Khai mạc Asian Indoor Games 3: Lịch sử sẽ dừng lại ở Việt Nam

30/10/2009 19:57 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH cuối tuần) - Sau Việt Nam sẽ không còn kỳ Asian Indoor Games - Đại hội thể thao trong nhà châu Á (AIG) nào được tổ chức nữa. Nhưng sau lễ khai mạc tối nay ở Mỹ Đình, sẽ có 1 tuần lễ tranh tài quy mô. TT&VH cuối tuần giới thiệu bài viết của chuyên gia Nguyễn Hồng Minh về lịch sử của AIG và sự chuẩn bị đăng cai của Việt Nam.

AIG - Sự ra đời tất yếu của một châu Á phát triển

Ở một khu vực phát triển mạnh mẽ về kinh tế và thể thao ở góc độ nào đó, bên cạnh tính thể thao thuần túy, nó còn là một ngành kinh doanh. Trong tầm nhìn của Hội đồng Olympic Châu Á ( Olympic Council of Asia - OCA) việc tổ chức 2 Đại hội thể thao châu Á mùa Hè ( ASIAD) và mùa Đông đều đặn 4 năm một lần là không đủ đáp ứng các yêu cầu cũng như lãng phí các cơ hội.

Chính bởi thế, năm 2002, tại phiên họp của Hội đồng nhân dịp tổ chức ASIAD 14 ở Pusan, Hàn Quốc, OCA đã quyết định tổ chức AIG với chu trình 2 năm/lần. AIG là Đại hội dành cho các môn thi đấu thể thao không có trong chương trình thi đấu của Olympic và ASIAD. Mục đích của OCA là mong muốn các môn thể thao này phát triển và đồng thời là phương tiện để thúc đẩy truyền hình thể thao (con gà đẻ trứng vàng) phát triển. Ý tưởng của OCA được nhiều quốc gia châu Á ủng hộ.

Thái Lan đăng cai tổ chức AIG lần thứ 1 (từ 12-19/11/2005) tại các địa điểm Bangkok, Suphanburi, Phuket và Pattaya. Chương trình thi đấu có 9 môn: Bơi bể ngắn 25m, điền kinh trong nhà, futsal, cầu mây, võ Muay, dance sport, thể thao mạo hiểm, xe đạp trong nhà và thể dục nhịp điệu.

AIG lần thứ 2 được tổ chức ở Macao từ ngày 26/10 đến 3/11/2007. Năm 2005. Macao đăng cai tổ chức Đại hội thể thao Đông Á nên chính quyền Macao muốn tận dụng có hiệu quả hệ thống trang thiết bị thể thao sẵn có đã được sử dụng, đồng thời để quảng bá du lịch cho vùng lãnh thổ mới trở về với đại lục. Chương trình thi đấu ở Macao có 15 môn( 9 môn ở AIG I và thêm bi-a, thể thao điện tử, bowling, múa lân - rồng, hockey trong nhà, cờ và biểu diễn 2 môn kurask và kick - boxing).

Việt Nam đăng cai tổ chức AIG III

Tại AIG I, Việt Nam tham dự chỉ khoảng 30 vận động viên nhưng không phải đỉnh cao nhất tham dự 5 môn: Bơi, điền kinh, dance sport, thể dục nhịp điệu và cầu mây. Việt Nam đã giành được 1 HCB ( cầu mây), 1 HCĐ ( bơi). TTVN lúc đó phải tập trung quân chủ lực cho việc thi đấu tại SEA Games 23 tại Philippines. Ngày khai mạc SEA Games 23 năm ấy diễn ra sau AIG chỉ đúng 10 ngày. Tại AIG 2007 Macao, tình hình cũng tương tự: SEA Games 24 tại Thái Lan diễn ra sau Indoor Games 1 tháng( đầu tháng 11 và đầu tháng 12/2007). Đó là những trở ngại cho TTVN và các quốc gia Đông Nam Á khác. Chính vì vậy, các nước chỉ cử ít VĐV tham dự Indoor Games. Ở AIG 2, TTVN cử 124 VĐV tham gia và giành được 2 HCV (cờ), 1 HCĐ (điền kinh).


Lần đầu tiên đăng cai AIG nhưng cũng là lần cuối cùng Đại hội này được tổ chức. Ảnh: Phương Nghi

Từ năm 2004, Ủy ban Olympic Việt Nam đã xin phép Chính phủ xin đăng cai AIG 2009 và Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) năm 2014. Tuy nhiên, xét thấy chưa đủ sức tổ chức ASIAD, chính phủ chỉ cho phép tổ chức AIG 3 vào năm 2009. Một đề án tổ chức được gấp rút xây dựng để trình Chính phủ và OCA. Những điểm mấu chốt của đề án này là:

Tổ chức AIG 3 ở VN vào tháng 11/2009. Địa điểm tổ chức chính là Hà Nội (11 môn), TP.HCM (8 môn), Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh ( mỗi nơi 1 môn)

Về chương trình thi đấu, TTVN phải giữ lại ít nhất 50% số môn đã tổ chức qua 2 kỳ Đại hội trước và tùy theo khả năng có thể đưa thêm những môn “thế mạnh” của mình, có thể nâng lên đến 20 môn thi. Sau nhiều lần đàm phán với OCA, chúng ta đã đưa được môn đá cầu, bi sắt, bắn cung, vovinam, wushu ( tán thủ + đối luyện) - là những môn có thế mạnh vào chương trình thi. Tuy nhiên, TTVN cũng phải chấp nhận tổ chức những môn thi là thế mạnh và phổ biến ở Trung Á, Nam Á và Arập ( ví dụ: Kabaddi, vật kurash, kick - boxing, jujitsu và beltwrestling... Có cả thảy đến 8 - 10 môn chưa hề có tập luyện và thi đấu ở Việt Nam. Mặc dầu vậy, Việt Nam vẫn phải tổ chức vì đây là “Đại hội của chấu Á”.

Một kế hoạch nâng cấp các cơ sở thi đấu (sân bãi, nhà tập, nhà thi đấu) ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh... được thực thi với chi phí nhiều tỷ đồng. Đặc biệt phải xây dựng mới một nhà thi đấu điền kinh với chi phí khoảng 500 tỷ đồng.

Một lễ khai mạc hoành tráng trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình với sự tham gia của 5.000 VĐV và diễn viên với kinh phí dự tính lên tới 41 tỷ đồng.

Sẽ có khoảng 4.000 VĐV, HLV của trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á tham dự. Hàng trăm quan chức của OCA, các liên đoàn thể thao quốc tế, trọng tài, phóng viên báo chí có mặt và 7.000 tình nguyện viên phục vụ Đại hội đã được đào tạo...

Tháng 3/2006, hợp đồng đăng cai AIG III tổ chức ở Việt Nam đã được ký kết. TTVN đã bắt tay tích cực chuẩn bị và giờ đây, mặc dù còn nhiều khó khăn và bất cập, tất cả đã sẵn sàng cho ngày khai mạc, một ngày hội của thể thao châu Á.

Sau Việt Nam sẽ không còn AIG!

AIG là sân chơi của các môn thể thao không nằm trong chương trình Olympic và ASIAD lại phải thu hút các môn thể thao của các dân tộc trên lục địa châu Á (trong đó có cả các trò chơi dân gian: Vật Kurash, múa lân - rồng, beltwresling...) nên Đại hội mang tính chất quần chúng rộng rãi, quảng bá văn hóa và thúc đầy giáo dục thể chất.

Thành tích thi đấu không phải là tiêu chí quan trọng (như Olympic và ASIAD) nên các quốc gia ít quan tâm cử các VĐV xuất sắc đến tham dự. Nhiều môn thể thao không phát triển rộng rãi ở châu lục nên lực lượng VĐV tham gia không đông.

Năm 2009, thể thao châu Á tổ chức quá nhiều sự kiện: Thể thao bãi biển, Đại hội võ thuật châu Á, Thể thao trẻ châu Á, AIG 2 năm 1 lần... do vậy sẽ không thuận lợi cho việc các quốc gia phải lựa chọn tham gia quá nhiều sự kiện trong thời điểm hiện tại.

Có lẽ vì vậy mà OCA đã đi đến quyết định AIG 3 là đại hội tổ chức lần cuối cùng và trong tương lai nó được tính toán để kết hợp với Đại hội võ thuật châu Á với chu trình tổ chức 4 năm/lần.

NGUYỄN HỒNG MINH

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm