Tôi và Độc giả Thể thao & Văn hoá: Nếu Công Phượng cũng đánh nguội...

02/02/2015 11:00 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Sức hấp dẫn của giải Ngoại hạng Anh không cần chất mafia – yếu tố mà La Liga cần để bán được giải đấu này ra khắp thế giới. Và nếu Công Phượng đánh nguội ai đó ở V-League (khả năng khó xảy ra), Công Phượng sẽ bị treo giò như Diego Costa chứ không như Ronaldo. Dưới đây là tranh luận của nhà báo Phạm Tấn với các độc giả của Thể thao & Văn hoá.

Độc giả tên Đức: Nhà báo nên xem lại hành động sau khi vi phạm của hai cầu thủ này. Xem CR7 như thế nào và Costa hành động như thế nào. Việc CR7 công khai xin lỗi trên báo chí và gọi điện trực tiếp xin lỗi nên giảm án xuống còn 2 trận là hoàn hoàn bình thường. Có gì đâu mà "không thuyết phục được cả một cậu bé cấp tiểu học".

Nhà báo Phạm Tấn: “Không thuyết phục được cả một cậu bé cấp tiểu học” là bởi việc án treo giò hai trận chỉ đúng bằng những chiếc thẻ đỏ trực tiếp khác như thủ môn dùng tay chơi bóng ngoài vòng cấm hay hậu vệ phạm lỗi với tiền đạo đối phương trong tình thế có thể ghi bàn. Tức là Ronaldo không hề bị phạt cho lỗi đánh nguội (đấm vào mặt đối thủ). 

Hơn nữa, hành vi đó không thể được xí xoá sau một lời xin lỗi. Ở những đất nước mà xin lỗi đã thành một chuẩn mực tối thiểu (do trẻ con được dạy dỗ cần biết nhận lỗi và xin lỗi) thì xin lỗi như Ronaldo không được coi như là một hành vi “lập công chuộc tội”. 

Và chỉ bị treo giò hai trận là một án phạt rất vừa vặn để Ronaldo ra sân trong trận derby với đối thủ cùng thành phố Atletico Madrid buộc người ta phải nghi ngờ. Nếu đối thủ của Real Madrid tới đây chỉ là những đội bóng như Levante, Elche, Granada, hẳn là đã có một án phạt khác.

Độc giả Đức Hoàng: Tôi không biết các CLB còn lại ở Liga họ nghĩ gì khi mà Ronaldo chỉ bị treo giò hai trận? Sự bất công nếu được bù đắp bằng tiền không lẽ làm câm lặng tất cả?

Nhà báo Phạm Tấn: Căn cứ vào cách truyền thông Tây Ban Nha đưa tin quanh vụ việc thì các CLB ở Liga dường như không phản ứng về án phạt đó. Có mấy suy luận, hoặc là họ đồng thuận với đánh giá về mức độ vi phạm của Ronaldo như Ban kỷ luật của LĐBĐ Tây Ban Nha, hoặc là họ đã quá quen với những cách đối xử bất công đó mà bản năng phản kháng của họ bị suy yếu, hoặc họ hiểu Ronaldo là một cỗ máy kiếm tiền cho cả Liga và họ được hưởng từ đó phần nào. Chúng ta không thể "ăn ốc nói mò", nhưng rõ ràng các CLB ở Liga chưa thể quên án phạt mà một cầu thủ ít tên tuổi ở một CLB ít danh tiếng là hậu vệ Alexis của Getafe đã bị treo giò bốn trận sau lỗi giật cùi chỏ đối với tiền đạo Mandzukic của Atletico Madrid hồi tháng 10 năm ngoái. Quá gần để nhớ và quá giống nhau để liên tưởng.

Độc giả Trần Quang: Turan của Atletico Madrid ném giày về trọng tài, thế mà cũng có bị treo giò gì đâu. Cả Liga cũng thế chứ đâu phải ưu ái mỗi CR7.
Nếu vụ chiếc giày bay của Turan diễn ra trước vụ Ronaldo đánh nguội, liệu sẽ có một án phạt dành cho cầu thủ của Atletico Madrid – đây là một câu hỏi không thể có câu trả lời chính xác dù cho ai cũng được phép suy luận rằng một án phạt nếu có sẽ châm ngòi cho những tranh cãi.


Nhà báo Phạm Tấn: Nhưng chúng ta phải hiểu một nguyên tắc trong bóng đá, rằng các báo cáo của trọng tài là rất quan trọng. Chẳng hạn, nếu một pha bóng thô bạo được trọng tài viết báo cáo rằng ông ta có nhìn thấy nhưng ông đánh giá là quá nghiêm trọng và chỉ phạt thẻ vàng là đủ, thì Ban kỷ luật sẽ tôn trọng báo cáo của trọng tài. Phán xét về năng lực trọng tài lúc đó lại là một phạm trù khác. Còn nếu trọng tài viết rằng ông không quan sát được hành vi đó, lúc ấy Ban kỷ luật có toàn quyền. Đây là nguyên tắc phổ biến trên toàn thế giới. Hành vi ném giày của Turan đã được trọng tài "bút phê" là anh ta không nhằm vào trợ lý trọng tài để trút giận.

Có điều, Liga không phải là giải đấu biểu tượng cho sự công minh trong công tác trọng tài. Cả Barcelona cũng thường được cho là được trọng tài thiên vị, chứ không chỉ Real Madrid. Cựu Chủ tịch Sevilla Del Nido từng ví giải đấu này là một bãi rác.

Cả thập kỷ cho tới trước mùa vừa rồi, sự hấp dẫn của Liga không phải được tạo nên bởi sự cạnh tranh đa dạng. Chỉ cần Barca và Real Madrid cạnh tranh khốc liệt với nhau, thế là đủ. Thế nên, đôi khi những quyết định của các trọng tài không để cứu một cá nhân CLB, mà sự cạnh tranh giữa hai CLB khổng lồ ấy không chết yểu. Như năm ngoái, Ronaldo tố trọng tài thiên vị Barca để CLB xứ Catalan tiếp tục bám đuổi Madrid trong cuộc đua vô địch.
 
Ngay cả ở Mỹ cũng giống như Việt Nam, bản quyền truyền hình Liga mà kênh BeinSports có được thực ra cũng chỉ để phát sóng những trận đấu có Real Madrid, Barca và nay có thêm Atletico Madrid.

Độc giả Tra Quan Nghia: Nhà báo viết có lý quá. Trong môi trường thể thao như thế này cần phải có biện pháp mạnh để răn đe những hành động chơi xấu và đánh nguội. Lấy người Anh để dạy cho người Tây Ban Nha. Quá hay.

Nhà báo Phạm Tấn: Không phải là lấy người Anh dạy cho người Tây Ban Nha. Điều chúng ta muốn học hỏi là cách xây dựng và duy trì sức hấp dẫn cho giải VĐQG. Giải đấu nào cũng cần ngôi sao để tạo nên sức hút. Nhưng Ngoại hạng Anh đã vượt lên cách thức thông thường đó. Một đồn đoán khi Ronaldo rời Man United sang Liga là Ngoại hạng Anh trở nên thiếu hấp dẫn. Điều đó đã không xảy ra. Ngoại hạng Anh vẫn hấp dẫn và bản quyền truyền hình vẫn tăng chóng mặt qua mỗi giai đoạn. Giá bán sang Mỹ đã tăng gấp sáu lần so với năm năm trước. Điều tương tự xảy ra khi Mourinho chuyển đến Serie A, đã không làm cho truyền thông Anh thất nghiệp. Giải đấu vẫn đầy tính cạnh tranh và đáng chú ý cả trong và ngoài sân cỏ.

Được điều đó là nhờ Ngoại hạng Anh tạo dựng được bản sắc từ lối chơi cống hiến chung của các CLB, của sự cạnh tranh sòng phằng, nơi các sai sót của các trọng tài không phải lúc nào cũng là để phục vụ mục đích cứu CLB lớn nào đó hay phục vụ cho cuộc đua tranh ngôi vô địch căng thẳng từ đầu chí cuối.     

Diego Costa, tiền đạo của Chelsea không bị trọng tài phạt thẻ đỏ do lỗi đánh nguội ở trận đấu Cúp Liên đoàn với Liverpool, nhưng vẫn bị treo giò ba trận dù cho ngay sau án phạt đó Chelsea phải chơi trận quyết định với Man City.

Điều gì sẽ xảy ra với Mourinho nếu như ông móc mắt một trợ lý HLV của đối phương ở Ngoại hạng Anh? Chắc chắn không phải là cấm chỉ đạo hai trận như khi ông từng làm với trợ lý quá cố Tito của Barcelona.

Theo thống kê của riêng tôi, nếu không tính vụ móc mắt nói trên, Ban kỷ luật ở Tây Ban Nha mới chỉ phạt Mourinho đúng một lần cho những hành vi của ông, trong khi ông đã nhận ít nhất hai án phạt ở Italy, và chỉ trong vòng chưa đầy một năm, ông bị phạt tới ba lần ở Anh.

Liệu có quá lời khi cho rằng, dù Mourinho là HLV được "thèm muốn" bởi cả thế giới, nhưng ông vẫn cần bóng đá Anh hơn là bóng đá Anh cần ông?

‪Độc giả Gatsby Gatsby‬‬:Hai sự vụ ở hai vị thế khác hẳn nhau mà. Không học ai cả. Vì Việt nam mình nó khác các nước khác. Học Nhật Bản thôi cho nó thực tế.

Nhà báo Phạm Tấn: Đúng là Việt Nam khác các nước khác. Rất khác là đằng khác. Cựu Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cũng từng nói bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nó khác. Nhưng nếu sự khác biệt đồng nghĩa với lệch chuẩn thì hậu quả lại khôn lường.  

Độc giả Thùy Dung: Học Anh hay Tây Ban Nha đều được. Nhưng quan trọng là thực thi. Tôi thấy mấy ông quan chức của bóng đá Việt Nam phạt tùy hứng lắm. Dư luận thế nào thì họ phạt thế đó. Như vụ Đình Đồng. Phạt quá nặng. Không phải chỉ có phạt nhẹ là thiếu công bằng. Phạt nặng cũng thiếu công bằng. Phạt theo chiều gió như thế là không ổn!

Nhà báo Phạm Tấn: Đúng là trước kia chúng ta hay thấy các nhà tổ chức của BĐVN thường có một cách làm là họ để cho dư luận bàn "nát" về một sự cố nào đó, về những án phạt dự kiến, rồi sau đó đưa ra một án phạt chính thức để đỡ bị cái gọi là "ném đá" theo ngôn ngữ giới trẻ hiện nay.  

Chọn một vụ việc làm "án điểm" không phải là cách quản trị công bằng bởi "nạn nhân" có thể phải chịu một án kỷ luật quá nặng mà trường hợp của Đình Đồng bị treo giò gần một năm vì pha phạm lỗi làm gãy chân đối thủ cũng có thể là ví dụ.

Nhưng "phạt theo chiều gió" cũng có khía cạnh tích cực bởi đa phần dư luận ở BĐVN phản đối thứ bóng đá bạo lực, cái xấu. Nhưng đôi khi, ở những vụ việc phức tạp hơn như vỡ sân, tổ chức trận đấu không tốt, thì chưa chắc dư luận đã được cung cấp đầy đủ thông tin (qua truyền thông) để có nhìn nhận đúng mực rồi VFF "lựa gió".

Tôi cho rằng vấn đề lớn nhất của BĐVN đó là xử lý tiêu cực, dàn xếp tỉ số. Xử theo dư luận thì không được, có thể bị kiện ngược. Nhưng khi có bằng chứng thì treo giò suốt đời như vụ 9 cầu thủ Ninh Bình dàn xếp tỉ số thì lại là quyết định tích cực vì nó nằm trong luật (quy chế bóng đá chuyên nghiệp và quy định kỷ luật) và chỉ có như thế mới làm sạch được BĐVN.       

Độc giả Tứ Đức:Xin hỏi nhà báo: Bầu Đức là ông chủ HAGL, lại là Phó Chủ tịch VFF. Ông Lê Hùng Dũng là Chủ tịch VFF, nhưng lại xem lứa Công Phương là "học giỏi, cần đầu tư cho đi học Havard". Vậy làm sao mà phạt được Công Phượng nếu Phượng mắc sai lầm như Ronaldo hoặc Diego Costa. Nếu có, tôi tin chắc rằng chỉ giơ cao đánh khẽ.

Nhà báo Phạm Tấn: Sân Pleiku đã bị nhận hai án phạt, một cho vụ vỡ sân ở vòng 1, và một cho vụ đốt pháo sáng vòng 5. Tức là đã có phạt. Và cái lý của Ban Kỷ luật là họ đã cố gắng khắc phục sự cố thật ra đã được vận dụng chung cho khá nhiều trường hợp rồi, từ sân Thiên Trường trước kia hay sân Lạch Tray mấy mùa gần đây. 

Cũng phải nói thêm là V-League  đang ở trong một tình cảnh khá giống với La Liga ở một góc độ nào đó. Là trường hợp của HAGL với lứa cầu thủ Công Phượng, Tuấn  Anh, Xuân Trường đang làm cho V-League trở nên đáng chú ý hơn, hút được nhiều quảng cáo hơn, và miếng bánh tài trợ, truyền hình mà các CLB khác cũng nhận được nhiều hơn. Đặc biệt, chính tập đoàn HAGL lại đang bảo trợ cho V-League (đổi lại bằng các chương trình quảng cáo).

Nhưng cái khác là các CLB ở Việt Nam lại không "mắc quai" và họ đã phản đối bất cứ những ý định và lời phát biểu có xu hướng thiên vị nào như việc truyền hình trực tiếp hay chuyện kêu gọi trọng tài bảo vệ cầu thủ. Nó có thể là do số tiền họ nhận được không lớn (chỉ vài trăm triệu mùa trước) và thương hiệu của V-League là thứ thực sự mơ hồ ngay với chính các CLB, nhưng ít ra đây cũng là một sự đảm bảo rằng một quyết định bất công nếu có sẽ bị "ném đá" đủ mạnh.

Còn với  giả thiết Công Phượng cũng đánh nguội, tôi cho rằng điều này khó xảy ra dù cho là tiền đạo thường xuyên bị đối phương khiêu khích. Hãy nhìn cách các cầu thủ trẻ HAGL dù thất vọng khi thất bại trước Quảng Ninh, nhưng họ vẫn an ủi và đứng bên trung vệ "tội đồ" Cosmin Goia khi trận đấu kết thúc thì thấy họ đã được giáo dục rất cẩn thận chứ không chỉ được dạy cách sút quả bóng.  

Thương hiệu của một nền bóng đá, tạo sức hấp dẫn cho một giải đấu khó được xây dựng vững chắc bằng những quyết định bất công. Trước kia, khi tôi phỏng vấn Chủ tịch VFF lúc đó là ông Nguyễn Trọng Hỷ về chuyện một ông chủ hai đội bóng thì được trả lời là BĐVN đang trong giai đoạn cần phải kêu gọi và giữ chân các ông bầu có tiềm lực tài chính. Nhưng, nếu tôi không nhầm, đó cũng là giai đoạn mà chúng ta chứng kiến nhiều sự tháo chạy của các ông bầu nhất. 

Chuyên mục Tôi & Độc giả Thể thao Văn hoá xuất hiện trên thethaovanhoa.vn vào lúc 11:00 thứ Hai hàng tuần. Quý độc giả có thể truy cập qua facebook để gửi các đánh giá (comments) của mình về các vấn đề quan tâm, hoặc có thể gửi email tới bandoc@thethaovanhoa.vn.



Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm