Kỷ niệm 63 năm ngày Thể thao Việt Nam 27/3: TTVN có vươn lên tầm châu Á?

27/03/2009 12:30 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH) - Kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Liên hiệp Lâm thời ký sắc lệnh số 38 ngày 27/3/1946 khai sinh ngành thể dục thể thao đến nay đã 63 năm. 63 năm qua trình độ phát triển của thể thao Việt Nam đến đâu và dự báo tương lai như thế nào?

Một quá khứ đáng tự hào và khả năng con người Việt Nam

Những năm tháng trước khi đất nước thống nhất (1975), ở khu vực Đông Nam Á, thể thao châu Á và đấu trường Olympic người Việt Nam ta đều tham gia tranh đấu và thể hiện khả năng không thua kém xứ người: Việt Nam trước đây là một trong sáu thành viên sáng lập nên Liên đoàn thể thao bán đảo Đông Nam Á và đã liên tục tham gia các Đại hội thể thao bán đảo ĐNÁ (ASEAN Games) từ lần thứ 1 (1959) đến lần thứ 7 (1973) và đã giành tổng cộng 36 HCV, 44 HCB, 58 HCĐ ở các môn thể thao: bóng bàn, quần vợt, bơi, xe đạp, Judo, bóng chuyền nam, bắn súng, đặc biệt VN giành HCV môn bóng đá (nam) sau khi thắng trước chủ nhà Thái Lan trong trận chung kết.
Trên đấu trường Á vận hội (ASIAD) VN tham gia tranh tài nhiều lần nhiều lần từ ASIAD lần thứ 1(1954) đến thứ 7 (Teheran 1974) và đã đạt được những kết quả xuất sắc: 2 HCV bóng bàn: đôi nam và đồng đội nam (Tokyo – 1958), HCB quần vợt (đôi nam), HCĐ xe đạp đường trường 200km (1966 – Bangkok)… Tên tuổi những danh thủ Mai Văn Hòa, Lê Văn Tiếp, Lê Văn Inh (bóng bàn), Võ Văn Bảy – Võ Văn Thành (tennis) Trương Kim Hùng (xe đạp) Trương Kế Nhân, Đỗ Như Minh (bơi)…. còn lưu lại mãi trong lịch sử TTVN. Người Việt Nam cũng đã có mặt trên đấu trường Olympic từ Olympic Games (1952) ở Helsinki rồi Melbourne (1956), Tokyo (1964), Mexico (1968)…. ở các môn điền kinh quyền Anh, xe đạp, đấu kiếm….

Sau hai mươi năm của thời kỳ đổi mới, cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế đất nước, TTVN đã có những bước tiến bộ đáng tự hào. Ở khu vực Đông Nam Á, từ SEA Games 15 (1989) xếp hạng thứ 7/9 nước đã vươn lên vị trí thứ 1/11 nước ( SEA Games 22) và cho đến nay luôn xếp hạng là 1 trong 3 vị trí đầu. Trở lại đấu trường ASIAD từ năm 1982 (New Dehli – Ấn Độ) với HCĐ (bắn súng) đến nay VN đã giành được HCV ở các môn taekwondo, karatedo, thể dục thể hình và billiard & snooker xếp hạng khoảng 15 - 18/45 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thành tích xuất sắc trên đấu trường Olympic là hai HCB ở môn taekwondo (Trần Hiếu Ngân – Sydney 2000) và cử tạ (Hoàng Anh Tuấn – Bắc Kinh 2008). Kết quả này đưa TTVN vào danh sách hơn 70 quốc gia (trên 204) có huy chương Olympic. Hiện nay TTVN có gần 3000 VĐV cấp cao ( kiện tướng và cấp I) trong đó có khoảng 100 VĐV có khả năng giành huy chương châu lục và thế giới.
 
Sau năm 2008 đầy thành công, TTVN sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức trong năm 2009.
 
Thống kê cụ thể cho thấy TTVN tranh chấp vị trí hàng đầu Đông Nam Á ở các môn điền kinh, thể dục dụng cụ, bắn súng, taekwondo, karatedo, bóng đá, vật, judo (là các môn thể thao Olympic) và pencaksilat, thể dục thể hình, wushu, cầu mây. Trên đấu trường châu lục, TTVN có khả năng tranh chấp HCV ở một số nội dung (cự ly, hạng cân) ở các môn thể thao, điền kinh, TDDC (nam) taekwondo, cử tạ, xe đạp, judo, vật (nữ), karatedo và một vài môn ngoài Olympic như thể hình, wushu, billiard. Ở cấp độ thế giới và Olympic mới chỉ có cờ vua (vô địch thế giới), cử tạ (nam) và taekwondo. Những môn thể thao khác đã giành HCV thế giới nhưng không có trong chương trình Olympic như wushu, silat, đá cầu, thể hình…. Nguyên nhân chủ yếu mà TTVN giành được những thành tựu trên là do sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, sự nỗ lực đáng khâm phục của lực lượng VĐV, HLV, về mặt quản lý nhà nước đó là việc xác định mục tiêu và kế hoạch phát triển thể thao thành tích cao đúng đắn trong giai đoạn 1994 – 2005 thông qua chương trình mục tiêu (1984) và chương trình quốc gia về thể thao (từ năm 1997 đến nay).

Khó khăn và thách thức trong tương lai gần

- Trình độ phát triển cả TT thế giới và châu Á rất cao. Các quốc gia đều gia tăng đầu tư cho thể thao với mục đích giành HC châu lục và Olympic. Vì vậy cuộc đua tranh này càng khó khăn, quyết liệt qua nhiều cuộc thi đấu, nhiều loại hình, nhiều môn thi. Kinh doanh thương mại hóa trao đổi mua bán chuyển nhượng nhân tài thể thao, bạo lực và gian lận (doping) phát triển… Đó là những thách thức cho TTVN.

- Về chủ quan, từ năm 2006 TTVN chưa có quy hoạch và chiến lược mới đảm bảo cho sự phát triển trước mắt và lâu dài. Chậm khắc phục về mặt nhận thức và tổ chức chỉ đạo thực hiện. Những sai lầm cố hữu trong giai đoạn trước đã được chỉ rõ: đầu tư không tập trung trọng tâm, trọng điểm ( môn thể thao, nội dung thi đấu, VĐV tài năng…) vẫn cách làm chủ quan, dàn trải, ôm đồm (tham gia 11 Đại hội TT các cấp khu vực, châu lục và thế giới trong một năm 2009; tổ chức thi đấu và phát triển 40 - 50 môn thể thao trong đó có khoảng 10 môn xa lạ ở Việt Nam).
 
Đây là sai lầm lớn nhất của những nhà quản lý từ 2007 đến nay. Họ sẽ phải chi những khoản kinh phí rất lớn nhưng lại không có tác dụng cho việc nâng cao thành tích thể thao VN ở đấu trường chính - đấu trường ASIAD và Olympic; sẽ không còn kinh phí để tập trung cho việc ứng dụng khoa học kỹ thuật cho việc chăm sóc VĐV, đặc biệt là các VĐV tài năng. Năm 2009 trong điều kiện khủng hoảng tài chính và tổ chức bộ máy chưa ổn định TTVN vừa phải lo tổ chức Asian Indoor Games, vừa phải lo SEA Games cho nên khó có thể đảm bảo vị trí thứ 3 ở SEA Games, chưa nói gì đến chuẩn bị cho ASIAD 16 (Quảng Châu, Trung Quốc) vào tháng 10 sang năm và xa hơn là Olympic London 2012.

Nguyễn Hồng Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm