Xạ thủ Ngô Ngân Hà và phát súng mở đường

05/02/2016 13:09 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Không nhiều người còn nhớ, Olympic 1980 tại Liên Xô (cũ) là kỳ đại hội quốc tế chính thức đầu tiên mà Thể thao Việt Nam (TTVN) kể từ sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.

Và cũng chỉ mất có 2 năm, quốc kỳ Việt Nam đã được kéo lên đấu trường châu lục với tấm HCĐ của xạ thủ Quân đội Nguyễn Quốc Cường ở nội dung súng ngắn bắn nhanh. Nhưng cuộc hội nhập của TTVN chỉ thực sự bắt đầu từ khi đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới.

Đó là năm 1989, khi tiến trình đổi mới mang tới những thay đổi tích cực, toàn diện trên nhiều mặt của đất nước. Cũng vào năm đó, lần đầu trong lịch sử, nước ta xuất khẩu 1,4 triệu tấn gạo, dù chỉ 1 năm trước các tỉnh miền Bắc còn lâm vào nạn đói. Chính sự thay da, đổi thịt trong đời sống kinh tế - xã hội là bước đà quan trọng để TTVN chính thức trở lại với đấu trường thể thao quốc tế thông qua lần tham dự SEA Games lần thứ 15 năm 1989 tại Malaysia. Và ở đó, cái tên Ngô Ngân Hà đã đi vào lịch sử thể thao nước nhà.

Từ "phát súng"đầu tiên...

Đất nước đổi thay, nhưng trước những đòi hỏi cấp bách của đời sống nhân dân, dễ hiểu là sự đầu tư cho thể thao khi ấy vẫn còn hạn chế lắm. Đoàn TTVN tham dự kỳ SEA Games 1989 chỉ vỏn vẹn 42 tuyển thủ của 8 môn là: Điền kinh, bơi lội, bắn súng, bóng bàn, quyền Anh, thể dục dụng cụ, quần vợt và bóng chuyền nữ.


 Xạ thủ Ngô Ngân Hà "mở hàng" cho một giai đoạn mới của lịch sử  thể thao Việt Nam

Dù cử đi những gương mặt giỏi nhất, những môn mạnh nhất, nhưng chính những nhà quản lý thể thao sau này vẫn nhắc lại, khi ấy chủ yếu là thăm dò, phấn đấu có huy chương, chứ mấy ai dám nghĩ tới HCV. Hành trang đến với sân chơi khu vực chỉ vỏn vẹn là kinh nghiệm qua 1 kỳ Thế vận hội được mời bằng kinh phí của chủ nhà Liên Xô với duy nhất 1 trận thắng để đời của đô vật Phí Hữu Tình trước Victor Kede Manga (Cameroon) cùng tấm HCĐ của Nguyễn Quốc Cường và bảng kỷ lục quốc gia để so sánh với các đối thủ Đông Nam Á.

Vì thế thành tích giành tới 19 huy chương, trong đó có 3 HCV, 11 HCB, 5 HCĐ, xếp thứ 7/9 đoàn tham dự ở SEA Games lần ấy được xem là bất ngờ cực lớn. Và trong bất ngờ này, tỏa sáng nhất chính là Ngô Ngân Hà, người góp phần mang về 2/3 HCV, trong đó có tấm HCV cá nhân duy nhất.

Sự nghiệp thể thao của nữ xạ thủ Hà Nội bắt đầu từ những giờ học thể thao của trường phổ thông cấp 1-2 Hoàng Diệu (quận Ba Đình), rồi sau đó là lớp điền kinh nghiệp dư của Trường Văn hóa - TDTT Hà Nội, rồi bùng nổ khi đến với bắn súng. Trước khi tham dự SEA Games 15, Ngô Ngân Hà là kỷ lục gia ở 2 nội dung sở trường là: Súng trường tiêu chuẩn nữ nằm bắn và ba tư thế. Năm 1984, chị lần đầu có mặt trong danh sách VĐV tiêu biểu toàn quốc khi bắn chỉ kém kỷ lục thế giới có 7 điểm tại nội dung súng trường tiêu chuẩn nữ nằm bắn trong cuộc thi quốc tế tổ chức ở Moscow (Liên Xô).

Đến một sự nghiệp lẫy lừng

Và với những thành tích đó, đương nhiên Ngô Ngân Hà chính là niềm hy vọng lớn của TTVN khi trở lại đấu trường khu vực. Hy vọng đó cũng sớm thành hiện thực, tái lập kỷ lục quốc gia 583 điểm, nữ xạ thủ Hà Nội giành HCV cá nhân nội dung súng trường tiêu chuẩn nữ nằm bắn và cùng 2 người đồng đội Đặng Thị Đông, Nguyễn Bùi Thiết vượt qua các đối thủ mạnh của Malaysia, Thái Lan, Indonesia để giành cả chức vô địch đồng đội nội dung này. Có 1 chi tiết khá thú vị là đội bắn súng Việt Nam khi ấy đến Malaysia vẫn "xài" những khẩu súng cũ do CHDC Đức sản xuất và BTC SEA Games phải yêu cầu có những sửa đổi mới được thi đấu.

Tiếp tục là trụ cột của phân đội súng trường nữ, sự nghiệp thi đấu quốc tế của Ngô Ngân Hà còn kéo dài đến tận SEA Games 19 tại Indonesia vào năm 1997 (5 kỳ SEA Games liên tiếp). Và với tổng cộng 6 HCV, chị là VĐV giàu thành tích nhất của TTVN tính đến trước khi bị kình ngư trẻ Ánh Viên vừa phá tại SEA Games năm vừa rồi với kỳ tích 8 HCV.

SEA Games 2015: Bắn súng đã mang về những tấm HCV đầu tiên cho đoàn TTVN trong ngày 7/6

SEA Games 2015: Bắn súng đã mang về những tấm HCV đầu tiên cho đoàn TTVN trong ngày 7/6

Trong ngày thi đấu 7/6, bộ môn bắn súng đã mang về 2 tấm HCV cho đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) sau khi giành chiến thắng ở nội dung đồng đội nam lẫn cá nhân nam.


Hy sinh tất cả cho bắn súng với những chuyến tập huấn, thi đấu dài ngày xa gia đình và mặc cho có cuộc chia tay sự nghiệp trong vinh quang, nhưng chính ở kỳ SEA Games 19 ấy chị đã phải chôn chặt trong lòng nỗi đau khi không giữ được sinh linh nhỏ trong mình. Rồi vì nhiều lý do, sau năm 1997, Ngô Ngân Hà chính thức "buông cây súng" để theo sự nghiệp huấn luyện. Cũng ít ai biết, nữ xạ thủ giành tấm HCV đầu tiên ở một kỳ Đại hội cho TTVN thời Đổi mới ấy chính là phu nhân của Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT hiện nay, ông Vương Bích Thắng.

Gần 30 năm đã đi qua, cùng với tiến trình đổi mới của đất nước, thông qua những bước hòa nhập sâu hơn, TTVN cũng từng bước tạo nên chỗ đứng vững chắc trên bản đồ thể thao thế giới. Và dù mỗi giai đoạn, mỗi cách làm còn có thể gây tranh cãi, nhưng nếu cùng nhìn lại "phát súng" đầu tiên của nữ xạ thủ Ngô Ngân Hà, thì có thể khẳng định: Sức mạnh thực sự của một nền thể thao quốc gia cần phải được xây dựng trên những nền tảng cơ bản nhất, những môn thể thao cơ bản nhất.

Xạ thủ Ngô Ngân Hà từng giành 6 HCV SEA Games, từng chỉ kém kỷ lục thế giới 7 điểm tại nội dung súng trường tiêu chuẩn nữ nằm bắn trong một cuộc thi quốc tế năm 1984. Thành tích này giúp chị có mặt trong danh sách VĐV tiêu biểu năm 1984 của TTVN.


Băn súng vẫn là thế mạnh của thể thao Việt Nam qua ba thập kỷ - Ảnh: Quốc Khánh

Những dấu mốc lịch sử của Thể thao Việt Nam

Từ "phát súng" đầu tiên của Ngô Ngân Hà, đến nay bắn súng vẫn tiếp tục là thế mạnh của TTVN trên đấu trường quốc tế. Và quan trọng hơn, Thể thao Việt Nam hiểu được mình, hiểu được người đã làm nên nhiều kỳ tích nữa, dần định vị vị thế mới trên đấu trường quốc tế thông qua các môn cơ bản trong hệ thống thi đấu Olympic. Chỉ riêng ở SEA Games 1991, trong lần tham dự thứ hai của TTVN, bên cạnh thế mạnh bắn súng vẫn được phát huy (giành 4/7 HCV, trong đó nữ xạ thủ Quân đội Đặng Thị Đông bắn vượt kỷ lục châu Á với 585 điểm ở bài bắn súng trường tiêu chuẩn nằm bắn nữ), thì có 1 tấm HCV cho đến tận hôm nay chúng ta vẫn chưa thể lặp lại, đó là chức vô địch đồng đội bóng bàn nữ của đội bóng bàn nữ Việt Nam với hai tay vợt Nhan Vị Quân và Trần Thu Hà trước ĐKVĐ Indonesia (khi đó luật đồng đội vẫn thi đấu với 2 VĐV).

Năm 1995 có 2 tấm HCV khác cũng đi vào lịch sử, đó là tấm HCV SEA Games đầu tiên của điền kinh Việt Nam khi Vũ Bích Hường đăng quang trên đường chạy 100m rào nữ. Tay vợt Vũ Mạnh Cường vô địch nội dung đơn nam bóng bàn. Và dĩ nhiên, không thể không kể tới tấm HCB mà như Vàng của đội tuyển bóng đá nam dù đến giờ vẫn chưa thể đổi màu. Tại đấu trường Asiad, năm 1994 khi Đại hội được tổ chức tại Hiroshima (Nhật Bản), võ sỹ Taekwondo Trần Quang Hạ mang về tấm HCV đầu tiên. Cũng chính Taekwondo trong lần đầu có mặt ở Olympic mùa hè Sydney 2000, nữ võ sỹ Trần Hiếu Ngân ghi dấu ấn lịch sử với chiếc HCB, rồi 8 năm sau, thành tích đó lại được lực sỹ Hoàng Anh Tuấn tái lập.

Tại Asiad 2006, Vũ Thị Hương giành HCB 200m và HCĐ 100m, khẳng định tiềm năng môn thể thao nữ hoàng của Việt Nam. VĐV điền kinh này còn tạo nên thành tích kỳ vĩ khi từ 2005 đến 2009 đã ba lần liền giành HCV 100m ở SEA Games. Và sau nhiều những cột mốc ấn tượng khác, chặng đường 30 năm Thể thao Việt Nam hòa nhập với khu vực kể từ Đổi mới được tô đậm bằng sự vươn lên mạnh mẽ của các môn Olympic, trong đó có 8 HCV và 8 kỷ lục của kình ngư Ánh Viên ở SEA Games 2015.


Vũ Minh
Thể thao  & Văn hóa Xuân Bính Thân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm