Người Việt mặc lễ phục gì trước khi có... đề án Xây dựng, lựa chọn Lễ phục Nhà nước?

05/05/2013 16:03 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Dù không được gọi bằng khái niệm “lễ phục”, người Việt Nam đã từng có một số lựa chọn riêng với những bộ trang phục được sử dụng trong các dịp trang trọng hoặc nghi lễ lớn. Và, theo nhiều chuyên gia, các lễ phục đang được lựa chọn thiết kế cần có sự tham khảo từ cái "nền" là những bộ trang phục đã đi vào lịch sử này.

Đề án Xây dựng, lựa chọn Lễ phục Nhà nước đã được khởi động bởi Cục Mỹ thuật & Nhiếp ảnh từ cuối 2012 và dự kiến sẽ còn kéo dài trước khi đi tới kết quả cuối cùng. Theo đó, ngoài các yêu cầu như sang trọng, tiện dụng, hiện đại, lễ phục Nhà nước trước tiên vẫn phải đảm bảo yếu tố quan trọng: tính đại diện cho văn hoá Việt.

Vậy, trong lịch sử, người Việt Nam đã sử dụng những bộ lễ phục" bất thành văn" nào?

Từng làm việc tại Cục Văn hoá Thông tin Cơ sở và có nhiều năm theo đuổi đề tài lịch sử, nhà văn Hoàng Quốc Hải là người nghiên cứu khá sâu về đề tài này. Như lời ông, chúng ta cũng đã ít nhiều có một nền văn hóa lễ phục tương đối thống nhất trong lịch sử, trước khi tiếp nhận các yếu tố văn hoá Pháp vào cuối thế kỷ XIX.


GS Trần Văn Khê thường xuyên mặc áo dài trong các dịp đại lễ

"Khi chưa có sự giao lưu với văn minh phương Tây, các bộ trang phục trong giao tiếp hay trong đời thường của chúng ta đều bắt nguồn từ các đặc trưng về nguyên liệu bản địa, khí hậu, tập quán lao động sinh hoạt. Cộng đồng chấp nhận các loại trang phục này và sử dụng ổn định qua nhiều đời" Nhà văn nói. "Chẳng hạn, nhìn vào trống đồng Ngọc Lũ, chúng ta sẽ thấy cái váy của người phụ nữ cách đây 3 ngàn năm cũng không khác mấy loại váy mà phụ nữ nông thôn miền Bắc mặc trước 1945. Lí do: những trang phục này ít chịu ảnh hưởng của văn minh phương Tây như tại thành thị".

Kể từ thời giành chủ quyền vào thế kỷ X, các tư liệu nghiên cứu cho thấy trang phục giao tiếp cơ bản của người Việt là loại áo dài mặc ngoài (cho cả nam và nữ) với các biến thể khác nhau. Ở thời Lý (thế kỷ XI), triều đình đã ban hành quy chuẩn về màu sắc y phục bao gồm màu đỏ cho vua, màu tía cho đại thần cấp cao, màu hồng và xanh cho các quan cấp thấp hơn. Dân gian thì dùng các màu đen, nâu, tràm, trắng.

Tới khi các triều đại Lê, Nguyễn (từ thế kỉ XIV về sau) thượng tôn Nho học và chịu ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa, long bào của nhà vua có thay đổi mạnh về kiểu dáng và thường có màu vàng, vẽ rồng 5 móng. Màu sắc này bắt nguồn từ việc các hoàng đế Trung Hoa chọn dùng màu hoàng thổ (màu phù sa của sông Hoàng Hà).  Tuy nhiên, nghiên cứu của GS Vũ Khiêu cho thấy từ thời vua Gia Long, các trang phục cung đình lại mang sắc thái dân tộc khá rõ. Đặc biệt, trong giao tiếp bình thường, vua quan thường mặc áo dài the và đội khăn xếp, chỉ khác nhau về màu sắc. (Theo đó, vua mặc màu vàng, các quan mặc màu huyết dụ hoặc lam tuỳ phẩm bậc. Các cấp quan phủ, huyện thì mặc màu đen và màu xanh).


Tết Quý Tỵ năm nay nghệ sĩ Trịnh Bách, người có công phục dựng trang phục cung đình Huế, “dụ” được nhạc sĩ Dương Thụ cùng mặc áo dài sa kép được may theo đúng nguyên tắc truyền thống.

Đây là một loại lễ phục dành cho nam giới trước đây, khi hành lễ, người ta mặc thêm ra bên ngoài áo thụng (áo rộng).

Vào cuối thế kỉ XVIII, Âu phục dạng com lê xuất hiện cùng người Pháp tại VieetjNam và nhanh chóng được hưởng ứng bởi giới trí thức "Tây học". Tuy nhiên, không vì vậy mà loại hình trang phục áo dài mất đi. Thay vào đó, các trang phục này chỉ được cải biến thêm theo hướng gọn gàng, tiện dụng kiểu hiện đại. Điển hình, tay áo lụng thụng được "thu lại", khăn đội đầu thay vì phải quấn thì được "đóng" sẵn, chỉ cần đội lên. Đặc biệt, tại miền Bắc, nơi công cuộc "Âu hoá" diễn ra mạnh, thì áo dài của nam giới có xu hướng ngắn hơn các tỉnh phía trong và ít khi vượt qua đầu gối.

Cùng với GS Vũ Khiêu, nhà sử học Dương Trung Quốc dự kiến sẽ là thành viên Ban cố vấn cho dự án thiết kế Lễ phục của Cục MT&NA. Theo lời ông Quốc, giai đoạn mới giành độc lập sau Cách mạng tháng Tám, nhiều Bộ trưởng trong Chính phủ như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố vẫn sử dụng trang phục áo dài, khăn đóng trong các dịp trang trọng. Thậm chí, khi đón giao thừa năm 1946 tại khu vực Hồ Gươm, chủ tịch Hồ Chí Minh cũng mặc trang phục này.

"Biểu diễn âm nhạc Việt Nam, mặc áo của người Việt Nam, đó là điều hợp lý thôi" - GS Trần Văn Khê

Giai đoạn sau 1975, GS âm nhạc Trần Văn Khê là người thường xuyên mặc áo dài trong các dịp đại lễ, dù đã có nhiều năm sống trên đất Pháp. Theo một giai thoại, vào năm 1977, vị GS này tham dự một Hội nghị âm nhạc quốc tế tại Tiệp Khắc cũ. Một vài người bạn lo lắng khuyên ông không nên mặc bộ áo "thời phong kiến" tại sự kiện văn hoá ở một nước XHCN. GS Khê trả lời: " Chỉ cần mặc áo này, mọi người đều biết tôi đến từ Việt Nam. Biểu diễn âm nhạc Việt Nam, mặc áo của người Việt Nam, đó là điều hợp lý thôi".

Nhu cầu thực tế về Lễ phục Nhà nước của Việt Nam bắt đầu xuất hiện từ những năm 1990 trong quá trình hội nhập quốc tế. Theo lời nhà văn Hoàng Quốc Hải, trong giấy mời nguyên thủ Việt Nam sang dự khánh thọ Nhật Hoàng vào năm 1990, phía Nhật Bản ghi rõ: " Xin quý vị mặc theo quốc phục của quí quốc. Nếu quí vị vận lễ phục châu Âu cũng xin thông báo trước". Bởi, khách mời vận quốc phục sẽ được trân trọng bố trí ngồi tại một khu vực danh dự. Các khách mặc Âu phục cũng vẫn được trân trọng, nhưng sẽ được xếp ngồi tại một khu vực riêng.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải kể, khi đó, các thợ may lành nghề phía Nam phải may một bộ lễ phục châu Âu cho Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ để lên đường đi Nhật. Cũng có một số ý kiến bàn cãi về việc mặc áo dài, tuy nhiên không trở thành hiện thực.

Tuy nhiên, trên thực tế sau đó, loại áo dài cho nam giới dần xuất hiện trở lại trong nhiều sự kiện, mà điển hình là lễ Giỗ tổ Hùng Vương 2005 và Hội nghị APEC 2006. Bởi vậy, theo nhiều chuyên gia văn hoá, với việc chính thức xây dựng mẫu Lễ phục Nhà nước Việt Nam (và sử dụng song song với hệ thống Âu phục), những người thực hiện rất nên tham khảo cái "nền" là hệ thống áo dài này.

Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm