Lance Armstrong - Ý chí ngoài đường đua (*): Vạch xuất phát

26/07/2010 07:26 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH Cuối tuần) - Tuổi thơ tôi không có cha - một người cha đúng nghĩa. Và bản thân tôi cũng chẳng mơ màng hay ước ao mình sẽ có một người cha. Lúc sinh tôi, mẹ tôi mới 17 tuổi. Ngày đó, mọi người đều bảo rằng mẹ con tôi rồi đây sẽ chẳng thể làm được gì; nhưng mẹ tôi thì nghĩ khác. Bà đã nuôi dạy tôi bằng một nguyên tắc cứng rắn: “Biến thử thách thành cơ hội”. Và thói quen suy nghĩ đó đã luôn sát cánh cùng chúng tôi trong mọi biến cố của cuộc đời.


Lance Armstrong- Ảnh: Getty
Tôi chưa từng hỏi mẹ bất kỳ điều gì về cha. Trong suốt hai mươi tám năm, mẹ tôi không hề nhắc đến ông, tôi cũng tuyệt nhiên không. Nghe có vẻ lạ lùng, nhưng sự thật là vậy. Đơn giản bởi vì mẹ tôi cũng không còn quan tâm đến ông, còn tôi thì chẳng có gì phải quan tâm đến ông. Mẹ từng nói nếu tôi muốn biết về cha thì bà sẽ kể tôi nghe tất cả. Nhưng để làm gì? Ông ấy chẳng có ý nghĩa gì với tôi cả. Tôi nhận được tình yêu thương bao la của mẹ, và tôi cũng yêu thương, kính trọng bà hết mực. Tôi cảm thấy như thế đã là đủ cho cả hai mẹ con tôi.

(…) Nhưng tôi không mấy quan tâm đến thời thơ ấu của mình, bởi lẽ đối với một vận động viên thì những suy nghĩ triền miên kiểu hoài niệm như vậy sẽ chẳng giúp họ tiến xa hơn trên các chặng đua. Bạn sẽ chẳng muốn nhớ về những oán giận thời thơ ấu trong lúc đang cố gắng chinh phục sườn núi cao gần 2.000 mét trên chiếc xe đạp đua. Bạn cần toàn tâm toàn sức tập trung vào quãng đường phía trước. Điều đó có nghĩa mọi thứ đã được đưa vào guồng quay, và bạn không thể lơ là dù chỉ một phút. Bạn phải vượt qua thử thách của chính mình bằng cách không ngừng tiếp thêm nhiên liệu để giữ cho ngọn lửa luôn cháy. Mẹ tôi vẫn thường nói: “Hãy biến thử thách thành cơ hội”. Tôi không có lý do để lãng phí một phút giây nào của cuộc đời mình. Những tổn thương và mất mát đã trở thành động lực để tôi tiến lên. Nhưng khi đó, tôi vẫn còn là một đứa trẻ, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng nếu mình cứ chạy xe trên một đoạn đường thì đến một lúc nào đó mình sẽ thoát khỏi nơi đó.

Tôi học ở Trường Plano East - một trong những ngôi trường lớn nhất và có hoạt động bóng đá sôi nổi nhất của bang. Trường được xây theo lối kiến trúc hiện đại không khác gì một cơ quan chính phủ, với những cánh cửa to uy nghi và kiên cố.

Ở Plano, Texas, nếu bạn không thuộc tầng lớp trung lưu trở lên thì bạn phải là một cầu thủ bóng đá, nếu không, bạn coi như không hề tồn tại. Mẹ tôi chỉ là thư ký văn phòng vì vậy tôi cũng đã cố gắng tập chơi bóng đá, nhưng có vẻ như tôi không có năng khiếu với môn thể thao này.

Thế là tôi quyết định tìm một môn thể thao khác mà tôi nghĩ mình có khả năng hơn. Năm học lớp năm, tôi tham gia một giải điền kinh do trường tổ chức. Đêm trước cuộc thi, tôi nói với mẹ rằng: “Con sẽ về nhất trong cuộc đua này”. Mẹ chỉ nhìn tôi, sau đó bà tìm và đưa cho tôi một đồng đô la bằng bạc của năm 1972. Bà nói: “Đây là đồng xu may mắn, giờ thì tất cả những gì con cần làm là đánh bại chiếc đồng hồ đó”. Và tôi đã chiến thắng.

Vài tháng sau, tôi tham gia vào câu lạc bộ bơi lội của địa phương. Thực ra đây chỉ là cách để tôi hòa nhập với bọn trẻ sống cạnh nhà. Ngay ngày đầu tiên, tôi đã cảm thấy mình lạc lõng khi được xếp chung với nhóm những đứa trẻ bảy tuổi.

Tôi cảm thấy xấu hổ khi phải tập chung với những đứa trẻ nhỏ tuổi hơn mình. Nhưng tôi quyết tâm cố gắng, tôi sẵn sàng chấp nhận để làm quen và học hỏi kỹ thuật bơi. Tôi vẫn nhớ như in ngày hôm đó, tôi đã cố hết sức để chúi người xuống hồ và lặn ngụp trong làn nước như thể muốn quẫy tung hết nước trong hồ. Mẹ tôi lo lắng: “Con đang cố gắng quá sức đấy”. Tuy nhiên, nhờ vậy mà tôi tiến bộ rất nhanh.

Một trong những huấn luyện viên tuyệt vời nhất của tôi là Chris MacCurdy. Chỉ trong vòng một năm, Chris đã giúp tôi thay đổi hoàn toàn. Tôi vươn lên đứng thứ tư trong cuộc thi thể thức bơi tự do 1.500 mét của bang. Chương trình huấn luyện của Chris cho cả đội rất nghiêm ngặt: chúng tôi phải chuyên tâm luyện tập mỗi ngày từ năm giờ rưỡi đến bảy giờ sáng. Khi lớn hơn một chút, tôi bắt đầu có những bài tập riêng cho mình. Tôi đạp xe qua những con đường dài hun hút khi trời còn chưa hửng sáng, đều đặn mỗi ngày 16km. Tôi bơi 4.000 mét quanh hồ trước khi đi học và dành thêm hai tiếng vào buổi chiều để hoàn thành vòng bơi 6.000 mét. Như vậy, tổng cộng tôi chạy xe gần 20km và bơi gần 10.000 mét mỗi ngày.

Còn nhớ năm tôi 13 tuổi, một buổi chiều khi đi ngang cửa hàng xe đạp Richardson, tôi thấy một tấm bảng thông báo về cuộc thi IronKids. Đây là cuộc thi ba môn phối hợp gồm đua xe đạp, bơi lội và điền kinh dành cho thanh thiếu niên. Trước đây, tôi chưa từng nghe về cuộc thi ba môn phối hợp này nhưng tôi nhận thấy mình đều rất khá những môn đó, nên tôi quyết định đăng ký. Mẹ dẫn tôi đến cửa hàng và mua cho tôi bộ quần áo thể thao bằng chất liệu co dãn tốt để tôi mặc khi thi đấu. Và đó cũng là lần đầu tiên tôi được sở hữu một chiếc xe đạp đua thật sự - chiếc xe hiệu Mercier trông rất thon gọn.

Lần đó tôi đã chiến thắng, một chiến thắng khá dễ dàng không phải tốn quá nhiều công sức. Không lâu sau đó, tôi lại tham gia và tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc thi ba môn phối hợp khác được tổ chức ở Houston. Khi trở về từ Houston, tôi cảm thấy tự tin hơn bao giờ hết. Dù trước đây tôi gặp khó khăn với môn bơi lội nhưng giờ đây tôi đã là vận động viên nhí giỏi nhất, giỏi hơn bất kỳ đứa trẻ nào ở Plano và thậm chí ở toàn bang. Tôi thích thú và ngất ngây với cảm giác đó.

Tôi bắt đầu nhận ra rằng, tố chất để hình thành nên một vận động viên đẳng cấp chính là khả năng chịu đựng sự xấu hổ, ngượng ngùng có thể xảy đến bất kỳ lúc nào và chấp nhận thất bại mà không nản lòng. Chỉ cần tôi nghiến chặt răng, không quan tâm người khác bình phẩm thế nào về mình và cố gắng duy trì phong độ tốt nhất có thể, tôi sẽ thắng.

Nếu đó là một cuộc thử thách ý chí và nghị lực, tôi biết mình sẽ làm tốt.

Năm 1987, năm tôi mười lăm tuổi, tôi tham gia giải đấu ba môn phối hợp ở hồ Lavon cùng những vận động viên kỳ cựu và dày dạn kinh nghiệm. Tôi đứng hạng ba mươi hai và điều này khiến các đối thủ khác cũng như khán giả vô cùng kinh ngạc. Họ không thể tin một cậu bé mười lăm tuổi lại có thể đạt thành tích cao trong một giải đấu lớn như vậy. Tôi được báo chí đưa tin về sự kiện lần đó và tôi đã phát biểu với một phóng viên thế này: “Cháu nghĩ rằng vài năm tới, cháu có thể lọt vào nhóm những vận động viên hàng đầu và trong vòng mười năm cháu sẽ là vận động viên giỏi nhất”. Những người bạn của tôi, trong đó có cả Steve Lewis, đều cho rằng tôi quá tự phụ. Nhưng tôi đã chứng minh điều mình nói, ngay giải đấu năm sau, tôi đã vươn lên đứng hạng thứ năm.

Chỉ sau một thời gian ngắn, tôi trở thành vận động viên quốc gia của năm trong lĩnh vực ba môn phối hợp nước rút. Tại thời điểm đó, tôi kiếm được 20.000 đô la mỗi năm, và tôi bắt đầu lưu giữ những hợp đồng mình đã ký một cách cẩn thận. Tôi và mẹ nhận thấy sự nghiệp thể thao của tôi đang có rất nhiều triển vọng. Tôi nhận ra đã đến lúc mình cần tìm nhà tài trợ và những người ủng hộ sẵn sàng trang trải những chi phí trong suốt quá trình tôi tham gia những giải đấu. Mẹ vẫn thường nhắc nhở tôi: “Lance này, nếu con dự định làm điều gì thì con hãy dựa vào bản thân mình bởi vì không ai có thể thay thế con cả”.

Mẹ trở thành người bạn thân, là cổ động viên trung thành và cũng là người quản lý của tôi. Mẹ luôn là động lực giúp tôi không ngừng cố gắng trong mọi hoàn cảnh. Mẹ vẫn thường dạy tôi rằng: “Nếu con không thể cố gắng 110% sức mình, con sẽ không bao giờ thành công”.

Thành Nam (Tổng hợp)

(Còn tiếp)

(*) Trích từ Ý chí ngoài đường đua của Lance Armstrong; First News biên dịch. Xem từ số báo TTVH Cuối tuần số 29 (154)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm