Xung quanh chuyện thưởng của VĐV Việt Nam

15/10/2016 09:28 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Đoàn thể thao Việt Nam nhận 10 tỷ đồng nhờ cơn mưa huy chương tại Đại hội thể thao bãi biển châu Á (ABG) trên sân nhà. Nhiều người  chỉ nhìn vào con số và mức thưởng để  nhìn nhận một cách đơn giản, và phần nào đó khắc nghiệt rằng  dân thể thao sao kiếm tiền dễ thế.

Trong khi đó, ngoài việc trông đợi cả vào tiền thưởng thành tích năm thi mười họa, chỉ dành cho số hàng đầu, VĐV Việt Nam chẳng có tháng lương 13 hay  thưởng lễ tết.

Phía sau 185 triệu đồng thưởng của Phạm Thị Huệ

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh với mức thưởng lên tới 6 tỷ đồng là một trường hợp siêu ngoại lệ. Thậm chí, xét ở góc độ thành tích, thu nhập, 2016 còn được coi là một năm buồn của làng thể thao Việt, bởi đấu trường Olympic quá cao, trong khi lại có quá ít giải quốc tế khác.

Không tính Xuân Vinh, Phạm Thị Huệ là tuyển thủ lĩnh thưởng cao nhất, với 185 triệu đồng cho 2 tấm HCV (1 cá nhân, 1 tiếp sức) nội dung chạy băng đồng tại ABG. 185 triệu đồng Huệ có được đã bao gồm cả thưởng theo quy định nhà nước, thưởng của đơn vị chủ quản và thưởng nóng. Để có được thành quả này, cô gái người Quảng Ninh đã phải trải qua 2 tháng ròng rã rèn chân trên cát bỏng ngoài bãi biển, chiến thắng nhiều đối thủ mạnh tầm châu lục.


Phạm Thị Huệ dù nhận thưởng khủng nhưng lương tháng cũng chỉ 4 triệu đồng

Như tâm sự của Huệ, số tiền 185 triệu quá lớn với mình. Thế nhưng, điều đó dường như chỉ đúng với xuất phát điểm của một cô gái con nhà nông dân nghèo đất Mỏ, và thực tế thu nhập quá hẻo của dân thể thao.  

Nếu không có khoản thưởng này, mỗi tháng Huệ, một tài năng trẻ đặc biệt của môn điền kinh, chỉ có chưa nổi 4 triệu đồng đến từ tiền công tập luyện tính bằng ngày cùng phụ cấp của địa phương. Kể cả khoản thưởng, tính ra, trung bình, mỗi tháng Huệ cũng chỉ có 19 triệu đồng.

19 triệu đồng là mức thu nhập kỷ lục trong năm 2016 của VĐV Việt Nam (không kể bóng đá nam), tính cả nguồn thường xuyên lẫn đột xuất. Nó hoàn toàn không tệ so với dân thể thao, song lại là một sự cay đắng khi xét cả một năm liên tục tập luyện thi đấu đỉnh cao của một gương mặt giành tới 2 HCV cấp độ châu lục.

Văn Ngọc Tú cùng nỗi niềm 25 triệu

Khoản thưởng 185 triệu đồng, cùng mức thu nhập trung bình 19 triệu đồng/tháng của Phạm Thị Huệ không hề cao so với mặt bằng chung xã hội, vẫn là mơ ước của hầu hết các VĐV Việt Nam, kể cả những ngôi sao hàng đầu như võ sĩ judo Văn Ngọc Tú.

Trong năm 2016, “nữ hoàng judo” Ngọc Tú dự tranh 7 cuộc đấu loại để lần thứ hai liên tiếp giành quyền dự tranh Olympic. Tại Rio, chị tiếp tục lập kỳ tích khi trở thành đại diện đầu tiên của môn này lọt được vào tới vòng hai. Cả khu vực Đông Nam Á duy nhất cô gái quê Sóc Trăng làm được điều này.  Sự quyết tâm và nỗ lực, mồ hôi và nước mắt mà Tú phải đổ ra cho đích nhắm Olympic hoàn toàn khác với SEA Games, sân chơi mà chị bước vào thảm là để lấy HCV.

Thế nhưng, nếu không có 25 triệu đồng cho tấm HCB hạng 48kg môn kurash tại ABG, chị sẽ trải qua một năm “trắng thưởng”. Ở cả 7 cuộc đấu loại, thành tích của Tú đều rất tốt song không có thưởng do các giải không có trong danh mục được thưởng.  Cũng may, nhờ nằm trong danh sách các VĐV được đầu tư trọng điểm cho Olympic, Tú có thêm khoản không thường xuyên 400 nghìn đồng/ngày để có khoảng 9 triệu đồng/tháng. Với khoản thu nhập đó, Tú gần như không dám chi dùng gì cho riêng mình, và phải  khó khăn lắm để có thể lo  gánh nặng gia đình, nơi người cha già đang ngày ngày phải chiến đấu với căn bệnh ung thư.

Ngoài Ngọc Tú, hàng loạt các gương mặt sáng giá khác như Nguyễn Thị Lụa (vật), Nguyễn Thị Lệ Dung, Nguyễn Thị Huyền (điền kinh), Phạm Phước Hưng (thể dục dụng cụ),  đều chỉ có mức thu nhập cứng từ 7-8- 10 triệu đồng.  

Đấu hết mình để nhận thưởng, tại sao không?

Dù có thể có nhiều ý kiến khác nhau về việc tổ chức, tính chuyên môn của ABG  song chuyện các tuyển thủ đã hoàn toàn xứng đáng với sự tôn vinh, trong đó có khoản thưởng lên tới 10 tỷ đồng cho 52 HCV, 44 HCB, 43 HCĐ mà phía sau đó là cả quá trình khổ luyện, tinh thần phấn đấu hết mình. Rõ ràng, họ đã thực hiện xuất sắc vinh dự và trách nhiệm của mình ở một cuộc đấu cụ thể.

Đại hội Thể thao bãi biển châu Á ABG5: Như mang SEA Games ra biển

Đại hội Thể thao bãi biển châu Á ABG5: Như mang SEA Games ra biển

Với tư cách chủ nhà ở Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG5) vừa kết thúc, Việt Nam đã thống trị trên bảng xếp hạng khi bỏ xa đoàn xếp thứ 2 là Thái Lan tới 16 HCV.

Ở đó, ngoài vị thế, hình ảnh của thể thao Việt Nam trên sân nhà, sự trải nghiệm thú vị  với một sân chơi hoàn toàn khác biệt,  họ còn một động lực thiết thực và chính đáng  khác để phấn đấu: tiền thưởng. Mỗi tấm huy chương  đều được thưởng “nóng” 5 triệu/HCV, 3 triệu/HCB, 2 triệu HCĐ. Mức thưởng thành tích không thua mấy ASIAD với lần lượt 50 triệu đồng/HCV, 25 triệu/HCB, 20 triệu đồng/HCĐ.  

Điều quan trọng, nó đã giúp cho cuộc sống của mấy trăm tuyển thủ đã vơi đi những nhọc nhằn. Người cao có 70-80 triệu, người ít cũng có 20 triệu đồng. Chưa kể, đó còn là lần  tỏa sáng và lĩnh thưởng duy nhất cho nhiều tuyển thủ của một số môn vài năm mới có một cuộc đấu quốc tế như võ cỗ truyển, đá cầu.

 Và nếu nhìn vào những con số vài chục triệu ấy, đặt trong cả một năm tập luyện thi đấu, cùng mặt bằng thu nhập khiêm tốn của các VĐV sẽ thấy cần phải chia sẻ, động viên, thậm chí mừng cho những lao động đặc thù mà chưa bao giờ được hưởng chế độ đặc thù như đáng ra phải thế.  

Khi tiền thưởng là khác biệt duy nhất

Nhìn nhận thẳng thắn, việc dự tranh và giành huy chương tại các giải quốc tế chính là cơ hội, khả năng duy nhất để họ có thêm thu nhập từ tiền thưởng, dù cũng chỉ đỡ hơn phần nào. Đó là sự khác biệt duy nhất, và đáng nói hơn không mang tính thường xuyên, chỉ dành cho một số ít, rất ít.

Ngoài khoản thu nhập từ tiền công tập luyện hàng ngày, 150 nghìn/ ngày ở ĐTQG, 100-120 nghìn đồng/ngày với cấp tỉnh, các VĐV chỉ có một đích nhắm duy nhất là trở thành tuyển thủ giỏi, để được thi đấu nhiều giải quốc tế, mang về thành tích và có tiền thưởng. Là “máy cái” của một ngành mang tính đặc thù, xã hội cao, song họ không có tháng lương thứ 13, không có thưởng lễ tết hay nếu có chỉ một khoản nhỏ gọi là cho có, phụ thuộc vào điều kiện và sự quan tâm của từng nơi. Dân thể thao vẫn thường ví von về chuyện “vui năm lẻ, buồn năm chẵn”. Đơn giản vì năm lẻ là năm có SEA Games, nơi mấy trăm tuyển thủ có thể lập công lĩnh thưởng, còn năm chẵn là năm Olympic hay ASIAD, nơi chỉ vài chục người có thể với được tới.

Suy cho cùng, với một nền thể thao đang duy trì một hệ thống đào tạo gồm 10 nghìn VĐV đỉnh cao các cấp, trong đó có khoảng một nghìn tuyển thủ quốc gia, thì câu chuyện thưởng thành tích cũng không giải quyết được gì nhiều cho thu nhập, đời sống của VĐV hay sự phát triển.

Ngoài việc phải đẩy mạnh xã hội hóa và chuyên nghiệp hóa thể thao, giải pháp quyết định vẫn phải là một sự thay đổi về mặt chính sách, trong đó mức tiền công tập luyện cần sớm được nâng lên phù hợp với mặt bằng chung xã hội, cũng như đặc thù VĐV.

Ngay các tuyển thủ quốc gia, nếu tập đủ 24 ngày cũng chỉ có thu nhập tối đa 3,6 triệu đồng/tháng. Tình thế sẽ rất khác nếu như nó được tăng lên khoảng 3-4 lần, để đạt mức 10-12 triệu đồng/tháng.

Tường Nhi
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm