Nước mắt ở sân Ansan Wa...

23/09/2014 06:05 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm qua, tôi đã rơi nước mắt trên khán đài sân Ansan Wa, nhưng đấy là không phải là khoảnh khắc Olympic Việt Nam ghi bàn từ chấm phạt đền, không phải những màn cổ vũ hay hát ca đủ các giọng điệu Bắc, Trung, Nam, mà là lúc nhìn thấy đứa bé ngậm bình sữa đang say sưa giấc ngủ trong tay mẹ, một người mẹ Việt Nam, trên sân Ansan Wa...

Hôm qua có mấy bé chỉ dăm tháng tuổi, trên đôi má phúng phính vẽ cờ Tổ quốc, được bố mẹ đưa đến sân để cổ vũ cho Olympic Việt Nam. Chúng nằm như mèo con trong tay mẹ ngước ánh mắt thơ ngây xung quanh, rồi ngủ khò, thi thoảng lại vùng dậy ngơ ngác vì tiếng cổ vũ quá to của người lớn; có bé được bố công kênh trên vai... chắc chắn tình yêu Olympic Việt Nam, xa hơn là tình yêu Tổ quốc của bố mẹ, đang thấm đẫm trong giấc ngủ của các bé.

Tôi cũng để ý rất nhiều người cầm trên tay 2 lá cờ nhỏ xíu của Việt Nam và Hàn Quốc. Đấy thường là các chú rể Hàn Quốc. Hồi sáng, chúng tôi đã có cuộc “thâm nhập” khu người Việt ở quận Sansa, tỉnh Kieng Kito và đã gặp một số chú rể.

Và, không lạ khi trên sân, thấy anh  Lim Hyeong Seeb, đã giữ đúng lời hứa ban trưa, đóng  nhà hàng ăn uống để đưa vợ là chị Trần Thị Thu Thảo (chủ nhà hàng Phương Hoàng) và cho phép nhân viên đi cổ vũ bóng đá.

Hôm qua là ngày thứ Hai nên có rất nhiều CĐV trong  sắc đỏ rực rỡ ở sân Ansan Wa đã phải xin nghỉ làm (điều này rất khó với kỷ luật lao động ở Hàn Quốc). Trong số đó, có nhiều người đã làm mọi cách, thậm chí tự ý nghỉ việc, đấy là ghi nhận của chúng tôi trên chuyến tàu điện ngầm từ Ansan đến sân vận động. Và cả một số người Việt lặn lội từ Incheon, Teagu, Busan...

Mọi khoảng cách về địa lý đều bị san lấp để nhường chỗ cho tình yêu Olympic Việt Nam. Không thể nói hết tình cảm của cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc dành cho đoàn thể thao Việt Nam nói chung và Olympic Việt Nam nói riêng. Tình cảm đó không bột phát kiểu đến sân cho sướng! Hình ảnh sân Ansan chỉ đỏ rực ở khán đài A, trong khi 3 phía còn lại đều khá trống vắng và CĐV Kyrgyzstan chỉ có một nhúm nhỏ, thực sự rất lan tỏa, có sức nặng và giàu ý nghĩa.

Không chỉ Olympic Việt Nam thi đấu ở Hàn Quốc, ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới này, mỗi lần các đội tuyển Việt Nam thi đấu đều nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Đấy là tình cảm thiêng liêng, là sức mạnh không phải nền bóng đá nào cũng có được. Nói thế để những người đang tham gia hoạt động ở lĩnh vực bóng đá nước nhà cần phải trân trọng những tình cảm đó, chuyển hóa thành những hành động cụ thể, thay vì cứ “năm nóng, năm lạnh” suốt một thời gian dài làm phiền lòng người hâm mộ cả nước.

Thời còn làm Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, ông Lê Doãn Hợp (sau ra làm Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông) trong một lần xuống thăm SLNA đã có câu nói để đời: “Hãy đá tận tụy để dân thương, đá đẹp để dân sướng, đá trung thực để dân tin, đá thắng để dân vui”.

Không chỉ “khán giả” Lê Doãn Hợp, có lẽ tất cả người hâm mộ Việt Nam đều ước mong cái sự tận tụy, cái đẹp, cái trung thực trong bóng đá Việt Nam. Như thế mới xứng đáng với những tình cảm sâu nặng của người hâm mộ trong và ngoài nước, đó là thứ tài sản vô giá, không thể để lãng phí tình yêu của khán giả.

Sau U19, đến lượt Olympic Việt Nam đang khơi một nguồn cảm hứng mạnh mẽ bởi sự tử tế, tươi mới, buộc không ít người đang tham gia bóng đá phải phản tỉnh, để có sự điều chính, thay đổi theo hướng tích cực hơn. Bóng đá Việt Nam cần một sự tử tế.

Có lẽ, không ít người đã rơi nước mắt, khi ngắm nhìn màu đỏ trên sân Ansan chiều qua.

Hữu Quý
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm