VĐV cử tạ Thạch Kim Tuấn: Chàng Thạch Sanh giữa đời thường

04/10/2010 06:42 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH cuối tuần) - Chúng tôi đến gặp Tuấn vào một chiều Chủ nhật, khi bên ngoài trời đang đổ cơn mưa to. Dáng vẻ uể oải sau giấc ngủ ngắn, nhưng Tuấn vẫn cười tươi chào chúng tôi kèm một câu phân trần đầy ái ngại: “Lúc này lịch tập của em khá căng”...

Thành công = đam mê + khổ luyện

Nhắc đến cái tên Thạch Kim Tuấn, điều đầu tiên người ta nhớ tới có lẽ là chiếc huy chương Vàng Olympic trẻ thế giới đã làm xáo trộn các mặt báo trong thời gian vừa qua, nhưng ít ai biết sau thành tích ấy là cả một sự khổ luyện suốt nhiều năm liền để theo đuổi niềm đam mê cử tạ của chàng trai gốc Bình Thuận này.

16 tuổi và 5 năm đến với cử tạ, bộ sưu tập huy chương của Tuấn đã xấp xỉ con số 50, một thành tích đáng mơ ước cho bất cứ VĐV trẻ nào. Tuy nhiên, Tuấn thừa nhận tất cả mới chỉ là bước đầu của một hành trình sẽ rất dài sau này, và cậu luôn cố gắng tập luyện để giữ “lửa” với môn thể thao đã thay đổi cuộc sống của mình.


Thạch Kim Tuấn tại Olympic trẻ Singapore 2010

Sau chiếc huy chương Vàng Olympic trẻ, Tuấn đang tập luyện cật lực để chuẩn bị cho ASIAD 16 tại Quảng Châu, TQ sắp tới. Nhìn vào lịch tập dày đặc suốt cả tuần của Tuấn và các đồng đội ở Nhà thi đấu Phú Thọ mới thấy hết sự quyết tâm cho niềm đam mê của cậu.

Ngày hai buổi, Tuấn đều đặn đến nhà thi đấu. Dù đang bị chấn thương cổ tay, Tuấn chỉ nói với thầy cho tập nhẹ hơn, chứ không hề bỏ tập. Có lúc đau quá, Tuấn uống thuốc giảm đau và dán Salonpas, rồi tập tiếp. Khi chúng tôi tỏ ra lo ngại, Tuấn chỉ cười: “Em cũng định đi khám, nhưng chưa có thời gian đấy thôi”.

Thứ Sáu này (1/10/2010) Tuấn và đồng đội sẽ có chuyến tập huấn ở Trung Quốc dài hai tháng. Khi được hỏi áp lực về thành tích tại ASIAD 16, Tuấn thành thật: “Em biết là mình sẽ phải hết sức cố gắng để không phụ sự mong đợi của mọi người”. Với cậu trai trẻ ấy, cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi con người luôn đặt quyết tâm cao nhất cho mọi việc mình làm. “Mọi sự thành công đều từ khổ luyện, bởi vậy mà em không dám lơ là chút nào”.

Nối lại đường học dở dang

Cầm trên tay bộ sách giáo khoa lớp 6 mà chị gái đã chuẩn bị cho, Tuấn bẽn lẽn nhờ chúng tôi xem thử nên đem quyển nào theo để học trong đợt tập huấn sắp tới. Cậu vui vẻ chia sẻ rằng đang rất sẵn sàng để trở lại trường sau nhiều năm dang dở. Chưa bao giờ Tuấn cảm thấy việc học văn hóa cần thiết cho mình như lúc này, khi gia đình và các thầy trong ban huấn luyện luôn động viên cậu. Hiện tại, chị Tuấn đang xin cho em đi học bổ túc, và có thể, sau đợt tập huấn ở Trung Quốc lần này, sẽ không chỉ có một nhà vô địch trẻ Thạch Kim Tuấn trên sàn đấu, một hạt giống của thể thao nước nhà, mà còn có một học sinh Thạch Kim Tuấn chăm ngoan tại trường lớp.


Tuấn miệt mài học, vì “tương lai còn dài lâu, đều do mình cả”

Vinh quang từ những chiếc huy chương đem lại cho Tuấn là không ít, nhưng cậu vẫn nhìn nhận mình một cách rất nghiêm túc: “Em biết VĐV ai cũng có cái thời của mình. Em cũng đâu ngoại lệ được. Còn trẻ thì cứ cống hiến hết sức mình thôi. Nhưng phải lo về lâu dài nữa. Tương lai do mình cả”.

Chàng Thạch Sanh giữa đời thường

Chị Tuấn nói về cậu em ngoan với tất cả niềm tự hào: “Tuấn chưa bao giờ làm tôi phật ý chuyện gì cả”. Ngoài giờ luyện tập, Tuấn chỉ ở nhà nghỉ ngơi, thư giãn với những thú vui như vẽ, nghe nhạc, xem phim cùng đứa cháu nhỏ, chứ không ham chơi bời như những bạn cùng lứa tuổi.

Nói về chiếc huy chương Vàng Olympic trẻ châu Á, Tuấn lại cười. Thật sự cậu vẫn không quen với việc được người ta tung hô như cậu bé vàng của thể thao Việt Nam, mặc dù chiếc huy chương ấy đã mang về cho cả Tuấn lẫn thể thao nước nhà những vinh quang lớn. Tuấn cũng không muốn người ta nhắc quá nhiều về tuổi thơ mồ côi vất vả. Giản dị áo phông quần đùi, với khuôn mặt hiền khô và nụ cười bẽn lẽn, Tuấn rất ngại khi nói về bản thân mình. Chị Tuấn chia sẻ : “Nhiều khi tôi cứ lo Tuấn ít nói sẽ làm mếch lòng mấy anh chị nhà báo thôi”.

Hôm về nước ở sân bay, Tuấn đã bỏ chạy khi cánh phóng viên vây quanh với lý do rất dễ hiểu: sợ không biết nói gì trước hàng tá câu hỏi. Chàng Thạch Sanh hiền lành ấy chỉ muốn được nhìn nhận như một VĐV bình thường, hàng ngày luyện tập và nghỉ ngơi một cách nghiêm túc, bởi hơn ai hết, Tuấn biết mình đang đứng ở đâu trên hành trình chinh phục ước mơ mà cậu đã theo đuổi suốt 6 năm qua, và sẽ còn theo đuổi nó cho đến khi nào còn có thể.

Trước khi rời căn phòng nhỏ ấm cúng của gia đình Tuấn, tôi hỏi cậu trai mười sáu tuổi ấy rằng nếu sau này thành công ở những đấu trường cao hơn nữa, có sợ cuộc sống của mình sẽ xáo trộn đi nhiều không? Và đúng như những gì tôi cảm nhận về Tuấn, vẫn bằng một nụ cười bẽn lẽn, Tuấn khẳng định:“Sẽ không có gì thay đổi đâu chị ạ, dẫu sau này em có nhận được bao nhiêu huy chương đi chăng nữa”.

Bài và ảnh: Nguyễn Vân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm