“Thể thao Việt Nam đủ sức vươn tầm thế giới”

24/09/2012 10:42 GMT+7 | Thể thao

Ngay sau khi được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh đã chia sẻ với báo chí về phương hướng phát triển thể thao Việt Nam.

Xin ông cho biết mục tiêu lớn nhất của Ủy ban Olympic Việt Nam trong nhiệm kỳ mới là gì?

Chủ tịch Hoàng Tuấn Anh: Đó chính là thực hiện một cách hiệu quả chiến lược phát triển TTVN đến năm 2020. Cùng với ngành thể thao, tổ chức tốt các Đại hội thể thao của Việt Nam, khu vực, châu Á và đặc biệt là chiến dịch xin đăng cai Asian ASIAD 2019 và tham gia các kỳ Olympic.

Theo ông, năng lực của VĐV Việt Nam có đủ sức cạnh tranh tại đấu trường châu lục, thế giới?

-Phải khẳng định rằng người Việt Nam có đủ tố chất để đạt thành tích cao. Ở nhiều môn, nội dung các VĐV của ta đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với quốc tế. Vấn đề nằm ở khâu đào tạo. Tôi cho rằng sắp tới các trung tâm huấn luyện thể thao phải được đầu tư hơn về cơ sở vật chất, phương pháp huấn luyện. Việc tuyển chọn, đào tạo VĐV trẻ cũng phải được đặc biệt coi trọng, thực hiện hiệu quả.



Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam trao đổi với báo chí. Ảnh: TTVN

Doping lâu nay luôn là vấn đề nhức nhối với thể thao Việt Nam khi cơ sở vật chất có hạn, ý thức VĐV thiếu chuyên nghiệp. Ủy ban Olympic có hướng khắc phục nào không?

-Về vấn đề này, Bộ VH-TT&DL đã thành lập một trung tâm phòng chống doping. Quan điểm và cũng là mục tiêu hướng tới là không để sót bất cứ trường hợp nào sử dụng doping mà tham gia các Đại hội thể thao trong nước và quốc tế. Những trường hợp cố tình sử dụng sẽ có chế tài xử nghiêm khắc.

Khâu kêu gọi tài trợ được xem là khuyết điểm của nhiệm kỳ cũ, ông đánh giá sao về vấn đề này?

-Tôi nghĩ nên có cái nhìn cảm thông hơn khi kinh thế khó khăn đang là vấn đề không chỉ của riêng thể thao. Thể thao Việt đang ở những bước đầu tiến hành xã hội hoá. Vì thế, sự đóng góp của các doanh nghiệp trong thời gian qua, chúng tôi hết sức trân trọng. Nhiệm kỳ này, với những con người mới, tôi hy vọng các doanh nghiệp sẽ đóng góp nhiều hơn, để thể thao có điều kiện phát triển mạnh hơn. Trước mắt, chúng tôi sẽ thành lập Ban vận động tài trợ.

Nói đến nhân sự nhiệm kỳ mới, nhiều người cho rằng con số 10 lãnh đạo, 29 thành viên Ban thường vụ có phần “cồng kềnh”?

-Chúng tôi mong muốn có một Ban thường vụ đảm bảo về chất lượng, hợp lý về cấu tạo trên các lĩnh vực. Ủy ban Olympic là một tổ chức xã hội, nên cần phải có sự tham gia của các Liên đoàn hiệp hội, nhà chuyên môn. Ngoài ra còn một số doanh nghiệp có uy tín cũng được mời vào ban lãnh đạo để đẩy mạnh xã hội hoá thể thao. Tôi nghĩ điều đó chỉ giúp thể thao Việt Nam phát triển tốt hơn.

Xin cảm ơn ông!

Theo ANTĐ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm