EURO 2016: Sự tan rã đã viết lại bản đồ bóng đá châu Âu

25/07/2016 18:38 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Nhìn vào lịch sử Euro, người ta có thể cảm nhận phần nào lịch sử châu Âu sau Đệ nhị thế chiến. Chẳng hạn, các nước Đông Âu đã thay đổi hẳn sau năm 1990 và điều này được thể hiện rõ qua thành tích của bóng đá Đông Âu trên đấu trường Euro.

Ba vị trí cao nhất của Euro 1960 lần lượt thuộc về Liên Xô, Nam Tư, Tiệp Khắc. Và suốt 5 kỳ Euro đầu tiên, luôn có ít nhất một trong ba đội vừa nêu đá trận chung kết. Bây giờ khác hẳn. Phải chăng, bóng đá Đông Âu giờ đã thất thế ở đấu trường Euro vì Liên Xô, Nam Tư, Tiệp Khắc giờ đã chia thành 23 nước khác nhau? Tất nhiên, nói thế chưa đủ.

Thay đổi của "lượng" và "chất"

Ngay kỳ Euro cuối cùng trước khi Liên Xô tan rã, đội tuyển Liên Xô vẫn còn đủ mạnh để vào chung kết. Đội tuyển Liên Xô tại Euro 1988, trên thực tế, có thể gọi là "Dynamo Kiev mở rộng" (chiếm hơn nửa danh sách đội, đa số đá chính). Nhưng khi Liên Xô tan rã, FIFA và UEFA chọn Nga "thừa kế" những gì bóng đá Liên Xô để lại. Không khó kết luận: bóng đá Nga dĩ nhiên chẳng thể nào sánh được với bóng đá Liên Xô.

Tương tự, CH Czech được thừa kế những gì bóng đá Tiệp Khắc để lại, dù khi Tiệp Khắc vô địch Euro 1976, có đến 8/11 cầu thủ đá chính trong trận chung kết là người Slovakia. CH Czech trong thời kỳ mới vẫn không sánh được với Tiệp Khắc ngày xưa. Trường hợp của Serbia càng rõ: họ suy yếu hẳn khi không còn đứng chung với Croatia và Slovenia. Đấy là chỉ mới điểm qua hàng ngũ các đội mạnh nhất tách ra từ Liên Xô, Nam Tư, Tiệp Khắc. Các đội nhỏ hơn tách ra từ đấy, như Moldova, Azerbaijan hoặc Macedonia, Montenegro, cố mãi may ra cũng chỉ vươn đến đẳng cấp trung bình trên bản đồ bóng đá châu Âu.


CCCP, một đội tuyển lừng danh châu Âu một thời

Khi "lượng" tăng lên thì "chất" giảm đi. Bản thân đấu trường Euro có khi cũng là như vậy, chứ đấy không chỉ là chuyện của làng bóng Đông Âu. Hãy xem chất lượng của kỳ Euro đầu tiên gồm đến 24 đội ở VCK trong những ngày sắp tới, và so sánh với kỳ Euro cuối cùng trước khi các nước Đông Âu tan rã (1988). Mặt khác, đội tuyển Liên Xô ngày xưa hùng mạnh không chỉ đơn giản vì có nhiều cầu thủ giỏi để chọn. Họ còn có sự đa dạng cần thiết, khi các thủ môn giỏi nhất nước Nga kết hợp với phẩm chất kỹ thuật của bóng đá Georgia và lối chơi khoa học của Ukraine. Đấy chỉ là một ví dụ. Nhình vào đội tuyển Nam Tư, người ta thấy được phẩm chất kỹ thuật của các cầu thủ Serbia, sự hoa mỹ của các cầu thủ Croatia và sự cứng rắn của các cầu thủ Slovenia.

Xã hội thay đổi, bóng đá thay đổi

Vấn đề đặt ra: vì sao đội tuyển Hungary cũng suy yếu hẳn, dù Hungary chẳng hề chia thành nhiều nước? Và, nếu không nhất thiết phải nhìn vào Euro để so sánh, chúng ta thấy cả đội tuyển Ba Lan bây giờ cũng đã yếu hẳn so với ngày xưa? Câu trả lời vẫn thuộc về bối cảnh chung: xã hội thay đổi, thể chế thay đổi, làm cho bóng đá Đông Âu thay đổi hoàn toàn.

Hồi Antonin Panenka sút thắng quả luân lưu quyết định vào lưới huyền thoại Đức Sepp Maier, đưa Tiệp Khắc lên ngôi vô địch Euro 1976, bản thân ông gần như không được các nước Tây Âu biết đến, nói gì đến cách sút 11m sở trường (đã đi vào huyền thoại) của ông. Panenka chỉ khoác áo đội bóng nhỏ Bohemians, trong thời kỳ mà các ngôi sao bóng đá Tiệp Khắc muốn gia nhập đội bóng lớn Dukla Prague phải được chính quyền cấp phép đặc biệt. Cầu thủ Tiệp Khắc cũng phải được cấp phép đặc biệt mới có thể ra nước ngoài thi đấu, và dứt khoát phải trên 30 tuổi. Bóng đá Đông Âu ngày xưa đáng gờm một phần vì các đối thủ Tây Âu không biết rõ về họ.

Không chỉ giữ lại đa số tài năng bóng đá trong nước, các đội mạnh ở Đông Âu trước năm 1990 đều được chính quyền trợ giúp ở những mức độ khác nhau. HLV Valery Lobanovsky xây dựng được một Dynamo Kiev cực mạnh để làm nòng cốt cho đội tuyển Liên Xô không chỉ vì ông am tường bóng đá, mà còn vì ông được cả một đội ngũ khoa học kỹ thuật hùng hậu trợ giúp trong công tác huấn luyện. Với các cầu thủ Hungary, lọt vào ĐTQG là có hẳn những quyền lợi to lớn đi kèm. Họ chỉ tập trung toàn bộ tinh thần vào việc chơi bóng.

Cũng phải nói thêm cái điều đơn giản mà ai cũng biết: hình ảnh của ĐTQG luôn được các nước Đông Âu trước 1990 xem trọng. Thể thao Đông Âu nói chung cũng như bóng đá Đông Âu nói riêng luôn được chính quyền hậu thuẫn mạnh mẽ là vì thế.

Vài trường hợp đặc biệt

Kể cả khi thấy rõ khác biệt về mặt xã hội, chính trị giữa các thời kỳ, người ta vẫn không thể nào lý giải sự sa sút kỳ lạ của Hungary, đội đã vắng bóng ở các giải lớn từ sau World Cup 1986 (xin nhắc lại: 1986, khi khối Đông Âu hãy còn vững chắc). Mãi đến mùa hè năm nay, khi VCK Euro được mở rộng đến 24 đội, Hungary mới xuất hiện trở lại, lần đầu tiên sau 30 năm chờ đợi. Đấy là trường hợp đặc biệt, khác hẳn sự thay đổi của các đội tuyển tách ra từ Liên Xô hoặc Tiệp Khắc.

Ba Lan cũng là một trường hợp khó lý giải. Cho dù thi thoảng cũng lọt được vào VCK Euro hoặc World Cup, nhưng chẳng biết đến bao giờ đội tuyển Ba Lan mới tìm lại được sức mạnh mà họ từng có trong những năm 1970-1980.


Đội tuyển Liên Xô (áo trắng) trước 1990 rất được xem trọng

Khác biệt có lẽ là ở chỗ: bóng đá Nga khi không còn được chính quyền hậu thuẫn thì vẫn còn đấy những nhà tài trợ hùng hậu. Với Slovakia, CH Czech, hoặc Croatia, đấy vẫn là những chiếc nôi bóng đá có quyền tự hào về truyền thống và có lực lượng cổ động viên cuồng nhiệt. Ngược lại, bóng đá chẳng bao giờ là chuyện quan trọng trong cuộc sống thường nhật của người Ba Lan. Từng có lúc, kênh truyền hình công cộng lớn nhất Ba Lan không hề chiếu giải VĐQG - cho dù chỉ là trích đoạn vài pha bóng - trong suốt 4 năm, mà dân chúng chẳng hề phàn nàn. Hungary cũng vậy. Nước này đã có nhiều giải Nobel, phát minh từ cây bút bi tới món đồ chơi rubik, đã có cơ man những nhà vô địch Olympic, trong rất nhiều môn khác nhau. Bóng đá có phất hay không với họ chẳng phải là chuyện sống còn.

Nguyên nhân mỗi nơi mỗi khác, nhưng tóm lại thì bóng đá Đông Âu bây giờ đã khác quá xa so với thời kỳ còn Nam Tư, Tiệp Khắc, Liên Xô. Chung quy, vẫn vì xã hội Đông Âu đã quá thay đổi, và đấy là vấn đề của lịch sử, hoặc một phần lịch sử.


THÀNH TÍCH KHÁC HẲN GIỮA HAI THỜI KỲ

Ttừ năm 1992 đến nay, chỉ có một đội Đông Âu lọt vào chung kết trong 6 kỳ Euro. Đó là CH Czech, về nhì năm 1996. Ngoài ra, có hai đại diện Đông Âu tiến đến bán kết: CH Czech năm 2004 và Nga năm 2008.

Trong 8 kỳ Euro từ năm 1988 trở về trước, có hai nhà vô địch đến từ Đông Âu. Đó là Liên Xô năm 1960 và Tiệp Khắc năm 1976. Ngoài ra là 5 trường hợp vào đến chung kết (Nam Tư các năm năm 1960, 1968 và Liên Xô các năm 1964, 1972, 1988) và 5 trường hợp vào kết bán kết (Tiệp Khắc năm 1960; Hungary các năm 1964, 1972; Liên Xô năm 1968 và Nam Tư năm 1976. Đấy là chưa kể đội tuyển Tiệp Khắc đoạt hạng 3 năm 1980 - khi giải đấu không có các trận bán kết.


Tân Gia

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm