QUAN ĐIỂM: Để Nga dự Rio 2016, IOC đã hủy hoại Olympic

25/07/2016 07:13 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) – Quyết định cho phép đoàn thể thao Nga dự Olympic Rio 2016 bị xem là một hành động “giơ cao, đánh khẽ” của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), thậm chí có thể xem như một bi kịch với những VĐV trong sạch. Quan điểm của tờ Daily Mail.

Ngày Chủ nhật vừa qua, IOC đã hủy hoại Thế vận hội.

Thomas Bach thật đáng xấu hổ. Vị chủ tịch IOC đã tuyên bố hùng hồn trước đó, nhưng lại nhũn như con chichi vì e ngại đổ vỡ mối quan hệ với tổng thống Nga Vladimir Putin. Cả những thành viên ủy ban điều hành IOC cũng nhu nhược chẳng kém.

Các VĐV Nga cũng thật đáng xấu hổ. Họ sẽ cạnh tranh những tấm huy chương tại Rio sau khi tham gia vào những chương trình doping do nhà nước tài trợ.

Chúng ta không hoàn toàn ngạc nhiên khi IOC bất lực trong việc cấm hoàn toàn đoàn thể thao Nga. Giống như FIFA, IAAF, và UCI đã thể hiện trong vài năm qua, cơ quan điều hành lớn nhất của thể thao thế giới đã không cho thấy sự tin tưởng về công việc của mình.

Ngay cả Cơ quan chống doping thế giới (WADA) cũng thất bại vì những nỗ lực tấn công doping của họ vẫn không thể vượt qua được biên giới nước Nga.


Bản báo cáo McLaren đã phơi bày rất nhiều, nhưng không đủ để IOC mạnh tay với đoàn thể thao Nga

Hãy nhớ rằng, những cáo buộc về việc sử dụng doping đã bắt đầu từ năm 2012. Khi VĐV ném đĩa Darya Pischchalnikova thú nhận đã sử dụng doping theo hướng dẫn của các cơ quan phòng chống doping Nga, WADA đã làm gì ngoài việc forward email đó cho phía… Nga?

Travis Tygart, người đứng đầu cơ quan chống doping của Mỹ (USADA) và từng phanh phui vụ Lance Armstrong, nói rằng IOC đã phủ nhận vai trò quyết định của mình trong việc đưa ra phán quyết mà đẩy nó cho các liên đoàn thành viên. Hành động ấy đã gây tổn hại đến các môn thể thao Olympic.

Lời biện giải của IOC thật khôi hài bởi nó không có sự thống nhất trong việc đối xử với các VĐV dùng doping của Nga, so với các nước khác.

Việc đá quả bóng trách nhiệm sang các liên đoàn thể thao thành viên khi chỉ còn 12 ngày nữa là khai mạc thật là một hành động lố bịch, nhất là khi có tới hơn 300 VĐV liên quan. “Họ sẽ bị gạt ra khỏi Olympic và chịu sự giám sát khắc nghiệt của chương trình chống doping”, đó thật sự là một lời hứa trống rỗng. IOC quả thật là một trò đùa.

Còn những gì đáng chê trách nữa? Việc các nhà báo quốc tế không thể quan sát cuộc họp trực tuyến do ông Bach chủ trì là một bất cập. Cuối tuần qua, Ủy ban Olympic Australia đã phàn nàn rằng nơi ăn nghỉ của VĐV nước này gặp nhiều vấn đề về đường ống và có nguy cơ cháy nghiêm trọng. Còn nữa, mãi đến cuối tuần trước, phòng thí nghiệm tại Rio đã bị cấm hoạt động hồi tháng trước, và  mới mở trở lại cuối tuần qua.

Bản báo cáo McLaren đã phơi bày việc che giấu doping ở 20 môn thể thao Olympic của Nga, song dường như chừng ấy vẫn chưa đủ để IOC mạnh tay. Điều đáng nói là khi cơ quan phòng chống doping Nga bị đóng cửa, chính quyền nước này cũng ngăn cản việc thành lập những chương trình chống doping của Anh tại đây.


Thomas Bach đã phải chùn tay vì mối quan hệ với Tổng thống Nga Putin

Thể thao Nga vẫn được dự Rio 2016: IOC lại 'giơ cao, đánh khẽ'?

Thể thao Nga vẫn được dự Rio 2016: IOC lại 'giơ cao, đánh khẽ'?

Thomas Bach, Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã khẳng định sẽ thẳng tay với thể thao Nga bằng những hình phạt nặng nề nhất, bao gồm cấm tham dự Olympic Rio 2016. Phán quyết cuối cùng của IOC, thật đáng tiếc, lại không được mạnh mẽ như thế.

Thomas Bach rõ ràng không được chuẩn bị để gây chiến với Tổng thống Nga Putin bởi người Nga đã rất ủng hộ ông trong chiến dịch tranh cử chức chủ tịch IOC. Và đây có thể coi như mô hình thu nhỏ của chính trị trong thể thao. “Tôi hy vọng, đây sẽ là một thông điệp tích cực đối với những thế hệ tương lai của thể thao Nga”, ông Bach tuyên bố như vậy vào hôm Chủ nhật.

Mike Morgan, một luật sư chống doping có tiếng cho rằng phán quyết ngày Chủ nhật là “khởi đầu cho sự kết thúc của quy tắc WADA”, và đó là một nhận định có lý. Không chỉ vậy, nó còn có thể là khởi đầu cho dấu chấm hết của Olympic, trừ phi những người ở đỉnh cao của IOC nhìn nhận sai lầm của họ.

Đến bây giờ, cũng ta mới để ý ra rằng trong hai kỳ Thế vận hội ở Bắc Kinh 2008 và London 2012, số ca dính doping đã tăng vọt so với trước đó. Và thật buồn là giờ đây, chúng ta tới Rio với ý niệm rằng sự lừa dối đã được chấp nhận.

Thất bại trong việc ngăn chặn doping ở Nga cũng giống như tình trạng ở Kenya, nơi chất cấm được sử dụng tràn lan. Với các VĐV trong sạch, đó là một bi kịch.

Họ chính là những người thất vọng hơn tất cả!

Bộ trưởng thể thao Nga: ‘Một quyết định công bằng và khách quan’

Ngay sau phán quyết của IOC, hãng tin Sputnik News đã dẫn lời Bộ trưởng thể thao Nga Vitaly Mutko khi ông cho rằng đó là một quyết định “công bằng và khách quan”.


“Quyết định của IOC là rất công bằng, dựa theo báo cáo của Ủy ban độc lập của WADA, đó là quyết định khách quan và phù hợp với thể thao toàn cầu cũng như sự thống nhất của gia đình Olympic. Chúng tôi rất cám ơn IOC về quyết định này”, ông Mutko nói với R-Sport.

utko cũng tỏ ra tin tưởng rằng phần lớn các Liên đoàn thể thao quốc tế không gặp vấn đề gì với các VĐV Nga. “Dĩ nhiên, quyết định của Ủy ban điều hành IOC là rất khó khăn bởi Olympic 2016 đã cận kề… Trong trường hợp này, sự tham dự của đoàn Nga là rất cần thiết để nhanh chóng đàm phán lại với các liên đoàn thể thao quốc tế và tôi chắc rằng hầu hết trong số đó không có vấn đề gì với các VĐV Nga”, ông Mutko quả quyết.

Mutko cũng đã nhấn mạnh rằng Nga sẵn sàng thiết lập lại hệ thống chống doping dưới sự giám sát của một ủy ban độc lập, và ông chắc chắn rằng phần lớn các VĐV Nga đều tuyệt đối trong sạch.


Phương Chi
Theo Daily Mail


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm