Ông Hà Quang Dự, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban TDTT: 'Rút quyền đăng cai ASIAD 2019 là quyết định đúng đắn'

19/04/2014 06:03 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Quyết định xin rút, không đăng cai ASIAD 18 năm 2019 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã nhận được sự ủng hộ, tán đồng của đông đảo nhân dân và cả những người đã và đang làm trong ngành thể thao. Nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Hà Quang Dự khi trao đổi với Thể thao & Văn hoá sáng qua cũng khẳng định đây là quyết định đúng đắn và hợp lý.

* Ông đón nhận thông tin Việt Nam rút lui không đăng cai ASIAD 18 như thế nào?

- Đó là quyết định đúng đắn, hợp lý của Thủ tướng. Như nhiều người nói, đó là quyết định hợp với lòng dân. Việc đăng cai ASIAD là việc rất quan trọng. Tôi hiểu tinh thần cố gắng của anh em thể thao muốn có một sự kiện thể thao lớn ở Việt Nam nhằm thúc đẩy sự quan tâm của xã hội và nhà nước với thể thao.

Nhưng bối cảnh kinh tế nước ta đang gặp rất khó khăn. Tôi chắc Thủ tướng đã phải xem xét rất kỹ, nghe nhiều ý kiến trước khi đi tới quyết định rút lui, không đăng cai ASIAD 18 nữa.

* Theo ông, việc xin rút lui, không đăng cai ASIAD có ảnh hưởng đến hình ảnh của thể thao Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế?

- Tôi nghĩ vấn đề này không lớn. Tôi từng làm công tác quản lý ngành thể thao, cũng có lúc anh em bảo với tôi đừng can thiệp vào việc LĐBĐ, FIFA sẽ phản ứng hay đừng can thiệp vào một Liên đoàn thể thao nào đó vì quốc tế sẽ phản ứng.

Nhưng với cương vị Bộ trưởng, quản lý Nhà nước về thể thao, tôi vẫn phải can thiệp. Tôi cũng nói thẳng với ông Dato Peter Velappan (TTK LĐBĐ châu Á) khi đó rằng tôi sẽ can thiệp việc đó, mong các ông ủng hộ.

Tôi cũng từng gặp Chủ tịch FIFA, ông ấy nói đó là công việc quản lý Nhà nước của ông, chúng tôi không can thiệp. Tôi cho rằng việc rút đăng cai ASIAD là rất đáng tiếc vì chúng ta đã nhận mà lại không làm.

Tôi cho rằng Ủy ban Olympic Việt Nam cần phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện chỉ thị của Thủ tướng. Bộ VH,TT&DL phải phối với Ủy ban Olympic, phối hợp với các cơ quan hữu quan làm việc với OCA một cách thắng thắn về các khó khăn kinh tế của chúng ta. Nếu có thể, chúng ta phối hợp với OCA tìm nước đăng cai mới và ủng hộ họ.

Như vậy, tôi nghĩ chúng ta đã ứng xử một cách đàng hoàng và hợp lý. Tôi nghĩ OCA cũng không bao giờ quá bận tâm về chuyện này vì những quan chức của OCA cũng hiểu tình hình kinh tế của chúng ta và thế giới.

Với các nước có thu nhập cao, việc chi vài trăm triệu USD không phải là quá lớn nhưng đối với chúng ta thì lại khác. Chúng ta phải nói với OCA một cách chân thật, thẳng thắn, có tình, có lý để họ hiểu.

* Vậy việc rút đăng cai ASIAD 18 theo ông có tác động đến kế hoạch đào tạo, xây dựng lực lượng VĐV của thể thao Việt Nam?

- Không. Tôi nghĩ việc này không hề ảnh hưởng. Tôi nhớ là cách đây 2 năm, Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển thể thao Việt Nam trong đó có chương trình đào tạo VĐV tài năng.

Chương trình đó thực hiện tốt hay không không phải là nhờ Chính phủ có cấp vốn không mà thuộc về trách nhiệm của ngành thể thao. Kinh nghiệm của tôi những năm chuẩn bị SEA Games, việc đào tạo VĐV tài năng là việc rất khó, phải tỉ mỉ, chặt chẽ.

Tôi nghĩ việc chúng ta không đăng cai ASIAD 18 vừa là một điều không vui nhưng cũng là một cơ hội giải thoát cho các nhà thể thao Việt Nam tập trung vào hoạt động thể thao trong nước, chăm lo việc phát triển các VĐV tài năng và tổ chức sự kiện thể thao quần chúng, thể thao nông dân, quân đội, học sinh, sinh viên... Chúng ta phải tổ chức thể thao quần chúng, tạo các điểm nhấn rõ ràng trong việc phát triển thể thao quần chúng nước nhà các năm tới.

* Nguyên Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Nguyễn Hồng Minh khi trả lời báo Thể thao & Văn hoá đã nêu ý kiến Việt Nam có thể đăng cai ASIAD nhưng nên lùi lại một hoặc 2 kỳ. Ông có đồng tình với ý kiến này?

- Anh Hồng Minh có trao đổi với tôi nhưng tôi cho rằng không nên làm vậy. Chúng ta nên dành thời gian để các nhà quản lý thể thao cùng nhau suy nghĩ, tổ chức thật tốt các hoạt động thể thao trong nước, trong đó có việc đào tạo VĐV thể thao tài năng và phong trào quần chúng. Nếu những việc đó tốt lên và kinh tế chung tốt lên, chúng ta có thể đăng cai vào dịp nào đấy trong 10, 15 năm tới là không khó khăn.

* Nếu nước được trao quyền đăng cai ASIAS mà rút lui không vì lý do bất khả kháng như động đất hay chiến tranh sẽ bị phạt. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Tôi chưa đọc được tài liệu nào nói về chuyện phạt, không rõ là trong hợp đồng có nói về chuyện phạt không nhưng nếu có phạt thì cũng không phải vấn đề quá lớn. Nếu chúng ta biết làm việc cẩn thận với OCA thì đó cũng không phải vấn đề đáng lo ngại.

* Theo ông trong tương lai, Việt Nam có cơ hội đăng cai ASIAD nữa hay không?

- Những cơ hội vẫn còn nằm trước mắt miễn là chúng ta phải đưa kinh tế phát triển lên, đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa bớt khó khăn, các vấn đề lớn của thể thao nước nhà được giải quyết tích cực hơn.

Tôi nghĩ cơ hội đăng cai ASIAD không phải là quá xa. Tiền lệ, đã từng có nước từ chối đăng cai nhưng sau đó đăng cai lại như Hàn Quốc.

* Xin cảm ơn ông!

“Tôi bất ngờ về vụ việc của V.Ninh Bình”

“Đối với tôi, vụ cá độ, dàn xếp tỷ số Ninh Binh là một bất ngờ. Tôi không nghĩ cầu thủ trẻ bây giờ mà lại dám liều đến thế. Tất nhiên, các cháu dàn xếp tỷ số cũng thông minh hơn đấy. Không ngờ, trong lúc bóng đá đang được quan tâm từ Đảng và nhà nước, Liên đoàn vừa Đại hội xong, Ninh Bình là đội lên chuyên nghiệp chưa lâu mà chuyện này lại xảy ra dễ dàng như thế. Theo tôi, điều mà chúng ta chưa làm được là giải quyết và giải tỏa các trung tâm cá độ. Nếu Nhà nước không cho tổ chức cá độ thì phải giải tỏa các trung tâm cá độ, việc đó thời tôi quản lý ngành thể thao đã làm nhưng không dễ. Nếu không giải tỏa được các trung tâm cá độ thì khó lòng kiểm soát được VĐV, kể cả HLV và trọng tài. Tôi bất ngờ vì chuyện xảy ra quá nhanh vào đúng lúc công tác chuẩn bị ASIAD và Đại hội VFF vừa xong. Vụ cá độ, dàn xếp tỷ số ở V.Ninh Bình đúng là lớn về số cầu thủ tham gia so với trước đây”.


Lâm Chi (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm