Kết thúc AIG 3 - 2009: Đôi điều đọng lại

09/11/2009 10:56 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH) - AIG 3 là kỳ Đại hội Thể thao tầm cỡ châu lục mà thể thao Việt Nam giành được thứ hạng cao nhất từ trước tới nay (á quân chung cuộc). Không những thế, AIG 3 còn chứng kiến bước tiến vượt bậc của thể thao Việt Nam ở một số môn Olympic như điền kinh, bơi lội hay boxing nữ. Tuy vậy, nếu dựa vào thành tích ở AIG 3 để nói rằng từ nay chúng ta đã gia nhập hàng ngũ các đại gia thể thao của châu lục thì e là chưa hoàn toàn chính xác. Bài viết dưới đây của ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT và nguyên Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam, sẽ góp phần lý giải cho điều này.

1. Việt Nam đã tổ chức thành công một Đại hội Thể thao mang tầm cỡ châu lục: Asian Indoor Games 3 - 2009. Trước hết cần khẳng định điều này. Khi nhận định sự thành công và mức độ của sự thành công ấy cần căn cứ vào mục đích và mục tiêu của Đại hội. Cho đến nay ai cũng hiểu được rằng AIG là Đại hội Thể thao dành cho các môn thể thao không có trong chương trình thi đấu của Olympic và Asian Games (là những cuộc thi thể thao chính thức và quan trọng nhất của thế giới và châu lục). Mục đích của Hội đồng Olympic châu Á (OCA) là mong muốn tất cả các môn thể thao này được phát triển và là phương tiện để thúc đẩy truyền hình thể thao. Về phía Việt Nam, trong quá trình hội nhập và đổi mới, chúng ta cần quảng bá một hình ảnh Việt Nam hòa bình, thân thiện và hữu nghị, chúng ta cần làm cho châu Á hiểu rõ đất nước và con người, văn hóa và thể thao Việt Nam. Chính vì vậy, Việt Nam đã chọn “Vì một châu Á phát triển” là khẩu hiệu của Đại hội này. Đây cũng chính là mục đích của Đại hội. Như vậy, xét về mục đích lớn Đại hội đã đạt được sự thành công.

Về mục tiêu, BTC Đại hội và Đoàn TTVN phải hoàn thành đồng thời hai mục tiêu: Tổ chức tốt các cuộc thi đấu và giành vị trí thứ 8 trong bảng tổng sắp huy chương với 15-20 HCV. Cả hai mục tiêu này đều đã hoàn thành, thậm chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giành thành tích cao trong thi đấu với 42 HCV, đứng vị trí thứ 2 (chỉ sau Trung Quốc - 48 HCV). Việc tổ chức thi đấu 21 môn thể thao tại 27 địa điểm ở Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh và Quảng Ninh mặc dù còn nhiều bất cập nhưng đều đã hoàn thành.

Sự thành công của Đại hội còn được thể hiện trong lễ khai mạc hoành tráng mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam, ngày hội của tình hữu nghị đoàn kết giữa các quốc gia châu Á; các mặt công tác khác phục vụ Đại hội như công nghệ thông tin, truyền hình, báo chí đã góp phần tích cực cho thành công của Đại hội.

Như vậy thành công của Đại hội đã vượt ra khỏi ý nghĩa của thể thao đơn thuần. Đại hội là một sự kiện lớn của Việt Nam góp phần vì một ngôi nhà chung châu Á phát triển.


Từ biệt AIG 3, thể thao VN hướng đến ASIAD 2010 với sự tự tin

2. Người ta thường nói “hai mặt của một vấn đề”. Một Đại hội AIG cũng vậy. Một mặt là thành công, còn mặt tồn tại, yếu kém cần nhận ra thì sao đây? Giờ đây trong ánh hào quang, có thể nhiều nhà tổ chức chưa nhận ra hoặc chưa chịu nhận ra những “mặt trái của vấn đề”.

Hầu hết các địa điểm thi đấu vắng bóng người xem, trừ Dance Sport, Đá cầu, Pencak Silat. Một số BTC địa phương đã “nhanh nhạy” huy động lực lượng học sinh, quân đội, thanh niên đến cổ vũ VĐV thi đấu. Điều này khác xa với không khí của SEA Games 2003 tại Việt Nam, khi tất cả các đấu trường đều kín người xem. Nhiều người dân không biết AIG là gì? Một tuần trước khai mạc trên đường phố Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM vắng bóng bandrole, pano (ngoại trừ địa điểm 51-53 Ngô Quyền, 36 Trần Phú và ở một vài địa điểm thi đấu). Phải chăng đây là sự chậm trễ, thiếu trách nhiệm hay thiếu tiền chi phí cho công tác tuyên truyền quảng bá?

Trong công tác tổ chức điều hành, khả năng phối hợp không thiếu những việc “cười ra nước mắt” như vị Chủ tịch LĐ Thể thao châu Á không có xe và tình nguyện viên phục vụ. Một phiên họp kỹ thuật chuẩn bị cho thi đấu chưa được chuẩn bị địa điểm và phương tiện; một số quan chức của OCA và NOC không được vào khu VIP xem thi đấu mặc dù trên thẻ quy định họ được vào khu vực này. VĐV đi thi đấu về thì nhà ăn đóng cửa. VĐV đi thi đấu xa không được phục vụ ăn uống. VĐV đúng lúc được làm lễ nhận huy chương thì phải đi kiểm tra doping; lễ trao huy chương và thượng cờ mỗi nơi làm một khác, thậm chí nơi tổ chức thi Aerobic thì treo quảng cáo luôn Dance Sport và Bắn cung!!!


Vận động tài trợ chậm chạp và không thể đạt yêu cầu như dự kiến, tổ chức một số cuộc thi Tiền AIG qua loa và chiếu lệ, phê duyệt kinh phí cho các cuộc thi đến sát ngày thi mới tiến hành… Lễ khai mạc hoành tráng, mang đậm văn hóa Việt Nam nhưng dư luận băn khoăn và giới thể thao bức xúc: Đây là khai mạc lễ hội văn hóa di sản phi vật thể hay là khai mạc Đại hội Thể thao châu lục? Cũng có tiết mục biểu diễn Vovinam, thể hình nhưng không để lại dấu ấn thể thao nào?

3. Trong một Đại hội Thể thao thì các cuộc thi đấu và thành tích của VĐV là quan trọng nhất. Mỗi một Đại hội đều có ý nghĩa, mục tiêu và giá trị đặc thù của nó. Kết quả thi đấu của đoàn thể thao Việt Nam với 42 HCV, 30 HCB và 22 HCĐ cùng vị trí thứ hai trên bảng tổng sắp sau Trung Quốc thật đáng trân trọng và khâm phục: Vovinam (8 HCV), Pencak Silat (6 HCV), Đá cầu (5HCV), Lặn (4 HCV)… thật phi thường! 24 HCV cho các môn võ thuật thật đáng khâm phục: Dance Sport (2 HCV), Aerobic, Cờ chớp, E-sport, Lân Sư Rồng (1HCV)… tất cả đều rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, Điền kinh với kỷ lục chạy 60m của Vũ Thị Hương, Bơi với 100m ếch của Nguyễn Hữu Việt, HCV Boxing nữ của Ngô Thị Phương mới đáng mặt anh tài, đó là thể thao Olympic. Giá trị lớn nhất, đáng trân trọng nhất là tinh thần chiến đấu vì “lá cờ của Tổ quốc Việt Nam” của tất cả các VĐV, HLV Đoàn Thể thao Việt Nam trong AIG 3.


Ngô Thị Phương (phải) giành HCV đầu tiên cho quyền anh nữ ở cấp độ châu lục

4. Như chúng ta đã biết AIG là sân chơi mang tính chất quần chúng, quảng bá và thúc đẩy phong trào văn hoá thể thao, và như TTK UB Olympic Việt Nam khẳng định: “Sân chơi này là của nhân dân, quần chúng, của Ủy ban Olympic. Đã theo phong trào Olympic thì phải theo tất cả những phong trào đó” (Thể thao & Văn hoá thứ 7 ngày 7/11/2009). Vì vậy cần quan niệm thành tích cao đạt được trong Đại hội này không phải là “vật đảm bảo” cho thành tích cao tại Asian Games (ASIAD) và Olympic. Tại AIG 3, Việt Nam xếp thứ hai sau Trung Quốc và xếp trên các cường quốc thể thao châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Kazakhstan, Iran… nhưng ở Asian Games thể thao Việt Nam chưa bao giò tiếp cận họ. Họ có thể có 70 HCV (Hàn Quốc), 67 HCV (Nhật Bản), 27 HCV (Kazakhstan) hoặc 14 HCV (Thái Lan)… trong khi chúng ta mới chỉ có 3-4 HCV thôi.

Điều quan trọng hơn là tư duy và định hướng của những người có trách nhiệm xây dựng chiến lược cho thể thao Việt Nam. Thắng lợi ở AIG đã làm một số người có trách nhiệm lầm tưởng rằng thể thao Việt Nam đã ở tầm cao châu lục. Sai lầm lâu nay là cách làm dàn trải, cào bằng, không phát triển trọng tâm, trọng điểm. Nay lại có cơ hội cho rằng cách làm đó, tư duy đó là đúng. Cách đây vài năm thể thao Việt Nam đã xác định lấy Asian Games làm đấu trường chính, rồi thì có chiến lược gia lại kêu gọi: “Phải dàn quân tiến vào Olympic”…

Sau Olympic Bắc Kinh 2008 xem ra ta đã lại bỏ qua 2 đấu trường chính này rồi (Asian Games và Olympic). Bây giờ thì Đại hội nào, đấu trường nào cũng tham gia hết. May thay AIG không còn tiếp tục nữa. OCA đã quyết định rồi và trong lễ bế mạc AIG 3 hôm qua Đoàn Thể thao Việt Nam đã trao lại cờ và đuốc cho OCA.

Sau AIG 3, phải chăng đã đến lúc thể thao Việt Nam cần xây dựng đúng đắn chiến lược phát triển thể thao thành tích cao Việt Nam để chuẩn bị cho việc đăng cai Asian Games 18 năm 2019. Và trước mắt là phải chuẩn bị cho việc tham gia Asian Games 2010 tại Quảng Châu – Trung Quốc.

Nguyễn Hồng Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm