mình ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu, thực ra là một câu chuyện thật dài về ý thức, và câu chuyện ấy thật khó sớm kết thúc, chừng nào người ta thực sự thay đổi quan niệm.

Nhưng không chỉ người mình, nhiều trong số đó mới giàu lên trong những năm qua và được đi Tây nhiều, sống như thế, mà cả người Italy cũng thế. Một điều tra mà Hội Những người làm nông nghiệp Italy (Coldiretti) thực hiện với những người hay đi ăn tiệm cho thấy, cứ 5 người thì chỉ có 1 người mang các đồ không ăn hết về nhà.

25% số người được hỏi cho rằng, làm việc đó là “bần tiện”, “không cần thiết”, thậm chí là “vô giáo dục”. Chỉ có 28% khẳng định rằng, họ luôn ăn hết các đồ ăn đã gọi ra bàn. Coldiretti cho rằng, những con số trên cho thấy, người Italy vẫn chưa thực sự có thói quen tiết kiệm lương thực, trái với truyền thống.

Người già ở Italy đã luôn dạy con cháu phải hiểu rõ giá trị của lương thực và không được bỏ phí. Tuy nhiên, không phải con cháu nào của họ cũng hiểu được điều này, một phần vì thói sĩ diện.

Trên thực tế, việc đem đồ ăn không hết sau bữa ăn tại các quán về nhà là chuyện rất bình thường ở nhiều nước. Ngay cả phu nhân Tổng thống Mỹ Michelle Obama cũng đã xin hầu bàn hộp để mang đồ ăn thừa về sau một bữa tối ở Rome trong chuyến thăm Italy vào năm 2009.

Nhiều nhà hàng Italy khuyến khích người đến ăn mang đồ ăn và uống còn thừa về nhà để tránh lãng phí. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Coldiretti, tình trạng phí phạm đồ ăn và uống vẫn diễn ra, phần lớn vì thái độ của khách. Một thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm, một người Italy lãng phí 76kg lương thực các loại. Con số thực tế của vài năm trước, khi Italy vẫn còn giàu có, thậm chí nhiều hơn.

Tuy nhiên, do rơi vào khủng hoảng kinh tế nặng nề khiến nhiều người phải thắt lưng buộc bụng, 60% người dân Italy đã trở nên thực tế trong việc mua đồ ăn cho gia đình. Đồ không ăn hết của bữa trước họ không đổ đi như trước, mà để lại cho bữa sau.

Báo chí cũng tuyên truyền vận động người dân sử dụng hợp lý lương thực, và quan tâm hơn nữa đến những người nghèo, nhiều trong số đó thiếu ăn, hoặc thường xuyên phải sử dụng đồ thực phẩm sắp hết hạn sử dụng, vốn được bán với giá khuyến mãi 50% và thường được để trong một tủ làm lạnh trong gian thực phẩm đông lạnh tại các siêu thị.

Giá trị của cuộc sống đôi khi đến từ những việc rất nhỏ, khi bản thân tôi cảm nhận được một điều: ta học được nhiều hơn về cuộc sống chỉ bằng một cái hộp đựng thức ăn thừa. Ăn thừa không có gì quá xấu, đổ đi những đồ còn ăn được cho bữa sau mới đáng buồn.

Danh dự của ta không mất đi chỉ vì đi xin một cái hộp đựng thực ăn. Nó chỉ làm cho ta trở nên có ý thức và văn minh hơn thôi.    

Hẹn gặp lại quý anh chị trong các thư sau.

Phu nhân Tổng thống Mỹ Michelle Obama xin hầu bàn hộp để mang đồ ăn thừa về sau một bữa tối ở Rome trong chuyến thăm Italy vào năm 2009.

Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm