Thi sĩ Bùi Chí Vinh: Khán giả vừa là ngọn cỏ gầy vừa là lửa của World Cup

13/07/2010 12:59 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH) - Thi sĩ Bùi Chí Vinh đã đồng hành cùng bạn đọc TT&VH thông qua mục World Cup diễn ca (hay Nhật ký World Cup bằng thơ). Để chia tay bạn đọc khi trái bóng tròn ngừng lăn ở Nam Phi, TT&VH đã trò chuyện cùng thi sĩ họ Bùi.

* Nếu không tổng kết World Cup bằng thơ mà bằng văn xuôi, anh sẽ tổng kết như thế nào, vì văn xuôi sẽ nói được nhiều điều “thẳng thắn” hơn thơ?
 
- Bằng văn xuôi chưa chắc hay và xúc tích hơn thơ. Bằng thơ thì kẻ trả lời và người đọc tha hồ tưởng tượng. Còn bằng văn xuôi thì lý trí xen ngang vào và góp phần quyết định. Chẳng hạn trong World Cup 2010 vừa chấm dứt tôi đã rút tỉa ra được thật nhiều điều.

Thí dụ những cầu thủ có tài năng thiên phú như Messi, Ronaldo, Rooney... khi bước vào một giải đấu có quy mô lớn nhất đều không thể phát huy được năng lực siêu phàm của mình, thậm chí có người còn không ghi nổi một bàn thắng. Điều đó trong quá khứ cũng từng xảy ra với Pele, Maradona, Cruyff, Eusebio, Zidane, Platini và nhiều người khác.

Khoảng cách giữa chiếu trên chiếu dưới trong giải lần này hầu như biến mất. Thí dụ đội Nhật Bản và Hàn Quốc đã đá thật “bốc”, bản thân Hàn Quốc từng ép đội Uruguay (đội hạng Tư thế giới kỳ này). Bản thân Nhật Bản đá ngang ngửa với Hà Lan (đội hạng Nhì thế giới kỳ này). Thật là tự hào cho người da vàng chúng ta. Điều đáng tiếc duy nhất trong giải là tiếng còi của trọng tài như một vấn nạn. Không ai khác mà chính trọng tài đã 2 lần cản đường Australia hùng mạnh trong 2 kỳ World Cup liên tiếp bằng những chiếc thẻ đỏ và những quả phạt đền oan ức và vô lý.

* Trong một tháng qua, thi sĩ Bùi Chí Vinh đã nhận được những phản hồi gì khi viết “World Cup diễn ca” trên TT&VH?

- Tôi thấy rõ ràng rằng từ khi mình bắt tay vào làm Nhật ký EuroWorld Cup diễn ca thì phong trào làm thơ bóng đá trong giới văn nghệ sĩ đột nhiên phát triển mãnh liệt. Cầu trời cho người người làm thơ, nhà nhà làm thơ về bóng đá còn hơn là để thì giờ rảnh rỗi làm những chuyện ác nhân thất đức theo kiểu” nhàn cư vi bất thiện”.

Nói tóm lại hầu như bạn bè trên khắp nước đều theo dõi World Cup diễn ca của tôi. Cảm động nhất là nhà thơ, nhà báo Trần Quang Đạo từ Hà Nội gọi điện chúc mừng: “Ông làm tôi tốn tiền quá. Ngày nào cũng mua báo TT&VH theo dõi những bài thơ của ông. Không đọc không chịu được. Hì hì”.

* “Tổng kết World Cup 2010 có bao nhiêu ngọn cỏ/ Đang lên xanh đành úa dưới gót giày/ Cơn hấp hối của một loài thân thảo/ Đã bắt đầu khi quả bóng tung bay/ Ai sẽ là người đi tưới nước/ Băng bó vết thương cho những ngọn cỏ gầy ?”

Có phải sau những náo nhiệt, anh quan tâm đến những gì bé nhỏ của phận người nên viết những câu “tổng kết” như thế về World Cup? - Đúng vậy. Phận người sau hậu trường cũng như người nghệ sĩ sân khấu sau cánh gà vậy. Họ đổ mồ hôi nước mắt và cả... tiền bạc cho nỗi đam mê khát vọng của mình nhưng cuối cùng không nhận lại được gì. Bạn cứ nhìn lên khán đài sau một trận đấu sẽ thấy những khuôn mặt đẫm lệ của các cô gái đẹp như nàng thơ, hoặc của các em bé khóc nấc lên tức tưởi vì đội nhà bại trận. Chính họ vừa là ngọn cỏ gầy vừa là lửa của trận đấu.

Hoàng Nhân (Thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm