Kei Nishikori - Sự vĩ đại chưa trọn vẹn

12/09/2014 09:00 GMT+7 | Tennis

(Thethaovanhoa.vn)- Người ta ước tính rằng cần khoảng 400 ngàn USD để tạo nên một tay vợt hàng đầu. Nhưng để được như Kei Nishikori,  và xa hơn, để đứng trên đỉnh thế giới, cần nhiều hơn thế.

Tennis là một cỗ máy tiêu tiền trước khi có thể in được tiền (và tỉ lệ in được là rất ít). ITF, Liên đoàn quần vợt thế giới ước tính rằng cần khoảng 35 ngàn USD để trang trải cho một tay vợt trẻ 17 tuổi tập luyện và thi đấu trong khoảng 20 tuần. 17 tuổi, Sharapova hay Boris Becker đã vô địch Grand Slam, nhận những món tiền thưởng kếch xù. Nhưng với tennis ngày nay, 17 tuổi vẫn chỉ là trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng để lên chuyên nghiệp trước khi tương đối chín ở tuổi ngoài hai mươi.

Cũng gần tương tự, Patrick McEnroe, một cựu tay vợt chuyên nghiệp, người vừa chỉ mới kết thúc công việc phát triển tài năng cho Liên đoàn quần vợt Mỹ (USTA) ước tính cần khoảng 150 ngàn USD mới có thể đáp ứng được các yêu cầu cần thiết trong giai đoạn chuẩn bị của một tay vợt trẻ trước khi bước qua tuổi 18. Giai đoạn chuẩn bị này thường kéo dài bốn năm.


Liên đoàn quần vợt Anh, những người không bao giờ tiếc tiền đầu tư, nhưng nhiều năm qua thất bại, tổng kết cần khoảng 400 ngàn USD đầu tư trong khoảng 13 năm, tính từ khi một đứa bé lên năm. 

Nhưng còn có thể hơn những con số nói trên. Ở Nick Bollettieri IMG Academy, học viện nổi tiếng bậc nhất nước Mỹ, học phí quảng cáo mỗi năm cho một người theo học trung học và tập luyện tennis ở đây là 68.000 USD, nhiều hơn gấp đôi so với học phí trung bình ở các trường trung học khác ở Mỹ.

Nếu muốn được Nick Bollettieri, sáng lập viên của học viện năm 1978, người năm nay đã 83 tuổi nhưng vẫn chơi trò “Dội nước đá lên đầu” hay nhảy dù thả lơ lửng trên không trung huấn luyện giá mỗi giờ không dưới 800 USD.

Nhưng tiền không phải tất cả

Ông thày giá gần ngàn đô mỗi giờ ấy thường tận mắt đánh giá những tài năng trẻ. Khi ông chấm ai, tiền lúc đó không còn là vấn đề lớn. Ông đã từng mở toang cánh cổng để đón Maria Sharapova cách nay gần hai mươi năm dù cho cô bé người Nga cùng với bố đến với nước Mỹ với hai bàn tay trắng.

Nishikori không được nhận diện như một thiên tài. Cậu bé 14 tuổi người Nhật Bản khi đến với IMG năm 2004 nhờ đài thọ của Quỹ Masaaki Morita, một trong những thành viên của gia đình Morita lừng danh sáng lập ra hãng Sony.

Nhưng, thường thì tài chính của Quỹ Morita chỉ đài thọ trong một năm, trừ phi các tài năng trẻ tiếp tục tiến bộ. Nishikori trở thành gà nòi của học viện IMG với sự tiến bộ không ngừng. Và anh giành được những thứ mà đôi khi có tiền cũng không thể có được.


Nishikori trong giờ luyện tập

Anh được thọ giáo Nick Bollettieri hàng ngày, là cả giờ đồng hồ chứ không chỉ trong vài phút trao đổi theo cái cách mà các học viên đều được vị HLV lừng danh ấy chỉ cho vài câu sau khi ông đứng ngắm họ quật vài đường bóng.

Dante Bottini, một trong những HLV xuất sắc nhất ở học viện, nằm trong nhóm Elite Group (Nhóm Tinh hoa) được chọn để dẫn dắt Nishikori. Hạn chế lớn nhất là cú giao bóng của Nishikori được khắc phục. Ưu điểm đặc biệt là một đôi tay rất khéo và đôi chân cực nhanh của Nishikori được phát huy. Nick Bollettieri gọi anh là “máy bắn bóng” khi ông chứng kiến Nishikori có khả năng thực hiện những cú ôm sân đánh cả thuận tay lẫn trái tay uy lực và chính xác.

Khi tennis không ưu đãi người châu Á

Là người từng đào tạo hoặc huấn luyện mười tay vợt khác nhau từng đứng số 1 thế giới cả nam và nữ, Nick Bollettieri hiểu rõ các tay vợt nam châu Á hạn chế ở đâu, và cũng nhờ thế, ông càng thấy Nishikori đặc biệt. 

Nishikori như sinh ra để chơi tennis tấn công, luôn đứng ôm sân dù anh tới nay chỉ cao 1m78 (và có lẽ sẽ không cao thêm nữa).  Chiều cao ấy của Nishikori kém 10cm so với mức được cho là chuẩn mực nếu nhìn vào hình thể của Nadal, Federer và Djokovic (những người cao 1m86-1m88). Chiều cao ấy chỉ nhỉnh hơn chừng 4cm so với tầm thước tối thiểu để một người có thể giao bóng bạt không cần bật nhảy. Chiều cao ấy càng trở nên gặp khó khi xu hướng của tennis hiện đại là bóng xoáy nảy cao và phòng ngự lên ngôi. Để đè bóng tấn công, Nishikori cần có khả năng phán đoán đặc biệt, đôi chân rất nhanh và sự tự tin ở các cú quả của mình.


Ở US Open, Nishikori đã đánh bại Raonic, vượt qua Wawrinka, quật ngã Djokovic nhờ sự rèn luyện để vượt qua những trở ngại ấy. Anh giao bóng không thua kém Raonic. Anh bung trái tốt hơn cả Wawrinka. Và Nishikori ôm sân đè bóng hiệu quả hơn cả Djokovic.

Nhưng ở trận chung kết, Nishikori không vượt qua được trở ngại khác của một tay vợt châu Á, tố chất thể lực hạn chế hơn nên Nishikori dường như đã không thể hồi phục hoàn toàn sau ba trận trước đó phải gắng sức tối đa, gồm hai trận năm set và một trận bốn set. Nishikori gần như chịu trận trước một Marin Cilic (Croatia) cao tới 1m98 giao bóng trên dưới 220km/h và đè bóng một cách thoải mái. Thuận tay của Cilic thường nhanh hơn của Nishikori khoảng 15-17km/h (tối đa là 145 so với 165km/h).

Sau danh hiệu đầu tiên năm 2008 (Delray Beach), Nishikori mất thêm bốn năm mới có chức vô địch thứ hai (Tokyo Open), bởi sự vươn lên của anh bị ngắt quãng bởi chấn thương khuỷu tay (2009), rồi chấn thương đầu gối năm 2013, và mới đây, chấn thương lưng xảy ra khi anh đã gần như chạm được một tay vào chiếc cúp trong trận chung kết Madrid Masters với Nadal.

Chỉ là cái bóng của chính mình ở trận chung kết, thua cả ba set với tỉ số 3-6 với cùng một diễn biến (đều bị bẻ game rất sớm), liệu vô địch Grand Slam sẽ mãi là giấc mơ cuộc đời của Nishikori?  Và châu Á sẽ còn chờ đợi thêm nhiều năm nữa?

Phạm Tấn
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm