John Isner: Gã khổng lồ “cứu” nước Mỹ

14/04/2012 07:30 GMT+7 | Tennis

(TT&VH Cuối tuần) - John Isner đã và đang “cứu” tennis nước Mỹ bằng việc chứng minh ngược lại những điều tưởng chừng như đã trở thành chân lý của môn thể thao giàu tính khoa học này.

*Bạn có thể bình luận về bài viết này trên http://www.facebook.com/baothethaovanhoa

Isner gần như một tay đưa đội tuyển Mỹ lọt vào tới bán kết Davis Cup, dù cho anh em nhà Bryan cũng góp công bằng một trận thắng đánh đôi trước đội tuyển Pháp. Trên mặt sân đất nện ở Monaco những ngày đầu tháng 4, Isner đã làm nên điều kỳ diệu, đánh bại cả Gilles Simon 3-0 và Jo Tsonga 3-1. Hai chiến thắng ấy giải tỏa nỗi lo ngại liệu tay vợt trẻ Ryan Harrison với tư cách thay thế Mardy Fish có chịu nổi sức ép.



John Isner gần như một tay đưa đội tuyển Mỹ lọt vào bán kết Davis Cup - Ảnh Getty

Hai tháng trước, Isner cũng hạ gục Federer ngay tại Thụy Sĩ cũng trong một trận đấu quyết định sau khi đã thua trong set một và thắng liền ba set sau với một phong độ hủy diệt.

Và mới tháng trước, ở California, Isner đã quật đổ tay vợt xuất sắc nhất thế giới hiện nay Djokovic ở bán kết giải Indian Wells - một giải Masters 1000.

Như thế, Isner trở thành tay vợt duy nhất trong năm 2012 đánh bại được cả Federer và Djokovic (dù không phải trong cùng một giải đấu - tại CK Indian Wells, anh thua Federer). Và Isner đã ít nhiều làm tái sinh đội tuyển Mỹ từng có quá khứ huy hoàng với kỷ lục 32 lần vô địch Davis Cup, nhưng thời gian gần đây đã sa sút (năm 2010 phải đấu play-off để có mặt ở nhóm cao nhất World Group).

Bản thân sự vươn lên của Isner là một điều kỳ diệu, vì anh mới chỉ đứng trong top 10 thế giới đúng hai tuần (sau khi lọt vào CK Indian Wells nhưng lại thất bại sớm ở Miami Masters). Nhưng quan trọng, nó chứng minh những điều vốn đã là chân lý trong tennis hóa ra vẫn có ngoại lệ.

Đâu cứ phải cầm vợt trước khi cầm bút

Djokovic cầm vợt từ năm lên 4, và khi 6 tuổi đã tập với một giáo trình và ý thức để trở thành chuyên nghiệp. Nadal cũng cầm vợt từ năm lên 4 và ở tuổi 15 đã bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp. Như một lẽ đương nhiên, hầu hết các ngôi sao chuyên nghiệp đều làm quen và tập luyện từ rất sớm. Trước nay người ta chỉ biết Federer là một ngoại lệ, được lý giải là nhờ tài năng thiên phú, nên bắt đầu chơi tennis từ năm lên 8 mà vẫn trở thành huyền thoại.

Thế cho nên, việc Isner bắt đầu cầm vợt lúc 9 tuổi mà vẫn trở thành một ngôi sao gần như là độc nhất vô nhị.  Tennis đòi hỏi các tài năng trẻ phải cầm vợt trước khi cầm bút đến trường là bởi quãng thời gian chục năm chưa chắc đã đủ để hoàn thiện kỹ thuật của môn thể thao này, và việc chuẩn bị thể lực là tương đối ngặt nghèo với một nguyên tắc là không được để phát triển cơ bắp ở nửa thân dưới. Bên cạnh đó, sự tích lũy kinh nghiệm trận mạc trước khi lên chuyên nghiệp đòi hỏi các tay vợt trẻ phải cọ xát ở các cấp độ mà đôi khi chức vô địch tại các giải này không phải là mục tiêu tối thượng.

Thực ra khi Isner đến với tennis, mục đích đơn thuần là để rèn luyện sức khỏe bên cạnh việc theo đuổi sự nghiệp học hành, chứ không phải là để trở thành một người hùng cứu rỗi tennis nước Mỹ.

Thay vì thử tài và trưởng thành ở các giải ITF Juniors, Isner va đập với các tay vợt cũng vừa chơi tennis vừa học như anh. Isner tỏa sáng trong màu áo của Đại học Georgia, đưa đội tuyển nam của trường đến với chức vô địch giải các trường đại học Mỹ năm 2007.

Isner chỉ chính thức bước vào làng quần vợt chuyên nghiệp ở tuổi 22, khi anh đã tốt nghiệp đại học, và ở độ tuổi đó, cả Nadal, Federer và Djokovic đều đã có ít nhất một danh hiệu Grand Slam.

Cao không có nghĩa là “tồ”

Nếu nhìn từ các huyền thoại vĩ đại của tennis thế giới, chiều cao 1m86 gần như là chuẩn mực. Sampras, Federer, Nadal và Djokovic đều cao trong phạm vi ấy với dung sai 0,5-1cm. Và người cao nhất trong lịch sử các giải Grand Slam bước lên ngôi vô địch là Juan Del Potro cũng “chỉ” tới 1m96.

Chiều cao trên 2m vì thế trở thành thừa thãi, hoặc đáng ra họ nên theo đuổi những môn thể thao khác như bóng chuyền hoặc bóng rổ. 2m06 của Isner thậm chí bị coi là bất lợi trên nhiều phương diện, và chỉ có lợi ở khía cạnh giao bóng, hoặc thực hiện những cú smash.

Những tay vợt có chiều cao như Isner, là Karlovic hay Kevin Anderson xoay trở chậm, không thực sự linh hoạt trong việc thay đổi tốc độ, trong khi đó tennis đòi hỏi các tay vợt phải có khả năng di chuyển đổi hướng nhanh, có khả năng tăng tốc đột ngột bên cạnh sự bền bỉ, và thường không cần những sải chân dài bởi kỹ thuật di chuyển từng bước nhỏ quan trọng hơn. Hay chiều cao giúp các tay vợt xử lý bóng xoáy cao khá dễ dàng nhưng thường rất khó khăn khi gặp các cú đánh xoáy bóng cắm xuống chân sau khi qua lưới khi họ lên cao bắt volley.

Chính vì vậy, việc Isner lọt vào top 10 thế giới, là tay vợt có chiều cao nhất trong lịch sử từng đứng ở vị trí này là một sự kỳ diệu khác. Đặc biệt là Isner vươn tới đỉnh cao ấy không chỉ nhờ cú giao bóng mà còn bởi kỹ năng phòng ngự và khả năng chuyển sang tấn công với cú thuận tay khá mềm mại được cải thiện rõ rệt.

Chưa hết, những chiến thắng giúp Davis Cup của Mỹ hồi sinh mà Isner làm nên lại diễn ra trên mặt sân đất nện, nơi người ta đo được chiều cao của nhiều nhà vô địch Roland Garros của nam chỉ là 1m75 như Michael Chang, Gaston Gaudio... hay của nữ là trên dưới 1m7 như Schiavone, Li Na và đặc biệt là Justin Henin.

Giờ đây ước mơ của Isner là vô địch Grand Slam, điều anh từng nói sau Indian Wells là mình có thể làm được...

Chỉ trong vòng một tháng đầu bước chân vào làng banh nỉ, Isner đã tiến từ vị trí số 839 thế giới vào top 500. Và ngay sau đấy, lọt vào chung kết ATP 500 tại Washington (thua Roddick) sau khi đánh bại hàng loạt các tay vợt trong đó có Haas, Monfils... Chỉ sau 6 tuần đánh giải, Isner đã lọt vào top 150. Đây là sự thăng tiến nhanh nhất trong lịch sử tennis với một tay vợt bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp.

Match Point

Serena Williams đã có chức vô địch đầu tiên sau khi đăng quang ở Family Circle Cup tổ chức tại Chalerston (Mỹ) sau khi đánh bại bạn gái cũ của Berdych, tay vợt Safarova. Hai cặp bán kết Davis Cup 2012 đã được xác định khi Mỹ gặp Tây Ban Nha ở bán kết còn Argentina sẽ gặp CH Cezch (16-19/9). Đội tuyển vô địch 2011 là Tây Ban Nha. Từ 15/4 sẽ diễn ra Masters 1000 thứ ba trong năm 2012, khi hầu hết các tay vợt nam hàng đầu (ngoại trừ Federer) sẽ quy tụ ở Monte Carlo, trong đó có Nadal, Djokovic, Murray...

Phạm Tấn



 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm