“Doping công nghệ”: Tranh cãi không hồi kết

03/03/2013 14:13 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - “Doping công nghệ” chỉ cuộc chạy đua về những công nghệ hỗ trợ kỹ thuật cho vận động viên khuyết tật, thứ đang có nguy cơ đào sâu hố ngăn cách giữa các vận động viên đại diện cho những quốc gia giàu có và những nước nghèo hơn. 



Những cặp chân giả công nghệ cao có thể giúp vận động viên khuyết tật tranh tài với người bình thường

Năm 1960, khi giải đấu Olympic dành cho người khuyết tật, Paralympic lần đầu tiên tổ chức tại Rome, chỉ có khoảng 400 vận động viên tham gia, với công cụ hỗ trợ phổ biến nhất là một chiếc xe lăn đơn giản. Ở Paralympic gần nhất tại London năm 2012, 4.000 vận động viên từ 140 nước đổ về tham dự, với mọi công cụ hỗ trợ có thể tưởng tượng ra. Cuộc tranh luận dữ dội nhất có liên quan tới Oscar Pistorius, vận động viên điền kinh người Nam Phi nổi tiếng nhất thế giới (càng nổi tiếng hơn sau khi bị truy tố vì sát hại bạn gái). Pistorius sử dụng hai thanh sợi carbon có hình như dấu hỏi để thay thế cho đôi chân bị mất của anh và dù tranh tài ở cả Olympic, Pistoris vẫn bị Alan Oliveira từ Brazil đánh bại ở nội dung 200 mét. Đoàn Nam Phi đã lời ra tiếng vào rằng Oliveira sử dụng các thanh carbon quá dài, giúp anh có thể chạy với sải chân dài hơn.

Mặc dù thiết bị mà Oliveira sử dụng đã được Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC) chấp thuận, nhiều chuyên gia vẫn thừa nhận các khác biệt công nghệ và chất liệu với khớp nhân tạo, xe lăn và những hỗ trợ kỹ thuật khác cho vận động viên khuyết tật đang có nguy cơ tạo ra một thứ “doping công nghệ” giữa những người tham gia thi đấu, cũng như nới rộng hố sâu ngăn cách giữa những vận động viên đại diện cho các nước giàu và những người đến từ các nước nghèo hơn.

Những thanh sợi carbon loại mà Pistorius và Oliveira sử dụng nói chung là quá đắt so với hầu hết vận động viên các nước nghèo. Những thanh sợi carbon của hãng Ossur chẳng hạn, có giá vài nghìn USD, chưa bao gồm những phần thay thế, có thể đẩy giá lên gấp đôi. Những khớp nhân tạo đặc biệt khác, như loại C-Leg tự động hóa của hãng Otto Bock, cần bảo trì riêng, và do đó không thể bán được ở những nước nghèo.

Donna Fisher, 41 tuổi, chuyên gia về thiết bị hỗ trợ người tàn tật đã hỗ trợ tổ chức Paralympic London, bình luận: “Đây là thời kỳ đen tối. Có những vận động viên từ các nước đang phát triển rất tài năng, nhưng họ lại gặp bất lợi quá lớn”. Fisher kể lại về việc bà từng giúp một vận động viên người Haiti với đôi chân giả bằng gỗ, một người khác đến từ Ai Cập với chiếc xe lăn đã gỉ sét “như từ thời Victoria” hay một đô cử tạ người Nigeria có đôi chân giả tự tạo từ phế liệu máy bơm, dây kẽm và… xương động vật.



Công nghệ có thể sáng tạo ra những môn thể thao mới giúp người khuyết tật tranh tài với người bình thường một cách bình đẳng và công bằng

Khá nhiều trong 22 môn thể thao ở Paralympic London 2012 đòi hỏi thiết bị hỗ trợ, bao gồm điền kinh, đua xe đạp, bóng rổ xe lăn, đấu kiếm xe lăn, rugby xe lăn hay quần vợt xe lăn. Với những vận động viên điền kinh khuyết tật, các thanh sợi carbon đang ngày càng trở nên phổ biến. Sợi carbon là loại vật liệu có sức bền gấn năm lần thép, nhưng lại cứng và nhẹ hơn rất nhiều. Một sợi carbon mỏng hơn một sợi tóc bình thường. Chúng được xoắn lại với nhau và may thành các tấm carbon, rồi những tấm carbon này được ghép vào để tạo ra thanh carbon, cũng là loại khớp nhân tạo mà Pistorius sử dụng.

Những thanh carbon được sử dụng lần đầu cho người khuyết tật từ năm 1996. Cơ chế khá đơn giản: các thanh carbon tích lũy và phản hồi các lực đàn hồi từ cơ của vận động viên, giống như gân Achilles ở gót chân. Hiệu quả của các thanh carbon cũng giống như của gân và dây chằng. Tuy nhiên, công nghệ nhiều khi đã đẩy hiệu quả đi quá mức. Một đánh giá của Liên đoàn các hiệp hội điền kinh quốc tế (IAAF) với Pistorius cho thấy sử dụng thanh carbon giúp vận động viên này tiết kiệm được 9% năng lượng, so với chỉ 41% với những vận động viên bình thường. Chính bởi đánh giá đó, ban đầu Pistorius không được chấp thuận tham dự Olympic và quyết định chỉ được đảo ngược sao một cuộc kiện cáo kéo dài.

Tương tự với thanh sợi carbon, xe lăn cũng tạo ra khác biệt lớn trong các nội dung thi thể thao cho người khuyết tật, với những chiếc hiện đại có thể đạt tới tốc độ 30 km/g hoặc hơn, đương nhiên cũng khó mua sắm, bảo trì và vận hành với các nước đang phát triển. Những chiếc mới và hiện đại nhất được làm từ hỗn hợp titanium và sợi carbon siêu nhẹ, siêu bền với bánh xe sử dụng loại lốp đặc biệt dành cho các vận động viên xe đạp đỉnh cao. Titanium là loại chất liệu đắt tiền và rất được ưa thích của các nhà chế tạo thiết bị thể thao do nó nhẹ, mạnh và không gây kích ứng da.

Công nghệ mới thậm chí cho phép các vận động viên ở những nội dung đua xe lăn nhanh hơn các vận động viên không khuyết tật ở nhiều cự ly. Ở kỳ Olympic vừa rồi, nước chủ nhà Anh thậm chí còn phát triển riêng một loại xe lăn được coi như vũ khí bí mật trong các cuộc tranh tài. Ngành thể thao Anh đã chi ra 700.000 bảng riêng cho việc nghiên cứu khoa học và công nghệ cho các vận động viên Paralympic. Với sự chênh lệch đó trong đầu tư, có vẻ như khoảng cách giữa những vận động viên khuyết tật sẽ ngày càng nới rộng.

Những thiết kế của tương lai

Trong cuộc triển lãm công nghệ dành cho các vận động viên khuyết tật quy mô lớn ngay trước Paralympic 2012 ở London, nhiều ý tưởng và thiết bị khó tin đã được giới thiệu. Nhiều trường đại học ở Anh đã giới thiệu các sáng kiến của họ có thể thay đổi hoàn toàn tương lai của thể thao cho người khuyết tật, bao gồm cả những môn thể thao mới sẽ ra đời. “Khi chúng tôi bắt đầu các dự án, chúng tôi nói với sinh viên: không thể tạo ra siêu nhân, không thể là những Harry Porter, nhưng hãy nghĩ về điều đó khi sáng tạo. Tất cả phụ thuộc vào trí tưởng tượng của các bạn, đó là nguồn vốn của các bạn”, David Keech, trưởng khoa thiết kế sáng tạo sau đại học ở Imperial College, nói. Bắn súng bằng đầu là một ví dụ, một môn có thể tranh tài bình đẳng giữa người khuyết tật và người bình thường. Những người tham gia sẽ đeo một bộ mắt kính đặc biệt để theo dõi và điều khiển chuyển động của “khẩu súng” bằng đầu, nhắm bắn bằng mắt và nổ súng vào một bộ cảm biến gắn trên mắt kính. Một thiết bị khác đã giành giải thưởng lớn 5.000 bảng do hãng Rio Tinto tài trợ là Ghost, được gắn vào cổ tay hoặc cùi chỏ của vận động viên khiếm thị và khiếm thính để phát ra âm thanh và rung động nhằm thông báo cho người đeo biết họ có thực hiện đúng động tác hay không. Cũng nhận được nhiều lời khen ngợi là thiết bị Rainbow Touch, sử dụng những bảng màu và thiết bị cảm ứng trên quần áo thi đấu để giúp các vận động viên khiếm thích nhận diện đồng đội và đối thủ.

Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm