HLV cử tạ Huỳnh Hữu Chí: Cả cuộc đời nghe tiếng tạ rơi...

27/07/2011 13:59 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH) - 52 tuổi và một ngày có ít nhất 9 giờ đồng hồ trong phòng tập tạ, nghe tiếng tạ rơi, tiếng học trò, cuộc sống của HLV gạo cội trong làng cử tạ - thể hình Huỳnh Hữu Chí nhiều hơn một tình yêu thể thao.

Cây đại thụ đa tài

Sẽ không có gì quá đáng nếu nói rằng, HLV Huỳnh Hữu Chí là một trong những ông thầy gạo cội nhất trong làng thể thao đỉnh cao nói chung và trong bộ môn cử tạ - thể hình nói riêng. Ngấp nghé cái tuổi ngoại ngũ tuần, song, mỗi ngày ông đều có mặt đều đặn ở trung tâm, sát cánh cùng mấy cậu trò nhỏ đáng bằng tuổi con tuổi cháu. “Trông tôi mình dây vậy thôi chứ tôi khỏe lắm đấy!”, ông Chí hào hứng.

Thật vậy, cả khóa 34 ĐH TDTT II ngày ấy ít nhiều đều phải nể “ông già” ham học hỏi này. Thành tích học tập của thầy Chí không thua kém bất cứ ai. Miệt mài học đuổi sau những đợt tập huấn, thi đấu dài ngày cùng các học trò, nhưng HLV họ Huỳnh vẫn mang về tấm bằng loại giỏi. Và rồi, khi “nghía” những buổi thực hành thể thao, người ta lại càng thán phục tài nghệ của ông Chí “gừng già”.

Từng mê như điếu đổ 2 môn bóng chuyền, bóng rổ từ khi còn là một cậu bé con, nhưng rồi sớm nhận ra nó là “kẻ thù” của cặp kính cận dày cộp, thầy Chí ngả hướng sang hồ bơi.  Được cái hình như cậu trai tên Chí ngày ấy hễ cứ “đụng” vào “món” nào là giỏi “món” đó. Đến lúc thi cuối môn bơi cùng một học trò học cùng khóa Đại học, ông bỏ xa anh chàng khiến bao người ngỡ ngàng. Thầy Chí lúc ấy chỉ biết nháy mắt cười: “ Tôi có 7, 8 năm kinh nghiệm là HLV bơi lội mà”


 Cử tạ đã cho HLV Huỳnh Hữu Chí một sự nghiệp danh tiếng. Ảnh: V.V

Ấy vậy mà cơ trời lại sắp đặt thầy Chí ngày ấy đến với cử tạ. Một chiều cậu thanh niên 20 tuổi ấy đạp xe trên đường Hồng Bàng, vô tình nhìn thấy CLB cử tạ - thể hình và nảy ra ý định tập cử tạ với cái lý do thật đơn giản: “Mình vốn ốm, lại đeo kính nên hay bị… bắt nạt quá, phải tập tạ để người to ra, cho đám cùng phòng (thanh niên xung phong) nể đôi chút mới được”.

Thế là bén duyên. Mà đã bén duyên với thể thao thì khó dứt. Chí vốn đa tài, cứ nhấc tạ là lên. Cái thời ăn bobo, gạo, muối phải xếp hàng dài chờ trước cửa hàng để mua, Chí và các “đồng đội” trong CLB cứ bon bon đạp xe đi tập, rồi “lận lưng” 6 quả trứng cùng giày, tất đi thi đấu giải quận, giải thành phố. Ấy thế mà vẫn vui vẻ và chiến thắng hết lần này đến lần khác.

Ngẫm lại, ông Chí cười : “Cái thời ấy đam mê thể thao nó hồn nhiên thật. Ăn không no, mặc không ấm, vậy mà không chỉ tập cho mình đâu, suốt ngày còn đi vận động người ta nữa cơ đấy!”

“Vận động” mà ông Chí nhắc ở đây là vận động bà con trong các khu phố thời sau 1975 tập thể dục thể thao để rèn luyện sức khỏe. Mỗi sáng sớm, người ta luôn bắt gặp hình ảnh một cậu trai mười tám, đôi mươi, cầm loa đi quanh phường kêu gọi thanh niên trai tráng dậy tập thể dục. Người thương thì lắc đầu cám cảnh, người ác mồm thì chửi: “Đã đói rớt ruột còn bày đặt thể dục thể thao”.  Đến cả người cha cũng “ngán” “ông” con trai duy nhất mang cái chức phụ trách phong trào thể dục thể thao của phường, mấy lần ép con thi vào Y khoa để bỏ cái “thói” lông bông với thể thao, nhưng mãi không thành.

Đến bây giờ, thâm niên tuổi nghề của ông Chí có lẽ cũng ngót nghét 30 năm, còn hơn số tuổi của những cậu học trò hàng ngày vẫn cùng ông nghe tiếng tạ rơi trong phòng tập. Cử tạ đã trở thành cuộc sống của HLV họ Huỳnh, đến nỗi chỉ cần nghe tiếng tạ rơi, ông cũng biết rõ đứa học trò đã nâng mức tạ bao nhiêu, lắp bao nhiêu bánh và những loại bánh nào để nâng, hay thậm chí, đã nâng tạ cao đến đâu trước khi thả xuống.

Ông Chí tâm sự chân thành: “Phải có cái tâm mới nghe được tạ. Tôi đã nghe cái tiếng ấy suốt mấy chục năm rồi, như người dệt vải nghe tiếng thoi vậy. Và bây giờ nó gần như là cuộc sống của tôi”.

“Thương và hiểu tụi nó lắm”

“Tụi nó” ở đây là bọn học trò mà ông Chí nói vui là không chỉ thương và hiểu, mà còn “ăn dầm nằm dề” nhà nhau nữa. “Tụi nó” trước đây qua tay ông nhiều lắm. Có người đã “ra nghề ra ngỗng”, có người đã lên làm chức này quyền nọ trong làng thể thao, lại có kẻ chuyển hướng kinh doanh để… đếm tiền.

Còn “tụi nó” bây giờ là Tuấn, Tài, Dung,… những cái tên thầy Chí luôn gọi với một niềm thương như con cháu. Hầu hết những học trò của ông đều không mấy khá giả, nếu không muốn nói là nghèo khổ. Đứa mồ côi mẹ, đứa mất cha, sống tạm trong những căn phòng thuê chật hẹp giữa thành phố.

Trong số học trò hiện tại, Tuấn (Thạch Kim Tuấn) là người đang có thành tích cao nhất, song học hành chưa đến đâu. Thành tích của Tuấn ai cũng nhìn thấy, ai cũng ca ngợi, nhưng chỉ mình ông Chí sớm tối canh cánh bên lòng mối lo về tương lai của cậu trò hiền lành ít học.

Những anh chị đồng đội của Tuấn đều học cao hơn cậu, ông có thể giúp đỡ đôi chút để họ có một chân huấn luyện sau khi từ giã sự nghiệp thi đấu. Chỉ có Tuấn là đáng lo. Việc đi học lại của em vẫn chưa thực hiện được, trong khi những buổi dạy kèm vào mỗi tối rảnh rỗi trong thời gian du đấu của ông thầy họ Huỳnh cứ vào tai này lại bay qua tai kia.


HLV Huỳnh Hữu Chí cùng cậu học trò cưng Thạch Kim Tuấn (trái) trong ngày “vinh quy bái tổ”. Ảnh: V.V

Sắp tới, ông thầy đầy tâm huyết với nghề, với trò này sẽ họp bàn cùng các cấp lãnh đạo trong ngành thể thao và gia đình Thạch Kim Tuấn để lo việc bổ túc văn hóa cho em càng sớm càng tốt. Ông cũng đã đề xuất để Tuấn và 4 thành viên khác trong ĐT được ở lại luyện tập trong nước theo nguyện vọng của các em, thay vì tập huấn nước ngoài như dự kiến, vì hơn ai hết, ông hiểu những khó khăn về sinh hoạt, ăn uống, khí hậu mà các em gặp phải ở những lần đi trước. Có thể nói, khó có HLV nào hiểu đến từng chân tơ kẽ tóc học trò mình như ông thầy họ Huỳnh này.

“Không chỉ nắm rõ khả năng, mà còn phải hiểu hoàn cảnh của từng đứa thì mới có thể làm thầy tụi nó được. Tụi nó ở đâu, nhà cửa ra sao, người thân thế nào, đều phải nắm, để khi tụi nó bỗng dưng hai ba ngày không đến trung tâm, thì mình có thể biết vì sao tụi nó bỏ tập”, thầy Chí chia sẻ.

Năm 2010 là năm cử tạ gặt hái nhiều thành công, trong đó, nhà vô địch trẻ Thạch Kim Tuấn là một trong những nhân vật “đốt cháy” nhiều mặt báo. Người người ca ngợi công lao rèn giũa của thầy Chí, song ông Chí thẳng thắn: “Với một con ngựa tốt thì một người huấn luyện giỏi hay dở, con ngựa ấy cũng vẫn là ngựa tốt. Còn với một con ngựa dở thì người huấn luyện giỏi cách mấy cũng chỉ giúp con ngựa tiến bộ lên một bậc mà thôi. Trong thể thao cũng vậy. Năng lực của chính VĐV mới là yếu tố quyết định chiến thắng”

Lận đận với kiếp “ở trọ”

Nếu tính 100 năm là một đời người, thì cuộc đời của ông thầy họ Huỳnh đã lận đận đến hơn nửa kiếp. Được tiếng là nhanh nhẹn, năm 1983 trong khóa học trọng tài cử tạ, được “chấm” vào chân trọng tài phát thanh đến tận năm 1994 mới “bàn giao” lại cho người khác, song cái nhanh nhẹn của 10 năm cầm loa ấy không được thầy Chí vận dụng vào cuộc sống để có thể làm giàu cho riêng mình.

Những người cùng khóa với ông thời Đại học giờ ai cũng thành đạt, vợ chồng con cái đề huề, gia sản có người đếm không hết, riêng mỗi ông Chí vẫn “lận đận” vào ra một căn nhà thuê gần Đầm Sen. Hơn 30 năm tâm huyết với cái nghề mà thiên hạ vẫn đàng hoàng gọi mình là thầy, có đủ cả bằng này cấp nọ, không hiểu sao HLV họ Huỳnh vẫn chưa được tính vào biên chế. Cái mà hàng tháng ông nhận được đơn giản là tiền công, chứ chẳng phải lương. Song, cũng dường như chưa bao giờ thấy ông phàn nàn về chuyện tiền bạc. Cái máu cống hiến cho thể thao trong thầy Chí cao hơn hết thảy mọi tính toán cho cuộc sống riêng tư.

Thầy Chí bộc bạch: “Dân thể thao ra thì chỉ biết bám vào thể thao mà sống thôi, chứ có nghề ngỗng gì nữa đâu.” Cưới vợ mười mấy năm trời, nhưng ông đã vắng nhà hơn phân nửa thời gian đó. Có lần xa nhà gần 5 tháng trời, đêm đêm khi học trò đã đi ngủ cả, thầy Chí chỉ còn biết đốt điếu thuốc chìm đắm trong nỗi nhớ. Rồi thui thủi một mình, vợ ông vốn trước cũng là dân thể hình để sảy thai đứa con mà họ phải tốn kém lắm mới có được nhờ thụ tinh nhân tạo. Nỗi đau mất con, nỗi buồn hiếm muộn và sự mặc cảm với gia đình làm nụ cười của người đàn ông đã có tuổi ấy thêm xa xót. Những tưởng cả cuộc đời hy sinh cho thể thao, còn lại bên cạnh thầy Chí sẽ là những tháng năm vui vầy cùng con cháu, ai ngờ cuộc đời éo le đến vậy.

Thôi thì, mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Ông Chí đã sống hơn nửa đời người rồi, cũng chẳng cần ai dạy ông vượt lên hoàn cảnh nữa. Chỉ là đôi khi, vẫn thấy ngậm ngùi cho cái gọi là số phận mà thôi.

Nguyễn Vân

Huỳnh Hữu Chí

HLV cử tạ quốc gia

Trưởng bộ môn cử tạ - thể hình TP.HCM

Sinh năm: 1959

Là một trong những HLV có thâm niên cao nhất của thể thao đỉnh cao Việt Nam. Với vô số thành tích đạt được, HLV Huỳnh Hữu Chí cùng các học trò của ông đã có nhiều cống hiến to lớn, giúp thể thao nước nhà rạng danh trên các đấu trường trong nước, khu vực, châu lục và thế giới.

Thành tích nổi bật gần đây nhất

- HCV Olympic trẻ thế giới 8/2010

- 1 HCB, 2 HCĐ giải cử tạ trẻ thế giới 7/2011

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm