Marathon xuyên Việt - "Cuộc đầu tư mang tính phá sản của tôi"

20/01/2013 22:46 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Đó là phát biểu chân tình của luật sư Nguyễn Hoàng Tranh, nhà đầu tư và là ban tổ chức phía Úc của chương trình marathon Nối liền một dải Việt Nam (Pole to Pole: Vietnam) kéo dài từ ngày 9/12/2012 đến 18/1/2013. Anh đã nói điều này hơn một lần trong đêm gala chào mừng thành công của chương trình cuối tuần qua tại TP.HCM.

Chương trình marathon Nối liền một dải Việt Nam có thể chưa đình đám nhất, nhưng chắc chắn khó gặp nhất, vì Pat Farmer và đoàn đã lần đầu tiên trong lịch sử loài ngoài thực hiện cuộc chạy bộ xuyên Việt thành công. Và để có được chương trình đình đám như thế, những người trong cuộc đã phải hy sinh rất nhiều thứ.


Luật sư Nguyễn Hoàng Tranh (cầm quốc kỳ Úc) song hành cùng Pat Farmer

“Nếu xét về góc độ lợi nhuận và rủi ro của một nhà đầu tư thuần tuý, thì việc Công ty luật East West Lawyers của tôi đầu tư và bảo trợ toàn bộ kinh phí cho chương trình này Nối liền một dải Việt Nam trong 40 ngày, cho 35 con người để đi qua 30 tỉnh thành trên chặng đường dài khoảng 3.200km của Việt Nam là quyết định điên rồ và là một cuộc đầu tư mang tính phá sản. Vì không có một lợi nhuận kinh tế nào nảy sinh từ chương trình này cho bản thân tôi hay công ty của tôi” - bắt đầu câu chuyện, luật sư Nguyễn Hoàng Tranh thẳng thắn như vậy. Nguyễn Hoàng Tranh hiện là giám đốc Công ty luật East West Lawyers và là Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Á tại Úc (Asian Chamber of Commerce & Industry, Australia).

Đầu tư phá sản?

* Thưa anh, từ ý tưởng hay động lực nào khiến anh quyết định đầu tư để thực hiện chương trình Nối liền một dải Việt Nam (Pole to Pole: Vietnam)?

- Chương trình marathon quốc tế Nối liền một dải Việt Nam là chương trình nhân đạo được thực hiện dựa trên ý tưởng được đăng ký bảo hộ tác quyền của Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Á tại Úc (Asian Chamber of Commerce & Industry, Australia) để đưa vận động viên Pat Farmer và Mai Nguyễn Đình Huy về chạy tại Việt Nam với mục đích chính là gây quỹ, quyên góp tiền tại Úc để tài trợ các dự án nước sạch của Hội Chữ thập đỏ Úc tại Việt Nam.

Ý tưởng này được hình thành tại Úc vào khoảng tháng 6/2012; người đẻ ra ý tưởng này chính là tôi và cô Tiffany Nguyễn. Khoảng giữa tháng 7 năm 2012, chúng tôi mang ý tưởng này về Việt Nam, vào lúc 5 giờ sáng tại một quán cóc café bên góc đường Nguyễn Phi Khanh & Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM, chúng tôi chia sẻ ý tưởng này với anh Hà Văn Bảy và Nguyễn Văn Dã. Ý tưởng này được Hà Văn Bảy và Nguyễn Văn Dã tiếp lửa, và tôi còn nhớ lúc ấy trên bầu trời lúc 5 giờ sáng trăng Sài Gòn rất thuần khiết và đẹp.

Bốn anh em chúng tôi say sưa vẽ ra những giấc mộng, những con đường chạy trong đầu và tưởng tượng vẻ đẹp tinh khiết của lòng nhân đạo và giá trị của những bước chân sẽ chuyển hoá, kết nối một dải Việt Nam giang sơn gấm vóc, kết nối hàng triệu trái tim, khối óc và bước chân của người Việt trên khắp mọi miền đất nước. Sau khi trở về Úc, anh em chúng nuôi tiếp tục nuôi dưỡng và tiếp lửa cho ý tưởng này và đồng chuyển hoá ý tưởng thành hiện thực.

Chính vì những ước mơ, những giá trị nhân văn và nhân duyên sâu thẳm đã kết nối bốn người chúng tôi ngồi lại với tại quán cóc ấy, và chúng tôi tin rằng chúng tôi sẽ làm được điều này. Thế nên tôi quyết định đầu tư toàn bộ tâm lực, trí lực và tài lực cho ý tưởng này.

Với tư cách là chủ tịch, tôi quyết định cho Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Á tại Úc phối hợp với Công ty Lê Quý Dương đồng tổ chức và thực hiện chương trình này tại Việt Nam.

* Thông thường, việc đầu tư một chương trình phải gắn với việc tìm kiếm một lợi nhuận nào đó, được biết anh hoạt động trong lĩnh vực luật, vậy thì “lợi nhuận” của anh ở môn thể thao việt dã này là gì?

- Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay trên toàn thế giới, số tiền tôi đầu tư vào chương trình này khoảng 350.000 USD là không nhỏ. Và có lẽ cả cuộc đời sau này tôi sẽ không sao làm lại được số tiền này. Nhưng mục đích của việc đầu tư này không phải là để tìm kiếm lợi nhuận, mà để thực hiện một ý niệm nhân đạo và một hành trình nhân văn tại đất nước đã sinh ra mình.

"Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay trên toàn thế giới, số tiền tôi đầu tư vào chương trình này khoảng 350.000 USD là không nhỏ. Và có lẽ cả cuộc đời sau này tôi sẽ không sao làm lại được số tiền này" - Phát biểu của ông Nguyễn Hoàng Tranh, nhà đầu tư cho chương trình.

Nhưng xét về góc độ nhân đạo và ý nghĩa kết nối nhân tâm của chương trình này, thì quả thật bản thân chúng tôi cảm thấy mình rất “giàu có” và sung sướng.  Đầu tư vào chương trình để mang hy vọng, mang nguồn nước sạch về cho Việt Nam. Đầu tư để nâng cao ý thức người dân tại Việt Nam và toàn thế giới về giá trị nguồn nước sạch, các vấn đề, các hiểm hoạ xã hội và kinh tế do việc ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước sẽ gây ra cho cộng đồng, sức khoẻ và phát triển kinh tế, mối liên hệ giữa nước và nguồn an ninh thực phẩm mà một quốc gia phải đối diện trong hiện tại và tương lai.

Đầu tư để khơi nguồn hứng khởi cho mấy chục triệu thanh thiếu niên Việt Nam để sau này các em sẽ trở thành những nhà vô địch, những Pat Farmer của Việt Nam và của thế giới trong các lãnh vực kinh tế, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ, văn hoá, thể thao và ngoại giao trong tương lai thì việc đầu tư này hoàn toàn xứng đáng.

Thế nên bản thân tôi rất hãnh diện và tự hào về quyết định đầu tư toàn bộ cho chương trình này. Và có lẽ đây là cuộc đầu tư lớn nhất, vĩ đại nhất, gian nan nhất mà một con người Việt Nam như tôi có thể làm cho đồng bào của mình.


Luật sư Nguyễn Hoàng Tranh cùng cô Tiffany Nguyễn, quản lý dự án Nối liền một dải Việt Nam

Ê-kíp tuyệt vời

* Là chủ dự án, anh đánh giá thế nào về ê-kíp nói chung của chương trình này, đặc biệt các đối tác phía Việt Nam là Công ty Lê Quý Dương và báo Thể thao & Văn hoá?

- Tôi đánh giá rất cao về ê-kíp của chương trình này gồm 35 người đến từ khắp nẻo đường của cuộc sống. Tôi rất biết ơn họ đã xả thân và hy sinh cho chương trình. Từ bác tài xế vô danh cho đến những người đã thành danh như đạo diễn Lê Quý Dương, họ là những con người rất thật và rất đẹp. Hành trình Nối liền một dải Việt Nam đã kết nối chúng tôi trở lại, chúng tôi đã thật sự là một đại gia đình Việt Nam, chúng tôi yêu thương, chăm sóc và bảo vệ lẫn nhau. Tất cả chúng tôi điều vững tin vào giá trị thật của công việc mà chúng tôi đang làm.

Riêng về Công ty Lê Quý Dương là đối tác chiến lược của chúng tôi trong chương trình này, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn tài năng, tinh thần chuyên nghiệp, đức tính quên mình của toàn thể nhân viên của công ty đã góp phần rất lớn để làm nên sự thành công của chương trình. Đặc biệt, tôi muốn bày tỏ lòng kính trọng và sự ngưỡng mộ tài năng, tính chuyên nghiệp, tâm huyết, tính sáng tạo, trí tuệ và nghị lực phi thường đối với đạo diễn Lê Quý Dương. Nếu không phải là Lê Quý Dương, thì chương trình này không thể thực hiện được.

Tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn báo Thể thao & Văn hoá, đơn vị bảo trợ truyền thông của chương trình. Nếu không có sự tham gia nhiệt tình và bảo trợ truyền thông hết mình của báo Thể thao & Văn hoá, thì chương trình này không thể được xem là thành công nếu vấn đề truyền thông không được thực hiện tốt. Và anh Hà Văn Bảy, người quản lý truyền thông của chương trình này và cũng là phóng viên của báo Thể thao & Văn hoá đã làm rất tốt công việc truyền thông, và đã mang những thông điệp quan trọng về chương trình này chia sẻ với toàn dân Việt Nam và bạn bè trên khắp thế giới.

Ngoài ra, một nhân vật khác cực kỳ quan trọng của chương trình này chính là cô Tiffany Nguyễn, quản lý dự án Nối liền một dải Việt Nam. Tôi rất biết ơn mà ngưỡng mộ tài năng điều phối, và sự hy sinh của cô dành cho chương trình này. Nếu không có cô ấy, thì chương trình này cũng không thể thực hiện được.

Thế nên, nếu thiếu một Lê Quý Dương, một Hà Văn Bảy, một Tiffany Nguyễn hay một Nguyễn Hoàng Tranh thì chương trình này có đầu tư bao nhiêu tiền bạc thì vẫn không thể nào thực hiện được.


Vẫn còn lo lắng

* Đến nay, khi chương trình sắp kết thúc, anh có cảm thấy hài lòng không? Điều gì là chưa?

- Nhìn chung về tổng thể chương trình mà nói, tôi cảm thấy rất hài lòng về ý tưởng, cách tổ chức, thực hiện chương trình, dàn ê-kíp tuyệt vời gồm 35 người của chúng tôi, sự hưởng ứng, cổ vũ, ủng hộ và niềm tin của người dân Việt Nam và bạn bè thế giới đã dành cho chương trình chúng tôi, đặc biệt là giới trẻ Việt Nam trên hành trình dài 40 ngày trên khắp mọi miền đất nước.

Điều tôi chưa hài lòng chính là có những con người, tuy cửa miệng họ luôn thốt ra những lời hay ý đẹp, nhưng bản chất của họ hoàn toàn ích kỷ.

* Chắc anh vẫn chưa hết những lo lắng?

- Lo lắng lớn nhất của tôi hiện nay chỉ có một điều, đó là việc quyên góp tiền tại Úc. Liệu sau khi chương trình này kết thúc, sẽ có bao nhiêu giếng sạch, nguồn nước sạch sẽ được thực hiện tại Việt Nam? Vì trách nhiệm gây quỹ, quyên góp và quản lý tiền bạc tại Úc để tài trợ cho dự án nước sạch là của Hội Chữ thập đỏ Úc (Australian Red Cross) và của vận động viên Pat Farmer với tư cách là Đại sứ thiện chí của Hội Chữ thập đỏ Úc.

* Những ý kiến cuối cùng của anh nhân cuộc trò chuyện này?

- Nhân đây, tôi xin cảm ơn vận động viên Pat Farmer đã chạy trên dải đất Việt Nam chúng tôi. Cảm ơn bạn Mai Nguyễn Đình Huy, người đã gợi hứng cho giấc mơ chạy xuyên Việt của chương trình này và là người duy nhất trên thế giới này đã dám chạy đồng hành cùng ông Pat Farmer trên hành trình mà anh đã chạy tổng cộng trên 2.000 km.

Và tôi cũng cảm ơn Hội Chữ thập đỏ Úc, chính phủ Úc, Bộ trưởng Ngoại giao Úc Bob Carr, ngài Đại sứ Úc tại Việt Nam - ông Hugh Borrowman, ngài Tổng Lãnh sự Úc tại Sài Gòn - ông John McAnnualty... đã ủng hộ chương trình này. Tôi cảm ơn chính phủ Việt Nam và các tổ chức có liên hệ đã tạo nhiều điều kiện, đặc biệt về giao thông cho việc chạy của đoàn được diễn ra suôn sẻ. Tôi xin cảm ơn tất cả các cơ quan truyền thông, báo chí trong và ngoài nước đã đưa tin về chương trình này. Cuối cùng và quan trọng nhất, tôi xin thay mặt ban tổ chức cảm ơn và tri ân tất cả các bạn trẻ, các thanh thiếu niên, những người dân Việt Nam đã tham gia chạy hưởng ứng và đã đặt niềm tin vào ý nghĩa và giá trị nhân văn của chương trình này.

Tôi chúc cuộc đời các bạn trẻ Việt Nam sau này sẽ thành công hơn, sống mạnh mẽ hơn, tự tin hơn vào tài năng, tâm trí của bản thân mình và dám sống, dám đeo đuổi và cuối cùng đạt được những ước mơ của mình trong cuộc sống. Các bạn trẻ Việt Nam hãy chung tay để cải thiện, làm đẹp đất nước này và để xã hội Việt này, đất nước này, con người Việt Nam này càng ngày càng được văn minh, thành đạt và tử tế hơn.

Tố Uyên (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm