Thể thao Việt Nam 2012 dưới góc nhìn của chuyên gia Nguyễn Hồng Minh

31/12/2012 06:58 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Để thay cho lời tổng kết về thể thao Việt Nam trong năm 2012, TT&VH xin trân trọng giới thiệu với độc giả bài viết của ông Nguyễn Hồng Minh, một nhà quản lý kỳ cựu từng có nhiều năm đảm đương các cương vị quan trọng của ngành thể thao Việt Nam.

Vui và buồn

Năm 2012 thể thao Việt Nam (TTVN) có nhiều niềm vui nhưng cũng không thiếu những nỗi buồn… Hết năm rồi, để có niềm vui và hy vọng vào tương lai ta phải hướng vào những điều tốt lành trước.

1. Trước hết là sự ra đời của "Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020. Nghị quyết chỉ rõ những yếu kém của TTVN: phong trào TDTT phát triển chưa sâu rộng; giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong học sinh sinh viên chưa thường xuyên và kém hiệu quả.

Thành tích thể thao chưa bền vững, đặc biệt là các môn thể thao Olympic; hệ thống tổ chức ngành thể thao chưa ổn định, đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất và khoa học công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu. Quản lý Nhà nước về thể dục thể thao chậm đổi mới… và Nghị quyết cũng phê phán: "Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền đối với công tác TDTT ở một số địa phương và ngành chưa đầy đủ, nhiều nơi còn coi nhẹ".

Từ đó Nghị quyết chỉ ra những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để phát triển mạnh mẽ TTVN. Trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất TDTT và đào tạo VĐV thể thao thành tích cao, quản lý Nhà nước về TDTT, phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức xã hội trong quản lý điều hành các hoạt động TDTT…

Những người làm công tác TDTT thật vui mừng, cảm động và biết ơn vì rằng trong hoàn cảnh kinh tế - xã hội đang khó khăn như hiện nay Đảng vẫn dành sự quan tâm cho TDTT. Cùng với việc phê duyệt "Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020" của Chính phủ (năm 2010), việc ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã thổi một làn gió mới, tạo ra một cơ hội mới cho TTVN phát triển.



Kình ngư Ánh Viên chứng tỏ là niềm hy vọng lớn nhất của bơi lội Việt Nam thời điểm này. Ảnh: V.V

2. Những hy vọng mới của TTVN như Nguyễn Thị Ánh Viên, VĐV bơi 16 tuổi, vượt qua vòng loại để tham dự Olympic London, HCĐ (cự ly 400m hỗn hợp), HCB (cự ly 200m ngửa) tại giải vô địch châu Á, 5 HCV tại giải vô địch Đông Nam Á là niềm hy vọng thần kỳ của bơi lội Việt Nam tương lai. Có ai tin Bơi Việt Nam có huy chương châu lục (40 năm mới có HCĐ ở Đông Nam Á - Trần Xuân Hiền ở SEA Games 2001, rồi 44 năm mới có HCV (năm 2005) của Nguyễn Hữu Việt ở Manila).

Giờ đây bơi Việt Nam ngoài Ánh Viên hiện còn có Hoàng Quý Phước (Đà Nẵng), Duy Khôi (sinh năm 1996), Kim Tuyến (TP. HCM) đều giành quyền thi chung kết trong giải vô địch châu Á. Đó là điều kỳ diệu.

Anh Khôi phải chăng là thần đồng cờ vua Việt Nam? 8 tuổi VĐQG, 2 HCV châu Á, 6 HCV Đông Nam Á, vô địch cờ vua thế giới U10: chiến thắng liên tục trong 11 vòng đấu và đến vòng 10 đã đạt danh hiệu vô địch rồi, vì bỏ xa người thứ nhì 1,5 điểm.

Quách Thị Lan, ngôi sao mới của điền kinh Việt Nam được phát hiện, tuyển chọn và chăm lo từ Thanh Hoá - mảnh đất truyền thống anh hùng và truyền thống thể thao - 16 tuổi phá KLQG 400m (kỷ lục đã 10 năm) và đáng nói hơn là thành tích 57"36 đã vượt qua thành tích HCV SEA Games 2011 (57"41), mà trong thể thao kỷ lục bao giờ cũng là mốc quan trọng nhất.

Lý Hoàng Nam (quần vợt) 15 tuổi giành danh hiệu VĐQG, được quyền tham gia ĐT trẻ châu Á. Được Becamex IDC Bình Dương và gia đình chăm nom, tài năng này sẽ tiến xa trên con đường chinh phục đỉnh cao.

Những tài năng trẻ ấy cũng minh chứng một vấn đề có tính quy luật: có sự đầu tư tập trung cao, trọng tâm, trọng điểm của Tổng cục TDTT (bơi lội), của UBND Thanh Hoá (điền kinh), của tổ chức xã hội (quần vợt Bình Dương)… thành tích thể thao sẽ phát triển.

* Những nhà vô địch thế giới và châu lục mới như Phan Thị Hà Thanh (TDDC - Hải Phòng) đứng thứ 12 chung kết môn nhảy chống Olympic London, HCĐ thế giới năm 2011, HCV Cúp thế giới 2012, HCV vô địch châu Á 2012; Nguyễn Hà Thanh (Hà Nội), HCV vô địch châu Á 2012; Hoàng Xuân Vinh (Quân đội), thứ 4 Olympic London, HCV châu Á 2012 (súng ngắn hơi); Trần Lê Quốc Toàn HCĐ thế giới, thứ 4 Olympic London (Cử tạ 56kg)…

Cùng với Hoàng Anh Tuấn (cử tạ) HCB Olympic Bắc Kinh 2008, Trần Hiếu Ngân HCB Olympic Sydney 2000; Nguyễn Duy Bằng (nhảy cao 2m25); Bùi Thị Nhung vô địch châu Á (1m94 - 2005)…

Tất cả, tất cả và còn nhiều tài năng khác chứng minh một điều: các tài năng thể thao Việt Nam hoàn toàn có khả năng vươn lên tầm cao châu lục và thế giới. Người hâm mộ thể thao chỉ mong muốn những người quản lý thể thao phải làm gì và làm như thế nào để biến những tài năng, những khả năng ấy trở thành niềm vinh quang làm rạng danh Việt Nam.

3. Hội khoẻ Phù Đổng 2012 là ngày hội thể thao đỉnh cao của tuổi trẻ học đường. Hàng ngàn VĐV học sinh đua tài, nhiều cuộc thi, môn thi đạt trình độ thể thao thành tích cao: karate, vovinam, taekwondo, một số nội dung bơi, điền kinh, một số trận bóng rổ, cầu lông. Bộ GD&ĐT đã tổ chức một ngày hội thể thao thành công, một cánh đồng rộng lớn để ươm mầm tài năng thể thao.

Cần Thơ lần đầu tiên tổ chức HKPĐ toàn quốc, lần đầu tiên giành vị trí thứ 2 toàn đoàn (vượt qua thành tích của Hà Nội) với 126 HCV, 113 HCB, 125 HCĐ. Điều này thật ngạc nhiên! nhưng không có gì lạ và đó là kết quả của một chiến lược đầu tư đúng đắn và dài hơi của lãnh đạo, của ngành giáo dục và ngành thể thao Cần Thơ.

4. Herbalife và Manulife. Trong năm 2012, có 2 tập đoàn "life" bắt tay ủng hộ TTVN. Herbalife cam kết hỗ trợ dinh dưỡng cho các VĐV thành tích cao, đồng  hành với các VĐV Việt Nam đến ASIAD 2014 Incheon và Olympic Rio 2016. Manulife là Tập đoàn bảo hiểm nhân thọ hàng đầu thế giới ra đời năm 1887 tại Canada. Manulife có mặt ở Việt Nam từ năm 1999 và với sáng kiến của một ngôi sao điền kinh Việt Nam - cô Trương Hoàng Mỹ Linh, cựu VĐQG môn chạy 100m - Manulife đã cùng Tổng cục TDTT ký kết chương trình thoả thuận hợp tác bảo hiểm nhân thọ cho các VĐV và HLV QG đã kết thúc sự nghiệp thi đấu. Thật là đáng trân trọng: Herbalife lo góp sức chăm sóc dinh dưỡng cho VĐV để giành thành tích cao, Manulife lo giải quyết các nhu cầu, việc làm cho VĐV, HLV sau thời gian cống hiến cho thể thao. Đó là những gì tốt đẹp của xã hội dành cho TTVN.

5. Hội nghị khoa học quốc tế "Phát triển thể thao tầm nhìn Olympic". Nội dung tập trung vào các lĩnh vực quản lý thể thao, thể thao chuyên nghiệp và đào tạo VĐV cấp cao, y sinh học - tâm lý thể thao, đánh giá sự chuẩn bị, thành công và thất vọng của TTVN tại Olympic London. Các nhà khoa học Việt Nam và nhiều nước khác đã tham dự Hội nghị.

Nhiều vấn đề "nóng" và "nguội lâu dài" của TTVN được phân tích mổ xẻ với cách nhìn của các phương pháp khách quan, khoa học. Hội nghị như một hành động thiết thực để thực hiện Nghị quyết TW4 về phát triển khoa học - công nghệ ở Việt Nam và chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2020. Nhưng điều quan trọng hơn là thúc đẩy khoa học - công nghệ phục vụ cho TTVN.

Những nỗi buồn của TTVN trong năm 2012

Vui, mừng, bức xúc lo lắng hay buồn phiền là cảm xúc của con người và lớn hơn là của một cộng đồng. Vui buồn, bức xúc rồi cũng nguôi ngoai theo thời gian, có điều cần xem xét các sự vật và hiện tượng của thể thao theo tư duy khoa học, khách quan và thực tế.

Olympic London 2012 như một "giấc mơ dang dở" của TTVN. Giấc mơ có hành trình đẹp nhưng kết thúc lại buồn. Các báo cáo của các nhà khoa học tại Hội nghị khoa học quốc tế "Phát triển thể thao tầm nhìn Olympic" đã vạch rõ điều này.

"Có nhiều tiến bộ và quyết liệt trong chuẩn bị Olympic. Đã có kế hoạch chuẩn bị cho Olympic từ đầu năm 2011, đã tập trung những VĐV được lựa chọn là xuất sắc nhất của các nội dung Olympic, đã có 18 VĐV của 11/13 môn chính thức vượt qua vòng loại để tham dự Olympic (số lượng lớn nhất từ trước đến nay)…



Giấc mơ huy chương của TTVN tại Olympic còn dang d

Thế nhưng, TTVN lại không giành được huy chương vì… đánh giá lực lượng cũng như công tác dự báo chưa sát, chưa chủ động để thực hiện các biện pháp mạnh giúp VĐV giành mục tiêu huy chương.

Có tư tưởng tập trung lấy chuẩn là chính mà chưa tập trung chỉ  đạo lấy huy chương; thiếu chủ động trong chỉ đạo về chuyên gia, về trang bị dụng cụ, chế độ dinh dưỡng, chế độ hồi phục chăm sóc y học, thuốc bổ dưỡng… trong quá trình chuẩn bị (Tiến sĩ Trần Đức Phấn).

Công tác chuẩn bị Olympic 2012 còn cập rập: cần thay đổi quan điểm đầu tư cho Olympic, đầu tư trọng điểm chính là đầu tư VĐV trọng điểm, đừng trông mong vào thành tích Olympic 2016 nếu không có kế hoạch ngay từ bây giờ (TS Chung Tấn Phong).

18 VĐV Việt Nam dự Olympic London là số lượng kỷ lục của TTVN nhưng nếu so với Thái Lan 37 - VĐV, Malaysia - 30 VĐV, Indonesia - 22 VĐV và Singapore - 23 VĐV thì chúng ta cũng chỉ đứng thứ 5 về số lượng. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi chiến lược đầu tư nếu không muốn để TTVN tụt hậu (TS Hoàng Công Dân)….

Ngành TDTT chưa quan tâm đầu tư chiều sâu cho nghiên cứu khoa học huấn luyện, chưa quan tâm đào tạo đội ngũ HLV nhất là HLV các môn Olympic; chưa chọn lọc VĐV tập trung huấn luyện theo tiêu chuẩn đặc biệt… (TS Lê Tuấn Đạt).

Như vậy là quá rõ thực trạng và nguyên nhân vì sao TTVN chưa giành được huy chương ở Olympic London.

Bóng đá - nỗi buồn lớn của người hâm mộ thể thao. Công luận bức xúc, báo giới tốn quá nhiều giấy mực…"bão táp", "nặng nề" và "bi hài"… Ai cũng thấy cần phải đổi thay. Một lần nữa, tôi xin nêu lên một vài kết luận khi nghiên cứu đánh giá về bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam của PGS.TS Lương Kim Chung tại Hội nghị khoa học "Phát triển thể thao tầm nhìn Olympic".

Quản lý điều hành bóng đá buông lỏng, thiếu chuyên nghiệp, ít thuyết phục trước các vấn đề nảy sinh, chưa có giải pháp khắc phục tiêu cực và bạo lực trong thi đấu; số lượng ngoại binh và nhập tịch; thưởng tiền tuỳ tiện; tổ chức thi đấu và trọng tài theo kiểu hành chính.

Trình độ và thành tích bóng đá đỉnh cao có tiến bộ nhưng chậm so với sự tiến bộ của các nước Đông Nam Á; uy tín, niềm tin của dư luận xã hội với Liên đoàn sa sút. Diện mạo bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam chỉ ở mức hình hài, đội bóng vẫn ở mức chuyên nghiệp nửa vời… Có lẽ vì vậy ĐT bóng đá của ta chưa thể thành công. Đây là nỗi buồn lớn của TTVN và cộng đồng.

Nguyễn Hồng Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm