Đà Nẵng phát triển thể thao theo kiểu Nhật Bản

06/10/2015 16:22 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 5/10, thành phố Đà Nẵng tổ chức cuộc họp điều chỉnh chiến lược phát triển Thể thao thành tích cao đến năm 2020. Tại cuộc họp này, Thể thao Đà Nẵng kiến nghị giảm chỉ tiêu từ 57 HCV Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 năm 2010, xuống còn 28 – 35 HCV Đại hội lần 8 - 2018 và 38-45 HCV Đại hội lần 9 - 2022, hướng phát triển theo mô hình của Nhật Bản.

Ông Nguyễn Phúc Linh, Phó giám đốc Sở VH,TT&DL Đà Nẵng phân tích: “Đại hội TDTT lần thứ 6 năm 210 với lợi thế sân nhà, Đà Nẵng đã xuất sắc giành 57 HCV nhưng với năng lực hiện tại, Thể thao Đà Nẵng không thể xác lập lại được thành tích ấy trong khoảng thời gian từ nay đến Đại hội TDTT lần thứ 9 năm 2022 được.

Năm 2010, Đà Nẵng là chủ nhà nên có lợi thế về điều kiện sân bãi, khán giả, lựa chọn đăng ký môn thi đấu… và đặc biệt khi ấy kinh tế đang khởi sắc, Thể thao Đà Nẵng quyết liệt đi tắt đón đầu bằng cách chuyển nhượng VĐV. Thứ 2, các VĐV giúp Thể thao Đà Nẵng đạt thành tích cao trong những năm vừa qua, một số lớn tuổi đã giải nghệ, số khác gặp chấn thương trong khi lớp kế cận chưa xuất hiện nhiều VĐV xuất sắc.


Đà Nẵng có vinh dự đăng cai Đại hội Thể thao bãi biển châu Á năm 2016. Ảnh: Q.T

Thứ 3, Đà Nẵng hiện vẫn là địa phương có phong trào Thể thao phát triển hàng đầu ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên nhưng cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ cho tập luyện, thi đấu lại chưa xứng tầm. Cơ sở vật chất, hạ tầng của Thể thao Đà Nẵng thua kém nhiều địa phương như Khánh Hòa, Bình Định, Đăk Lăk,… thậm chí là cả Quảng Nam”.

Sau khi nghe các ý kiến trình bày của lãnh đạo ngành Thể thao Đà Nẵng, Phó chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng chia sẻ những khó khăn mà ngành Thể thao Đà Nẵng đang phải đối diện. Ngoài ra, ông Dũng cũng hiến kế cho ngành Thể thao Đà Nẵng, đặc biệt trong khâu tuyển chọn và đào tạo VĐV trẻ.

Ông nói: “Đi tắt đón đầu theo kiểu chuyển nhượng VĐV thì cũng mang tiếng và không bền vững. Chúng ta hãy nhìn vào HAGL, họ tuyển chọn VĐV trên khắp cả nước ở lứa tuổi 11 đến 13 đưa về đào tạo đến 7,8 năm sau thì trở thành người của HAGL”.



Ông Nguyễn Phúc Linh, Phó giám đốc sở VH, TT&DL Đà Nẵng trình bày kế hoạch điều chỉnh chiến phát triển thể thao Đà Nẵng đến 2020 trước lãnh đạo UBND Thành phố Đà Nẵng

Từ ví dụ HAGL, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu ngành Thể thao Đà Nẵng nên học tập theo mô hình ấy. Ông tin tưởng với cơ chế đãi ngộ nhân tài tốt của Đà Nẵng, thực hiện theo mô hình này sẽ thu hút được nhiều nhân tài thể thao trên khắp cả nước về phục vụ cho Thể thao Đà Nẵng.

“TP Đà Nẵng chỉ có khoảng 1 triệu dân, tìm kiếm nhân tài thể thao mà chỉ gói gọn trong địa phương mình thì rất khó khăn. Chúng ta hãy đến các địa phương khác trong cả nước, tìm kiếm những em có năng khiếu, đưa về đào tạo, cho đến khi trưởng thành, thi đấu đỉnh cao để lấy huy chương. Sau này, họ lập gia đình và định cư ở Đà Nẵng chúng ta càng hưởng lợi.

Thế hệ con, cháu của họ, chắc chắn được thừa hưởng nguồn gen từ bố mẹ, họ sẽ là công dân Đà Nẵng gốc. Giống như cách làm của Nhật Bản ấy, tôi nghĩ “đi tắt đón đầu” như thế mới là hiệu quả và bền vững”, ông Dũng kết luận.

Phát triển thể thao biển, thể thao trên không

“Năm 2014, giải bóng chuyền bãi biển toàn quốc diễn ra tại Dana Beach Club, bãi biển Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, ông Nguyễn Xuân Anh, Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đến xem có hỏi tôi đội bóng chuyền bãi biển của Đà Nẵng đâu rồi?. Nói thật, tôi cũng thấy buồn lắm, mình là thành phố biển du lịch nỗi tiếng, nhưng các môn thể thao biển lại rất hạn chế, chưa xứng tầm” – Ông Nguyễn Phúc Linh, Phó giám đốc Sở VH,TT&DL Đà Nẵng tâm sự.

Từ thực tế ấy, trong cuộc họp điều chỉnh chiến lược phát triển thể thao thành tích cao đến 2020, bên cạnh việc cắt giảm các môn thể thao chưa phù hợp để đầu tư vào các môn thể thao chiến lược có khả năng tranh chấp huy chương tại các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc, ông Linh đặc biệt nhấn mạnh việc kêu gọi đầu tư phát triển mới một số môn thể thao biển, thể thao trên không.

“Thời gian qua chúng tôi cũng đã có những nỗ lực tổ chức nhiều giải thể thao biển mang tầm vóc quốc tế, có lợi cho sự phát triển của ngành du lịch biển nhưng sự phát triển các môn thể thao bãi biển của Đà Nẵng lại khá hạn chế.

Chính vì vậy, trong kế hoạch điều chỉnh chiến lược phát triển thể thao thành tích cao đến 2020, chúng tôi kêu gọi đầu tư phát triển mới các môn thể thao biển, thể thao trên không, phù hợp với điều kiện thành phố để phục vụ nhân dân và thu hút khách du lịch như: thuyền buồm, bóng đá bãi biển, bóng chuyền bãi biển, dù lượn, lướt ván, Rowing biển, Kayak biển theo hình thức xã hội hóa và nhà nước hỗ trợ phần kinh phí đào tạo, thi đấu” – Ông Linh trình bày.



Tuệ Chính

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm