Phiếm mà không phiếm: Thủ tục hiếm có

16/05/2009 19:10 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH cuối tuần) - Hôm rồi, tôi đi thăm một người bạn, vợ mới sinh con ở bệnh viện Từ Dũ (TPHCM). Cháu bé sinh đã 4 ngày mà 2 vợ chồng chưa quyết định đặt tên cháu là gì. Hỏi những người nằm chung phòng, họ đều nói chờ ra viện, về nhà mới tính chuyện đi làm giấy khai sinh cho cháu.

Từ thực tế này, người viết chợt nhớ đến một giải quần vợt toàn quốc dành cho các lứa tuổi cách đây không lâu. Thể thao ở ta thật lạ, hễ có giải khống chế tuổi là y như rằng có chuyện gian lận tuổi. Đã có đoàn bị kiện cháu này, cháu kia lố tuổi. Đương nhiên đoàn bị kiện phải xuất trình giấy tờ để chứng minh đó là tuổi thực của cháu.

Đến khi ông HLV đưa giấy khai sinh của cháu VĐV bị kiện ra “tứ tử trình làng” thì mọi người tá hỏa, ngày sinh của cháu VĐV cũng chính là ngày UBND xã làm thủ tục cấp giấy khai sinh cho cháu. Như vậy có thể hiểu, ngày cháu chào đời, gia đình không tập trung lo chuyện mẹ tròn con vuông mà phải cấp tốc xin giấy chứng sinh của bệnh viện để  về xã làm giấy khai sinh cho cháu kịp trong ngày chứ “trễ một ngày” là xã không chứng nhận?


Trao đổi với các bác sĩ phụ sản, họ đều xác nhận, các cháu sau khi sinh, gia đình đều chờ xuất viện, mới lấy giấy chứng sinh của bệnh viện để về địa phương làm khai sinh cho cháu. Nếu theo trình tự này, chuyện cháu VĐV kia có ngày sinh và ngày xã cấp giấy khai sinh trùng nhau, một thủ tục hành chính nhanh hiếm có. Tuy nhiên, giới quần vợt kháo nhau, đây là trường hợp "gian mà không ngoan".

BTC đã gặp riêng ông trưởng đoàn có cháu bị kiện để thuyết phục. Trước những lý lẽ vừa có tình, vừa có lý, cuối cùng ông trưởng đoàn kia đồng ý rút tên VĐV với điều kiện cháu rút vì lý do khác, chứ không phải chuyện gian lận tuổi. BTC chỉ cần có thế, đồng ý ngay, và giải kết thúc suôn sẻ.

Chỉ thương VĐV trẻ kia, phải làm khán giả bất đắc dĩ, vẫn cười hồn nhiên không hiểu vì sao mình không được thi đấu.

Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm