Quần vợt Việt Nam làm gì sau thành công tại Davis Cup?

22/09/2013 14:03 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Grand Slam đương nhiên là giấc mơ xa, nhưng trong hệ thống thi đấu chuyên nghiệp của làng banh nỉ thế giới, có một sân chơi mà quần vợt Việt Nam nghiễm nhiên có mặt - Davis Cup. Sân chơi mà phải tròn 10 năm mới lên nổi hai bậc với đủ chuyện hỷ, nộ, ái, ố của cả làng quần vợt quốc gia.

Ít ai còn nhớ, quần vợt Việt Nam từng 10 năm góp mặt tại Davis Cup. Đó là từ 1964 đến 1974 gắn với tên tuổi  “Trụ đồng” Võ Văn Bảy, người mà 21 tuổi mới cầm vợt, nhưng tài năng thì vươn tới tầm châu lục. Vào thời điểm đó, cùng với người em trai Võ Văn Thành và những đồng đội như Lưu Hoàng Đức , Ly Aline... đội nam quần vợt miền Nam Việt Nam luôn có mặt ở tốp đầu quần vợt châu lục tại Daivis Cup với Nhật Bản, Ấn Độ...



Đội tuyển quần vợt nam Việt Nam gặt hái thành công tại Davis Cup nhóm III

Nhưng đó là câu chuyện đã xưa! mà ngày xưa với quần vợt Việt Nam lúc này thì chỉ là chuyện... mơ về! Davis Cup là minh chứng rõ nhất. Năm 2003 trở lại với hạng thấp nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương - nhóm IV, chả mấy ai để ý đến cái sân chơi này với lý do thật đơn giản, nó quá lớn nếu so với giấc mơ SEA Games gần hơn.

Vào năm đó, lứa Đỗ Minh Quân, Lê Quốc Khánh, Ngô Quang Huy, Ngô Đức Dương đã đánh bại Myanmar để giành quyền lên chơi nhóm III. Nhưng rồi suốt 10 năm sau, phải tới tận lúc này, khi mà Đỗ Minh Quân trở lại cùng Lê Quốc Khánh để tiếp tục làm trụ cột, quần vợt Việt Nam mới lên nổi nhóm II.

Không phủ nhận đó là một kỳ tích lớn thể hiện cho sức tiến của quần vợt Việt Nam lúc này khi bắt đầu "chung chiếu" với những Thái Lan, Philippines, New Zealand... tại một sân chơi lớn, nhưng có lẽ cũng giống như Grand Slam, Davis Cup không hề là chỗ để banh nỉ Việt Nam có quyền mơ mộng nhiều. Nhóm đầu châu Á với những Australia, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc... còn có khoảng cách quá xa, trong khi để giữ hạng II khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm sau thôi cũng đã là thành công quá lớn rồi.

Quan trọng hơn, thành công tại Davis Cup mùa này, tiếp tục cho thấy tiềm năng mới của quần vợt Việt Nam với một thế hệ trẻ. Nguyễn Hoàng Thiên đã không hề chững lại như giới chuyên môn lo ngại; một Phạm Minh Tuấn mới 20 tuổi và chưa có tên trong bảng xếp hạng Liên đoàn quần vợt nam chuyên nghiệp ATP nhưng đã có những màn trình diễn khá thuyết phục trong lần đầu được dự Davis Cup. Và rõ ràng, nếu như không có sự cố "bỏ đội", thì nhà vô địch Đại hội thể thao trẻ châu Á Lý Hoàng Nam cũng đã có lần thứ 2 tham dự Davis Cup.

Mừng cho thành công của đội tuyển, nhưng tiếc cho Hoàng Nam và cả những người liên quan khi màu cờ, sắc áo không được đặt lên hàng đầu. Đó cũng là điều lý giải tại sao, dù tiềm năng là có thật, nhưng quần vợt Việt Nam chưa thể tiến lên khi nhiều người vẫn không nhìn vào một hướng. Rồi ở góc độ chuyên môn, khi mà 10 năm, Đỗ Minh Quân vẫn phải "kéo cày" để giúp đội tuyển nam tăng 2 bậc tại Davis Cup, thì việc những cây vợt trẻ không được thử lửa tại sân chơi này quả là đáng tiếc. 

Davis Cup và “Lưỡng quốc Trạng nguyên” Võ Văn Bảy

Cùng với người em là Võ Văn Thành, ông Bảy không chỉ nhiều lần vô địch SEA Games (cả đánh đơn lẫn đánh đôi) mà còn có những trận thắng để đời trước đương kim vô địch Nhật Bản và châu Á Saikai vào năm 1971, hay tvô địch Ấn Độ Viay Amritrija vào năm 1971, người mà 13 năm sau đã hạ tay vợt số 1 thế giới John Mc Enroe (Mỹ).

Theo báo chí xưa, có một chi tiết khá thú vị là vào đầu năm 1970, đội tuyển Mỹ dự Davis Cup ghé sang Sài Gòn thi đấu giao hữu. Mặc dù cặp Bảy - Thành không thắng được trận nào, nhưng Arthur Ashe sau chiến thắng 2-0 (7-5, 6-4) trước Võ Văn Bảy đã phải thốt lên: “Tôi không thể ngờ với tuổi tác ấy mà ông ta thi đấu ngoan cường như vậy”! Arthur Ashe là ai? Huyền thoại của làng quần vợt Mỹ và thế giới - Sân trung tâm nơi tổ chức Giải quần vợt Mỹ mở rộng mang tên ông - sân Arthur Ashe.


Vũ Minh
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm