Hãy bảo vệ di sản nhạc lễ Hà Nội

25/12/2009 13:52 GMT+7 | Báo động từ vốn di sản

(TT&VH) - Hướng đến 1000 năm Thăng Long, đã có rất nhiều nghiên cứu, khảo sát các giá trị văn hóa phi vật thể của Hà Nội (thể hiện trong lễ hội, phong tục tập quán, các loại hình dân ca…). Tuy nhiên, ít ai biết rằng Hà Nội cũng có di sản nhạc lễ khá đồ sộ, phong phú, làm nên sự phong phú và đa dạng cho di sản âm nhạc dân gian Việt Nam. Nhạc lễ ở đây được hiểu là những thể loại, hình thức âm nhạc gắn với nghi lễ tôn giáo và tín ngưỡng. Bài viết này xin giới hạn đề cập tới âm nhạc gắn với bốn không gian chính là: nhạc lễ thành hoàng làng, trong nghi lễ Phật giáo, trong tín ngưỡng Tứ phủ và trong tang ma của người Việt tại khu vực Hà Nội (cũ).


Âm nhạc đám ma

Âm nhạc trong các lễ tế thành hoàng

Trước hết, âm nhạc trong tế lễ thành hoàng được xác định trên hai thành phần chính là cặp trống - chiêng và dàn nhạc bát âm. ở một số đình làng còn mở rộng thêm vài hình thức tổ chức nữa như đội múa trống bồng, đội múa sinh tiền và đội trống bản. Những hình thức tổ chức này chúng ta có thể gặp phổ biến trong nghi thức tế rước thành hoàng làng ở các nơi như: Quan Nhân, Chính Kinh, Cự Lộc, Giáp Nhất và Phùng Khoang ở quận Thanh Xuân; Mễ Trì Hạ, Đình Thôn ở xã Mễ Trì và đình làng Liêm Mạc, lễ hội đình Chèm ở huyện Từ Liêm. Đây cũng là một trong những nét độc đáo thể hiện tính dân gian mang đặc trưng riêng ở mỗi làng, phường.

Đặc điểm trống trong các đình làng Hà Nội chủ yếu là loại trống lớn, chiều cao trung bình từ 80 - 120cm, đường kính khoảng từ 50 - 60cm; chiêng thông thường có đường kính cũng dao động từ 60 - 75cm. Trống và chiêng có chức năng báo thời, báo hiệu nhân dân vào đám, lên đình. Trong khi tế lễ, trống là hiệu lệnh giúp cho các quan viên và người chấp lễ thực hiện nghi thức dâng lễ vật. Những người chấp lễ chỉ thực hiện sau khi người Đông xướng và Tây xướng hô cùng với tiếng trống điểm. Do đó, các bước đi đều được quy định bởi tiếng trống. Trống lúc này như một thứ ngôn ngữ đặc biệt đối với người hành lễ và thần linh.

Về phường bát âm gồm có: một trống bộc, một cảnh, hai sáo, một nhị, một tam, một hồ, một nguyệt và một sinh tiền. Riêng nhạc cụ sinh tiền đã có nhiều nơi tách ra thành một đội nhạc riêng để vừa diễn tấu phối hợp với múa trong khi rước thành hoàng làng (như trường hợp một số làng đã nêu ở trên). Đó là dàn nhạc bát âm ngày nay. Tuy nhiên, nếu hiểu và thực hiện đúng quy định của các cụ xưa kia thì phường bát âm gồm tám nhạc cụ tương ứng với 8 chất liệu là: thổ, trúc, kim, mộc, cách, bào, thạch, ty (phân theo Trung Quốc) và: tiếng sấm sét, tiếng gió, tiếng gào thét, tiếng nước chảy - thác đổ, tiếng ngựa phi, tiếng đá lăn - đất lở, tiếng búa chặt cây rừng, tiếng ong, tiếng chim (phân theo Việt Nam). Như thế, sẽ có tám nhạc cụ gồm: nhị, sáo, nguyệt, mõ, trống nhỏ, chuông rung, sáo đất, đàn đá.

Đội trống bản thông thường được sử dụng bốn chiếc, có đường kính khoảng 35-40cm, chiều cao 18cm; khi diễn tấu được treo ở trước ngực. Trong nhiều trường hợp đội trống bản có chức năng tạo và giữ nhịp cho phường bát âm và đội múa sinh tiền cũng như những tổ chức âm nhạc trong đó theo suốt quá trình của buổi tế rước lễ.

Như vậy, cơ cấu tổ chức dàn nhạc chính phục vụ nghi thức tế lễ thành hoàng làng được biên chế gồm một trống lớn, một chiêng, một phường bát âm, một đội trống bản, một tổ múa sinh tiền. Ngoài ra tùy địa phương, có thể bổ sung biên chế một số nhạc cụ khác, nhưng về nguyên tắc không đưa những nhạc cụ “lạ”.


Di sản nhạc lễ Phật giáo

13 bài “canh” trong âm nhạc Phật giáo Hà Nội

Nếu như âm nhạc trong tế lễ thành hoàng chủ yếu là nhạc đàn, thì âm nhạc trong nghi lễ Phật giáo được nổi bật bởi nhạc hát (thanh nhạc) và được sử dụng trong hầu hết các nghi lễ, từ lễ Phật đản, lễ Vu Lan, lễ Hô thần nhập tượng... đặc biệt hấp dẫn và độc đáo trong nghi lễ Cầu siêu.

Tại khu vực Hà Nội hiện nay, bên cạnh các hình thức tụng kinh, đọc kệ, than cô hồn (trong các đàn lễ cầu siêu), người ta đặc biệt chú ý tới các hình thức tán canh. Đây có thể coi là một trong những di sản và là một trong những đặc sản trong âm nhạc Phật giáo đồng bằng sông Hồng nói chung, khu vực Hà Nội nói riêng. Nếu như hát Văn được coi như âm nhạc đặc trưng trong tín ngưỡng Tứ phủ thì tán canh chính là một đặc trưng trong nghi lễ Phật giáo ở đây. Qua điền dã, nghiên cứu nhạc lễ Phật giáo tại khu vực Hà Nội, chúng tôi được biết, hiện nay tại khu vực này còn bảo tồn được số lượng 13 bài bản canh khá phong phú và độc đáo, gồm các canh: lô hương, xạ nhiệt, chí tâm, phú, hoàng kim, thổng, hãm, giới đinh, dương chi, tả thủ, canh ai, đông ba, bảo đỉnh (đàn thượng). Đặc biệt, theo như các sư tăng và thầy cúng, chúng tôi còn được biết tại khu vực Hà Nội trước đây còn tồn tại ba “lò” canh chính. Đó là lò canh chùa Bộc, lò canh Quảng Bá - Tây Hồ và lò canh chùa Thanh Nhàn.

Biên chế dàn nhạc trong nghi lễ Phật giáo thông thường bao gồm: nhạc cụ thân vang có chuông, mõ, tiu cảnh, thanh la, não bạt; nhạc cụ màng rung có trống cái (trống lớn), trống bản và trống dẫn; nhạc cụ hơi có kèn tiểu, kèn la, nhạc cụ dây có đàn nguyệt và nhị. Tuy nhiên, hai nhóm nhạc cụ sau chỉ mới xuất hiện trong thời gian gần đây, dàn nhạc truyền thống sử dụng trong nghi lễ Phật giáo trước đây ở Hà Nội không có. Vấn đề này tác giả sẽ trình bày thêm ở phần 2: Thực trạng nhạc lễ Hà Nội. Dàn nhạc trên chủ yếu sử dụng bốn nhịp trống chính là trống pháp lôi, trống hiến thượng đường, trống dẫn lục cúng và trống sai.

Âm nhạc trong đám ma cũng là một di sản

Âm nhạc trong tang ma được coi là một bộ phận không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt nói chung, người dân Hà Nội nói riêng.

Theo các nhà nghiên cứu, âm nhạc trong lễ tang ở khu vực Hà Nội trước đây, ngoài giai điệu của những bài khóc, chỉ có hai nhạc cụ chính là trống và kèn. Ngày nay thì chúng đã có những biến tướng khác đi nhiều. Dàn nhạc trong đám tang phần lớn lấy cả phường bát âm trong nghi thức lễ tế hội vào sử dụng.

Theo truyền thống, trống sử dụng trong đám tang gồm có hai chiếc: một trống cái và một trống con (trống bản). Kèn chủ yếu sử dụng hai loại là kèn póp, còn gọi là kèn già nam hay gọi thẳng là kèn đám ma và kèn pha (âm khu hơi trầm). Bài bản âm nhạc chính thống được sử dụng trong tang lễ gồm có các điệu lâm khốc, bản hãm, bản kéo và kèn lễ.

Nguy cơ mai một

Hiện nay tại khu vực Hà Nội nói riêng, khu vực đồng bằng sông Hồng nói chung, các hình thức âm nhạc được sử dụng trong nghi lễ tôn giáo và tín ngưỡng đã và đang có xu hướng biến tướng, lai căng và sử dụng vô tổ chức.

Nếu như trước đây, âm nhạc trong nghi lễ Phật giáo tại khu vực này thường có tổ chức rất khuôn phép và chặt chẽ thì ngày nay nhiều trong số đó đã bị phá vỡ. Nguyên nhân của thực trạng này bắt đầu từ sự giao lưu mở rộng vùng hoạt động của các sư tăng và thầy cúng trong các nghi lễ ở Hà Nội và một số địa phương khác. Tính đặc trưng vùng miền bị chà trộn. Ngay trong âm điệu khi tụng kinh, một số sư tăng khu vực Hà Nội cũng đã bị ảnh hưởng âm hưởng âm cũng như phong cách các sư tăng khu vực miềm Nam. Bên cạnh đó, trong nhiều ngôi chùa lớn của Hà Nội hiện nay sử dụng nhiều đĩa nhạc tụng kinh do các sư Đài Loan và Trung Quốc thực hiện và sản xuất .

Âm nhạc Phật giáo của Hà Nội còn bị ảnh hưởng một số hình thức âm nhạc tín ngưỡng và tôn giáo khác. Thí dụ, trong nghi lễ Phật giáo ở một nơi như quận Long Biên, huyện Gia Lâm, các sư tăng thầy cúng còn sử dụng cả đàn nguyệt và hát Văn khi thực hiện phần hát lễ. Về tổ chức dàn nhạc, người ta còn bổ sung thêm cả trống cơm và kèn - những nhạc cụ mà trong truyền thống âm nhạc Phật giáo Hà Nội nói riêng trước đây không sử dụng. Trong hầu hết các không gian lễ khác như Tứ phủ, tế lễ thành hoàng và tang ma cũng bị trường hợp tương tự như vậy.

Hiện nay, nhiều đám tang ở Hà Nội đã xuất hiện những phường kèn ở những địa phương khác tới. Trong đó, chúng tôi còn thấy xuất hiện cả những nhạc cụ được coi là vật kiêng trong nhạc tang lễ, như đàn ghi ta phím lõm sử dụng trong nhạc tài tử và nhiều nhạc cụ “lạ”khác. Không những thế, bài bản sử dụng trong tang lễ cũng đã biến tướng và lai căng rất nhiều. Người ta sử dụng cả một số điệu hát trong chèo, biến hoá nhiều làn điệu trong nhạc tài tử để đưa vào khi thực hiện nghi lễ. Hiện tượng này phải chăng đang là một xu hướng “cải cách”, “đổi mới” trong đời sống sinh hoạt văn hóa âm nhạc tôn giáo và tín ngưỡng trên địa bàn Hà Nội ? Chúng tôi còn chưa đề cập đến một tình trạng trong cách ăn mặc lễ phục khi hành lễ.

Đó là một vài thí dụ trong rất nhiều trường hợp mà chúng tôi phát hiện trong quá trình điền dã, nghiên cứu. Thực trạng sử dụng âm nhạc không đúng chức năng trong không gian thiêng tôn giáo và tín ngưỡng khu vực Hà Nội hiện nay đang là một vấn đề cần được những người làm quản lý, nghiên cứu quan tâm lên tiếng.

Nguyễn Đình Lâm (Viện Âm nhạc)

(*) Các title phụ trong bài do TT&VH đặt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm