Làn sóng tẩy chay Thế vận hội Sochi: Lo 'bóng ma quá khứ' trở lại!

12/08/2013 06:45 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) – Tháng 6 vừa qua, cộng đồng người đồng tính tại Mỹ đã giành thắng lợi lịch sử khi Tòa án Tối cao ra phán quyết cho phép các cặp đôi đồng giới được hưởng các chế độ phúc lợi liên bang như các cặp vợ chồng truyền thống khác và mở đường cho hôn nhân đồng giới ở California.

Nhưng tại Nga trong khoảng thời gian đó không có hình ảnh người đồng giới đổ ra đường ăn mừng hay lên Twitter chia vui bởi Tổng thống Vladimir Putin đã ký vào một sắc lệnh trừng phạt những ai tuyên truyền về vấn đề đồng tính. Sự khác biệt về đạo luật được ban bố này đã ảnh hưởng tới một sự kiện thể thao lớn trong năm tới – Thế vận hội Sochi.

“Phản đối đồng tính là kỳ thị”

Đó là quan điểm chung của 320.000 người thuộc nhóm hoạt động vì quyền lợi của người đồng giới mang tên All Out tại Thụy Sĩ, đã cùng nhau ký vào một biên bản gửi lên Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), phản đối quan điểm của Nga về hôn nhân đồng giới và quyết tâm tẩy chay Thế vận hội Sochi.

Hai ngày trước đó, vodka Nga cũng bị tẩy chay trong một quán bar đồng tính ở Tallinn, Estonia. Theo lời nhân viên quầy bar, chủ quán đã đích thân đổ vodka vào bồn rửa chén. Các tiệm bar của giới đồng tính ở London và một loạt thành phố tại Anh cũng công bố tẩy chay vodka Nga để bày tỏ sự ủng hộ.


Nhiều nơi, người đồng giới đổ ra đường biểu tình, kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Sochi

Tại Quảng trường Whitehall, trung tâm London, 1.000 người đã tham gia biểu tình, chống lại đạo luật của Nga. Họ giương cao biểu ngữ phản đối, bày tỏ tình cảnh của một số người đồng tính tại Nga hiện tại đang có ý định “tự tử”.

Làn sóng này tăng cao hơn khi chính những người nổi tiếng ở các nước đã lên tiếng kêu gọi và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Biên tập viên truyền hình Stephen Fry là một ví dụ điển hình. Ngoài những tuyên bố về quyền lợi mà người đồng giới đáng được hưởng, ông kêu gọi người Anh đừng đặt chân tới Sochi vào đầu năm tới.

Chính trị gia nói gì?

Thủ tướng Anh David Cameron đã lên trang Twitter của Fry để bày tỏ quan điểm của mình: “Tôi chia sẻ sự quan ngại của bạn về việc kỳ thị người đồng tính ở Nga. Tuy nhiên, tôi tin rằng, cách để đương đầu tốt hơn với định kiến đó là tham dự vào Thế vận hội, chứ không phải là tẩy chay nó”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama khi tham gia chương trình truyền hình The Tonight Show with Jay Leno của kênh NBC cũng phản đối việc tẩy chay Thế vận hội: “Tôi cảm thấy vô cùng phẫn nộ về đạo luật chống đồng tính vừa được ban hành tại Nga. Nhưng tôi cũng nghĩ rằng tẩy chay Thế vận hội là không phù hợp. Nếu Nga loại bỏ những vận động viên đồng tính của mình, đội của họ sẽ yếu đi”.

Các quan chức trong làng thể thao cũng lên tiếng, bày tỏ sự quan ngại về vấn đề này và cố gắng định hướng dư luận để làm dịu tình hình. Chủ tịch Liên đoàn điền kinh thế giới Lamine Diack kêu gọi mọi người cần phải tôn trọng luật pháp của nước Nga cũng như tinh thần của Olympic. Bộ trưởng Bộ Thể thao Nga Vitaly Mutko khuyên giới truyền thông hãy điềm tĩnh. Ông khẳng định, luật mới của nước Nga vẫn bảo vệ quyền riêng tư của mỗi người và khẳng định chỉ nghiêm cấm việc tuyên truyền, quảng bá để khỏi ảnh hưởng tới thế hệ trẻ.

“Những người yêu thể thao và các VĐV hãy thư giãn đi. Tất cả quyền lợi của các vị sẽ được đảm bảo. Olympic Sochi là một sự kiện thể thao và chúng ta chỉ nói về điều đó” – ông Vitaly Mutko kết thúc bài phát biểu của mình.

“Đừng làm sống lại bóng ma quá khứ”

Quan điểm đó của Vitaly Mutko được đa số các VĐV đồng tính cũng như không đồng tính ủng hộ. Họ đã mất thời gian dài tập luyện, đổ mồ hôi công sức để chờ đợi ngày tranh đấu. Thế nên, việc bài trừ Thế vận hội chẳng khác nào quay lưng lại với nỗ lực của chính các VĐV.

“Tôi hoàn toàn phản đối việc tẩy chay” – VĐV trượt ván Blake Skjellerup người New Zealand bày tỏ quan điểm với CNN. “Thế vận hội rất quan trọng với tôi và tôi biết rất nhiều người như tôi cũng đã cố gắng rất nhiều cho sự kiện này”.

Còn với nhà cựu vô địch Olympic môn lặn Greg Louganis thì việc tẩy chay Thế vận hội chẳng khác nào làm đau VĐV. Louganis từng phải bỏ lỡ Thế Vận hội Mátxcơva năm 1980 cũng vì làn sóng tẩy chay này và chịu ảnh hưởng bởi việc phía Liên Xô cũ trả đũa, không tham gia Thế vận hội Los Angeles 1984, nên không hề muốn sự ám ảnh đó lặp lại với các hậu bối.

Cẩm Oanh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm