Những bí mật ở phòng thay đồ của Barca

30/10/2009 20:00 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH Online) - Là một đội bóng lớn, FC Barcelona do HLV Pep Guardiola luôn bị quan sát và “soi” rất kỹ, nhất là bởi các đối thủ. Không nhiều thì ít, ai cũng muốn biết những “bí mật” dẫn đến cú ăn ba lịch sử của Barca ở mùa bóng trước (vô địch La Liga, Cúp Nhà vua và Champions League), đặc biệt là nội tình của “gã khổng lồ xứ Catalonia”.

Rõ ràng phần lớn thành tích đều đã được nhìn thấy trên sân cỏ, nhờ tài năng của các cầu thủ và của HLV Pep Guardiola. Tuy nhiên, còn có những bí mật khác tạo nên một đội bóng chiến thắng, nhiều khi còn quan trọng hơn những gì xảy ra trong một trận đấu. Đó là cách cư xử và sự hòa thuận ở phòng thay đồ, dù ở đó có tới trên 20 người với những tính cách khác nhau.



Thực tế cho thấy, ở bất cứ một công ty hay một văn phòng làm việc nào, việc lãnh đạo có cách đối xử như nhau với tất cả các nhân viên là một điều hầu như không tưởng. Ở phòng thay đồ của Barca chuyện đó lại càng khó, vì có nhiều siêu sao. Do đó, một trong những mục tiêu ưu tiên của Pep trong mùa bóng trước là làm giảm “cái tôi” của các cầu thủ, bằng cách đặt lợi ích của đội bóng lên trên hết.

Dựa vào công việc của các đội trưởng và đội phó, HLV đã làm cho mọi cầu thủ đều cảm thấy mình là quan trọng và nhất trí đưa mái chèo về một hướng. Việc mùa trước hai cầu thủ Gerard Pique và Dani Alves đến với Barca cũng là một phát hiện thú vị vì với tính tình vui nhộn của mình họ thực sự là những “đầu trò” trong các hoạt động tập thể, tạo ra sự gắn kết giữa các nhóm cầu thủ với nhau. Cứ nhìn ba bàn ăn trong các chuyến du đấu là đủ thấy phòng thay đồ của Barca được chia làm ba nhóm: nhóm xứ Catalonia, nhóm nói tiếng Pháp và nhóm Nam Mỹ.

Sự vui nhộn của Pique và Alves đã lôi cuốn một số cầu thủ tính tính dè dặt tham gia vào các hoạt động chung và không cảm thấy mình bị lạc lõng. Hai cầu thủ châu Phi Toure Yara và Seydou Keita cũng nhanh chóng hòa nhập vào tập thể nhờ sự giúp đỡ đó, kể cả việc họ và Abidal là những người theo đạo Hồi vốn không ăn thịt trong suốt cả mùa bóng chứ không chỉ trong tháng Ramadan.

Nếu bạn muốn biết ai là người đầu tiên mở cửa phòng thay đồ hàng ngày thì không ai khác đó là Carles Puyol. Người đội trưởng này thường đến sớm hơn quy định một tiếng đồng hồ, có nghĩa hai giờ trước khi bắt đầu luyện tập. Ngược lại, một số cầu thủ như Pique luôn vội vã đi tất, xỏ giầy để không đến muộn.

Một số cầu thủ khác như Thierry Henry và Rafa Martinez thường soi gương rất kỹ, có khi cả tiếng đồng hồ và thường là những người cuối cùng rời phòng thay đồ vì không bao giờ quên làm massage chân trước khi về nhà.

Trong nội bộ Barca, người ta thường kháo nhau nếu Zlatan Ibrahimovic không cao tới gần hai mét, thì là người khó nhận ra nhất vì cầu thủ này chẳng nổi bật ở điểm nào. Anh không dè dặt nhưng cũng chẳng vui nhộn, không đến sớm nhưng cũng chẳng đến muộn, chẳng mê tín và người bạn thân nhất của chàng trai Thụy Điển là cầu thủ Maxwell người Brazil, một thời cùng ở Inter Milan. Đến giờ ăn cơm, Ibra thường ngồi vào bàn cùng nhóm Nam Mỹ.

Cũng như những đội bóng lớn khác, FC Barcelona có một bản quy chế nội bộ mà tất cả các cầu thủ phải thực hiện, liên quan đến cách cư xử với nhau, nội quy giờ giấc, cách phát ngôn, chế độ thưởng-phạt,... nhằm đảm bảo sự đoàn kết nội bộ cũng như trật tự trên-dưới.

Còn những người tò mò có thể hỏi Messi và Chygrunski nói với nhau những gì thế khi thay đồ vì tủ quần áo của họ kề nhau.

Tại phòng họp, cầu thủ người Argentina được bố trí ngồi gần hậu vệ đồng hương Gabi Milito, mùa giải trước ít nổi bật do bị chấn thương nặng ở đầu gối phải. Gần anh một chút là Valdes, Iniesta, Xavi và Puyol, ở cùng một hàng ghế.

Riêng Pique và Alves thì phải tách họ ra cách nhau một vài mét để họ không “tán gẫu” được. Cầu thủ người Catalan bị hai đội phó Xavi và Iniesta giám sát, trong khi chàng trai Brazil  có Abidal và Chygrynsky ém bên cạnh.

Hiện tại còn ba ghế trống, và do đó nếu cầu thủ mới nào đến với Barca vào kỳ chuyển nhượng mùa đông tới sẽ có “may mắn” được ngồi cạnh Messi, bởi vì giữa Milito và La Pulga là một chiếc ghế chưa có chủ.

Một điểm gây tò mò khác là các cầu thủ không được xếp thứ tự như trên tại phòng thay đồ, nhưng đó lại là một câu chuyện khác.

Khang Chi (Theo Sport)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm