Ngày 23: Chinh phục đèo Cả để đón giao thừa

01/01/2013 06:30 GMT+7 | Thể thao


Mặc dù không khí của ngày cuối năm ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên khá lạnh và đầy gió nhưng Pat Farmer và đoàn đồng hành đã mang đến một hơi ấm diệu kỳ cho toàn bộ người dân nơi đây.

Không chạy qua cây cầu dài nhất miền Trung bắc qua sông Ba như dự kiến, vận động viên marathon người Úc Pat Farmer đã dành ngày cuối năm của mình để chạy qua xã Hòa Hiệp Bắc, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên - quê hương của nhà đầu tư Nguyễn Hoàng Tranh.

Làng quê náo nhiệt

Có thể nói, đây là lần đầu tiên làng quê Mỹ Hòa của xã Hòa Hiệp Bắc có một không khí tưng bừng, nhộn nhịp hơn cả lễ hội. Từ đầu thôn đến cuối xóm, len sâu vào khắp mọi con hẻm, người già, thanh niên và trẻ con đều hân hoan đón chào vận động viên Pat Farmer và đoàn đồng hành Nối liền một dải Việt Nam.

Cao điểm nhất là vào lúc 16h30 ngày 30/12 tại trường cấp 2 Trường Chinh (xã Hoà Hiệp Bắc), nơi có 571 học sinh và 61 giáo viên, hơn 97% đã có mặt. Cũng cần nói thêm, nơi đây có thầy Trương Văn Minh làm hiệu trưởng - đây cũng chính là thầy dạy toán và thể dục cho Nguyễn Hoàng Tranh hồi ở trường cấp 2  Hoà Hiệp Bắc, mà bây giờ là trường cấp 1.

Điều lạ lùng là dù sau một đêm dầm mình trong mưa bão để dự lễ trao học bổng (60 phần) do Pat Farmer, Mai Huy, nhà đầu tư Nguyễn Hoàng Tranh và đạo diễn Lê Quý Dương trao tặng tối qua, hầu hết học sinh không những không bị ốm, mà còn thêm hăng hái tham gia vào hành trình chạy bộ. Có lẽ, nguồn cảm hứng về sự tự tin vào bản thân và khát khao làm những điều lớn lao mà Pat Farmer đã gieo vào tâm trí các em học sinh trong đêm bão táp đã giúp các em mạnh dạn thực hiện những bước chạy đầu tiên dọc khắp làng quê của mình. “Ai cũng có một mơ ước lớn ở đời, nhưng phần lớn không thực hiện được vì thiếu sự kiên trì, các bạn hãy lấy sự kiên nhẫn trong từng bước chân của tôi làm cảm hứng, để tự nói với lòng mình rằng, ta sẽ làm được, dù gian lao, thử thách là rất lớn”, Pat nói.

Nhiều học sinh đã chạy lên trước mặt Pat, phanh ngực áo để xin chữ ký, để xin chụp một bức hình chung, để bắt tay ông… Chương trình còn thêm háo hức bởi các tiết mục múa lân, đốt pháo bông và ca hát của đoàn Bông Sen.

Sự hăng hái chạy bộ quá mức của các em học sinh của trường trung học cơ sở Trường Chinh cũng đã tạo nên một điều chưa có tiền lệ trong lịch sử của trường và cả cuộc chạy marathon quốc tế này, bởi chưa bao giờ có nhiều học sinh bất chấp quan ngại của thầy cô về vấn đề thể chất để chạy đồng hành cùng Pat Farmer. Nhiều bạn trong số này đã chạy liên tục trên 15km, có bạn chạy luân phiên đến chân đèo Cả, nơi thầy hiệu trưởng phải “ra lệnh rút lui” mấy em này mới chịu dừng bước.

Thậm chí, nhiều phụ huynh đã chạy theo đoàn để gọi con em về nhà sau khi các em đã chạy một đoạn rất dài, tuy nhiên, các em đã chọn giải pháp lên ô-tô của đoàn để nghỉ dưỡng sức, sau đó chạy tiếp chứ không chịu theo ba mẹ về nhà. Thật sự khó diễn tả hết cảm xúc vui mừng của vận động viên Pat Farmer khi ông nhìn thấy những thanh niên Việt Nam không ngại mưa gió để chạy cùng ông đến tận đèo Cả. Ông hiểu rằng từng bước chạy của mình đã thực sự biến những suy nghĩ tích cực cho thanh niên của đất nước năng động này thành hành động chứ không chỉ đơn giản là tạo sự tò mò hay ngưỡng mộ.

Ngoạn mục đèo Cả

Dường như cung đường qua đèo Cả vốn cheo leo, hiểm trở đối với đa số bác tài Việt Nam hôm nay trở nên thơ mộng, kỳ ảo lạ thường trong mắt của những người chạy bộ. Đối với nhà đầu tư – luật sư Nguyễn Hoàng Tranh, đây là lần đầu tiên trong cuộc đời, anh chinh phục được con đèo ương bướng vốn gần gũi nhưng cũng lắm lúc xa vời. Có thể nói, với một người con xa quê lâu năm như Nguyễn Hoàng Tranh, được chạy cùng những người bà con, họ hàng và bạn bè trên làng xóm, quê hương mình, được lắng nghe từng tiếng thở của đất qua mỗi bước chân quả là một niềm hạnh phúc đến xao xuyến. Có lẽ vì quá đỗi say mê chạy trên miền quê chôn rau cắt rốn của mình mà sau khi chạm đến ngưỡng 30 km, luật sư Nguyễn Hoàng Tranh bị chấn thương đầu gối, khiến sau đó anh đi lại rất khó khăn. Bác sĩ thể thao Dương Tiến Cần đã xuất hiện kịp lúc để khám và điều trị cho Nguyễn Hoàng Tranh. Ngay cả em họ của Nguyễn Hoàng Tranh là Nguyễn Văn Dã cũng về từ Sài Gòn để phụ tổ chức và tập chạy, nhưng cuối cùng anh cũng bị chấn thương nhẹ ở đầu gối.

Điều thú vị là cha của luật sư Nguyễn Hoàng Tranh – bác Nguyễn Đình Chiến, người đã không ngại đường xa để bay từ Sydney về tập chạy và tổ chức chương trình tại quê nhà. Rất tiếc, ông cũng đã bị chấn thương vào phút cuối do bệnh khớp và bệnh gout nên không chạy được. Tuy nhiên, khi bác sĩ của đoàn khuyên ông không nên chạy vì bệnh khá nặng, vậy là ông chuyển sang làm quay phim và “quản lý hậu cần” cho cổ động viên. Suốt chặng đường từ Tuy Hòa đến Vạn Giã, cha của luật sư Nguyễn Hoàng Tranh không ngại lên xuống ô-tô liên tục, có lúc ông còn “nhảy” qua xe máy để ghi lại và bắt kịp những khoảnh khắc đẹp hành trình. Ngay khi đến đỉnh đèo Cả, các cổ động viên của xã Hòa Hiệp Bắc được ông chào đón bằng một bữa trưa nhanh gọn nhưng khá ngon miệng.

Đèo Cả là “biên cương” của Phú Yên và Khánh Hoà, ngày 31/12/2012 cũng đã chứng kiến một cuộc bàn giao ngoạn mục và tình cảm của CSGT hai tỉnh. Khi đến địa phận Bàn Thạch, vẫn chưa thấy CSGT Khánh Hoà đâu, cứ tưởng họ quên giờ, nên CSGT Phú Yên vẫn phải mạnh dạn “xâm thực” vào địa bàn khác, để bất ngờ có cuộc bàn giao êm thấm và dạt dào tình cảm. Để kịp đón giao thừa, khi đến Vạn Giã, CSGT đã mở còi hú và chạy với tốc độ trên 80km/h để đưa Pat và đoàn về Nha Trang tắm rửa, thay áo quần. Từ km 0 đến nay, hơn 1.800 km, đây là lần đầu tiên CSGT được chạy nhanh như thế, bởi bình thường, họ bị chạy với vận tốc ức chế, dưới 10km/h. Và đây cũng là lần đầu tiên đoàn được ngủ 2 đêm tại một khách sạn.

Pat Farmer có “hậu duệ”

Một đứa cháu gọi Nguyễn Hoàng Tranh bằng cậu là Phạm Anh Kiệt (13 tuổi) đã chạy từ điểm xuất phát ở nhà văn hoá Diên Hồng về đến xã Hoà Hiệp Bắc, hơn 14 km và được Pat Farmer phong cho tước “hiệp sĩ nhí”, vì chưa có bạn trẻ nào chạy đẹp như thế. Pat nói Kiệt có cơ địa và sức lực của một người chạy marathon.

Có lẽ vì quá hạnh phúc và vui mừng vì được về thăm quê, thăm thầy cô, bạn bè,  nhà đầu tư Nguyễn Hoàng Tranh và đạo diễn Lê Quý Dương quyết định thay đổi lịch trình, đưa cả đoàn ra thành phố Nha Trang để đón Giao thừa 2013 thay vì ở lại Vạn Giã như đã định. Quả thật, tình cảm sâu đậm của cha con luật sư Nguyễn Hoàng Tranh dành cho cố hương đã khiến cho ngày cuối cùng của năm 2012 diễn ra một cách ý nghĩa, nó giúp cho ngày này trở nên đáng nhớ không chỉ với bản thân họ mà cho rất nhiều người dân xã Hòa Hiệp Bắc và tỉnh Phú Yên.

Hàng trăm cuốn sách của Pat được tặng cho học sinh, hàng trăm chiếc áo của chương trình làm quà lưu niệm. Có lẽ từ ngày hôm nay, những thanh niên, học sinh nơi đây cảm nhận được tình yêu quê hương, sự kết nối giữa những trái tim qua từng thế hệ cụ thể và rõ ràng hơn; và có lẽ qua những bước chạy của ngày hôm nay, thanh niên xã Mỹ Hòa nói riêng và tỉnh Phú Yên nói chung có một cái nhìn mới sâu sắc hơn về nội lực của bản thân, về khát vọng vươn xa và thành đạt để rồi một ngày không xa, làng quê yên bình này không chỉ tràn đầy nước sạch mà còn dạt dào những niềm vui, những thành công.

Chương trình Nối liền một dải Việt Nam xin chúc quý anh, chị một năm mới thật an khang, thịnh vượng.

Chương trình này do ASIAN Chamber of Commerce & Industry tài trợ; Tổ chức thực hiện: Công ty Lê Quý Dương; Bảo trợ truyền thông: báo Thể thao & Văn hóa; Bảo trợ pháp lý: East West Lawyers; và các nhà đồng hành: Blackmores, AVSS.



Ảnh: Văn Bảy, Thiện Trình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm