Kei Nishikori: Trên con đường của riêng mình

15/11/2014 07:02 GMT+7 | Tennis

(Thethaovanhoa.vn) - Các tay vợt trẻ ở giải Shenzhen Open cho rằng Kei Nishikori không phải mẫu tay vợt châu Á điển hình mà giống người Mỹ hơn. Nhưng điều đó chẳng thay đổi được thực tế rằng anh đang là niềm tự hào của châu lục đông dân nhất thế giới này.

Đánh bại tay vợt thay thế Milos Raonic xin rút lui vì chấn thương, David Ferrer, Kei Nishikori đã trở thành tay vợt nam châu Á đầu tiên vào bán kết ATP World Tour Finals.

Giấc mơ có thật

Điều cần nhấn mạnh là đây cũng mới chỉ là lần đầu tiên mà Nishikori tham dự giải đấu. Sau 3 set đấu với các tỷ số 4-6, 6-4, 6-1, Nishikori đã ghi tên mình vào lịch sử quần vợt. Chứng kiến sự thành công mỗi lúc một lớn của anh, người ta bắt đầu bàn tới chuyện gốc gác và tính cách thi đấu của Nishikori.

Được tài trợ bởi cựu giám đốc Sony Masaaki Morita, tay vợt 24 tuổi này chuyển tới học viện quần vợt ở Mỹ khi mới 13 tuổi. Lúc ấy, anh còn không thể nói được một từ tiếng Anh nào. Tất nhiên, việc đó đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời Nishikori bởi nếu chỉ học và tập luyện ở Nhật, chưa chắc anh đã có thể đạt được những thành tích như ngày hôm nay. Thực ra thì những người như Nishikori không phải ít trong giới quần vợt. Ở phía nữ, chúng ta thấy một ví dụ điển hình khác là Maria Sharapova, cô thậm chí chuyển tới Mỹ khi mới 7 tuổi trong hoàn cảnh không có mẹ.

Tuy nhiên, Mỹ lại không phải một mảnh đất được săn đón bởi các tay vợt châu Á. Hãy nhớ rằng, nhà vô địch Grand Slam vừa giải nghệ Li Na chưa từng học quần vợt ngoài khuôn khổ Trung Quốc. Cô sinh ra, lớn lên, được giáo dục một cách hà khắc ở hệ thống đào tạo trẻ của đất nước này nhưng tất cả những thành tích, vinh quang mà Li Na làm được đều có thể sánh ngang với những tay vợt tên tuổi khác ở châu Âu, châu Mỹ.

Thần tượng tại Nhật

Bởi thế, có lẽ khác với các tay vợt châu Á khác, Nishikori đang đi còn đường riêng biệt. Ở tuổi 24, anh đã thực sự là một ngôi sao lớn tại Nhật dù không thực sự gắn bó với nơi này nữa. Năm ngoái, chỉ có 3 nhiếp ảnh gia Nhật là được cấp phép miễn phí vào ATP World Tour Finals. Còn năm nay, chỉ riêng tuần này, sự hiện diện của các cơ quan truyền thông đất nước này tại London đã lên đến con số 40.  Và tất cả họ đều chỉ dành sự quan tâm đặc biệt cho Nishikori. Ở đây cần phải nói thêm rằng khác với Li Na, Nishikori chưa từng giành danh hiệu lớn nào và cũng mới chỉ vào chung kết Grand Slam duy nhất một lần. Nhưng bây giờ thì anh trở nên nổi tiếng đến độ cứ bước xuống phố ở Nhật là sẽ luôn phải bận bịu ký tặng và chụp ảnh chung với người hâm mộ. “Sống ở Mỹ, tôi không được đọc nhiều tin tức và cũng không nhiều người nhận ra tôi. Nhưng ở Nhật, ai cũng biết đến tôi và người ta nhắc đến tôi ở mọi nơi. Đó là cảm giác hoàn toàn khác. Tuy nhiên, tôi luôn muốn tận hưởng những cảm giác ấy vì tôi không thường xuyên có cơ hội về thăm Nhật Bản”, Nishikori chia sẻ.

Với thu nhập hàng năm được Forbes ước tính là khoảng 11 triệu đô la, có lẽ chỉ số Nikkei Index nên cân nhắc đưa tên Nishikori trở thành một giao dịch chứng khoán trên thị trường. Thực ra người ta chỉ mới liên tục nhắc tới tên anh trong năm nay chứ không nhiều người còn nhớ hồi năm 2008, tay vợt 24 tuổi này còn từng là tay vợt trẻ nhất kể từ 1 thập kỷ trước đó sau Lleyton Hewitt giành được một danh hiệu ATP tại Delray Beach, Florida. Đó là chức vô địch đầu tiên của Nishikori và khi đó anh mới 18 tuổi. Bây giờ Nishikori mới chỉ đang là tay vợt số 5 thế giới. Không hiểu tới khi anh làm được như Li Na, hay xa hơn là vươn lên ngôi số 1 thế giới thì sự yêu mến và quan tâm của người châu Á dành cho anh sẽ lớn như thế nào nữa.

Yến Nhi
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm