So sánh cầu thủ da đen với khỉ: Sự nhục mạ bóng đá

07/02/2016 16:40 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Điều đáng buồn là tới tận ngày nay, những hành vi phân biệt chủng tộc đáng ghê tởm vẫn thỉnh thoảng xuất hiện đây đó trên các sân cỏ đỉnh cao của thế giới. Những quả chuối được ném xuống sân, những tiếng la ó và giả động tác của khỉ trên khán đài mỗi khi có một cầu thủ da màu đứng gần đường biên hay cột cờ góc.

Tổng thống Mỹ cũng là nạn nhân

Việc so sánh người da đen với khỉ “bắt đầu từ những tiếp xúc đầu tiên của dân châu Âu da trắng với người bản địa châu Phi”, Phillip Atiba Goff, một nhà tâm lý học ở Đại học California, Los Angles, Mỹ, đã có quá trình nghiên cứu sâu về vấn đề này, bình luận.

Ngay cả vợ chồng Tổng thống Mỹ Barack và Michelle Obama cũng đã từng là nạn nhân của phân biệt chủng tộc kiểu này, với những bức ảnh chỉnh sửa họ thành khỉ, để thấy rằng mối liên hệ này, không có chút cơ sở khoa học nào, dai dẳng ra sao.

Điều tồi tệ nhất không phải là sự lâu đời của nó, mà là ở việc nó tồn tại tới tận ngày nay, để lại những hậu quả nặng nề. Trong một nghiên cứu mà Goff tham gia, ông thấy rằng chính việc liên hệ người da đen với khỉ khiến cho những người da trắng tham gia nghiên cứu từ trong tiềm thức coi việc họ bị cảnh sát đánh đập hay tấn công vô cớ là có thể chấp nhận được.

Trong một nghiên cứu khác với 183 vụ phạm pháp hình sự mà bị cáo có thể bị tuyên án tử hình và việc đưa lại tin tức về các vụ việc trên báo Philadelphia Enquirer, “hóa ra những người Mỹ gốc Phi được mô tả giống với khỉ nhiều hơn hẳn so với cũng những kẻ tội phạm da trắng”, Goff nói. Tệ hơn nữa: “Những người Mỹ gốc Phi càng bị coi là giống khỉ thì càng có khả năng cao bị tuyên án tử hình”.


Balotelli (trái), Kevin Boateng là những nạn nhân nổi tiếng của hành vi phân biệt chủng tộc trong bóng đá

100 năm phân biệt chủng tộc trong bóng đá

Giờ chúng ta chuyển sang địa hạt bóng đá. Những tràng hô đồng thanh của các CĐV trên khán đài đã là một truyền thống lâu đời của các trận bóng. Chúng có thể là để ủng hộ hay chê bai đội nhà, chế giễu đội khách, thù địch, thô ráp, hài hước và trong nhiều trường hợp là vô nghĩa.

Những tràng hô đồng thanh trên sân bóng là một hiệu ứng tâm lý đám đông thường có khuynh hướng kích động. Những ví dụ bao gồm việc các CĐV đối địch của Man United hay Liverpool hò hét về thảm kịch Munich hay Hillsborough, những điều chắc chắn một cá nhân đơn lẻ không bao giờ làm.

Nhưng còn tệ hơn cả những điều đó có lẽ là những tràng hô đồng thanh nhắm vào các cầu thủ da đen, mà phổ biến nhất là giả tiếng khỉ. Ngay từ những năm 1930, người hùng của Everton và khi đó đang là chân sút số 1 của bóng đá Anh, Dixie Dean, đã đấm một kẻ gọi ông là khỉ trong phòng thay đồ. 30 năm sau, năm 1960, những tràng hô vang giả tiếng khỉ và ném chuối xuống sân trở nên là chuyện cơm bữa ở các sân bóng Anh với sự nổi lên của phong trào cực hữu Mặt trận dân tộc.

Rồi năm 1975, cầu thủ 19 tuổi Viv Anderson, người da đen đầu tiên khoác áo  đội tuyển Anh, bị ném táo, chuối và lê vào người khi đang trên sân tập cho đội Carlisle. Anderson bỏ lên ghế dự bị và báo lại với HLV Brian Clough, nhưng Clough không chấp nhận và yêu cầu Anderson “lê cái mông đen của cậu ra kia và mang về cho tôi hai quả lê và một quả chuối”.

Những tràng la ó phân biệt chủng tộc, ít ra là trong bóng đá Anh, đạt tới đỉnh cao đáng hổ thẹn vào năm 1980. Dù 15 năm đã trôi qua từ khi Luật về quan hệ chủng tộc được thông qua năm 1965, sự chửi bới ác ý nhắm vào các cầu thủ da màu vẫn được nghiễm nhiên thừa nhận. Mãi tới năm 1988, siêu sao người Anh John Barnes vẫn còn nổi tiếng trong bức ảnh dùng gót chân hất một quả chuối đi. Sự cố đó xảy ra 4 năm sau khi Barnes đã ghi bàn vào lưới đội tuyển Brazil được coi là bàn đẹp nhất lịch sử đội tuyển Anh mọi thời.

“Chúng ta đều là khỉ”

Tại sao sự phân biệt chủng tộc vẫn lan tràn như thế dù ngoài xã hội, nước Anh đã nhanh chóng trở thành một quốc gia đa sắc tộc, đa tôn giáo và đa văn hóa? Năm 2013, một nghiên cứu đăng trên tạp chí chuyên ngành danh tiếng Science cho thấy quan điểm của người trẻ về chủng tộc đã thay đổi rất nhiều theo hướng tích cực hơn.

Trong khi hành trình loại bỏ hoàn toàn sự phân biệt chủng tộc ở các sân bóng còn dài, sau 30 năm, với những chiến dịch như “Kick it out” (Đá văng phân biệt chủng tộc) và một đạo luật nữa ở nghị viện Anh năm 2009, Luật về hành vi kích động chủng tộc và tôn giáo, sự phân biệt chủng tộc giờ ít xảy ra hơn hẳn trên các sân bóng, và những sự cố hiếm hoi sẽ nhận được sự chú ý mang tính toàn cầu (Luis Suarez và Patrice Evra chẳng hạn).

Một sự cố đáng nhớ như thế là ở Tây Ban Nha tháng 5/2014, trong một diễn biến sẽ khiến nhiều người nhớ lại Barnes, một quả chuối đã được một CĐV Villarreal ném về phía hậu vệ Barcelona, Dani Alves. Nhưng sự ứng xử giờ đã khác. Thay vì đá quả bóng đi, Alves đã nhặt nó lên, lột vỏ và cắn một miếng. Hành động can đảm của anh sau đó nhận được sự khen ngợi của cả một chiến dịch #weareallmonkeys (chúng ta đều là khỉ). Còn sự hổ thẹn đương nhiên là dành cho CĐV của Villarreal, kẻ đã bị nhận dạng qua camera an ninh và bị cấm tới các sân bóng La Liga suốt đời.

Còn ở Đức chẳng hạn, CLB đóng tại Hamburg St Pauli đã xây dựng đội ngũ HLV xung quanh cuộc chiến chống chủ nghĩa phát-xít mới. Đội bóng bán những chiếc áo đấu chính thức với dòng chữ “Yêu St Pauli, ghét chủ nghĩa phát-xít”, trong khi sân nhà Millerntor của họ giăng một tấm băng-rôn lớn: “Không phải chỗ cho sự bài bác người đồng tính, chủ nghĩa phát-xít, sự phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc”. St Pauli cũng là CLB đầu tiên tại châu Âu chính thức cấm những tràng hô vang phân biệt chủng tộc trên sân nhà của họ.

Thi hào người Anh Andrew Motion từng nhận xét: “Những tràng hô đồng thanh là máu thịt của sân bóng, là tinh thần và hồn cốt của bóng đá”. Để chúng thật sự là như thế, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cần phải bị chấm dứt vĩnh viễn.

Những vụ phân biệt chủng tộc nổi tiếng

+ Ngày 12/2/2005, trong một trận đấu ở La Liga giữa Real Zaragoza và Barcelona, ngôi sao người Cameroon của Barca, Samuel Eto’o, bị các CĐV Zaragoza la ó dữ dội mỗi khi chạm bóng và bị ném lạc (đậu phộng) vào người. Eto’o đã dọa sẽ rời sân vào giữa trận, nhưng các đồng đội ngăn anh lại. Sau khi Barca đè bẹp đối thủ 4-1, Eto’o đã ra vòng tròn giữa sân và nhảy múa như một chú khỉ.

+ Ngày 25/3/2006, trong một trận đấu ở giải hạng dưới của Đức giữa Sachsen Leipzig và Hallescher, tiền vệ người Nigeria của Leipzig, Adebowale Ogungbure, bị các CĐV Hallescher gọi là “con khỉ da đen”. Ogungbure đáp lại bằng cách đặt hai ngón tay lên trên miệng giả làm râu và giơ tay thẳng ra chào, một hành vi nhại lại Adolf Hitler. Ogungbure bị cảnh sát Đức bắt vì thực hiện những cử chỉ kiểu Quốc xã. Những cáo buộc sau đó đã bị hủy.

+ Các CĐV Zenit St. Petersburg đã ném chuối vào các cầu thủ da đen Andre Ayew, Ronald Zubar và Charles Kabore của Olympique Marseille trong một trận đấu ở Cúp UEFA tháng 12/2008 tại sân Petrovksy và Roberto Carlos năm 2011. Năm 2012, các CĐV cực đoan của Zenit ra một tuyên bố nói chỉ chấp nhận các cầu thủ bản địa, mà thực ra là da trắng.

+ Tháng 12/2011, tiền đạo Liverpool Luis Suarez bị treo giò 8 trận và phạt 40.000 bảng vì có hành vi phân biệt chủng tộc với Patrice Evra. Vụ việc đã gây ầm ĩ một thời gian dài do Suarez và Liverpool khẳng định không làm gì sai. Suarez đã gọi Evra là “negro” bằng tiếng TBN, nhưng hóa ra đó là một từ bình thường để gọi người da đen ở Uruguay.


Trần Trọng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm