Con nhà nghèo đi đá bóng

15/08/2011 06:25 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH Cuối tuần) - Giữa chuyện học và chuyện đá bóng có một điểm chung là nhiều thủ khoa và nhiều cầu thủ đá bóng giỏi lại là con nhà nghèo.

Chỉ có rất ít các thủ khoa trong kỳ thi đại học mới đây là con nhà giàu. Báo nào, đài nào cũng đưa tin và nêu cao tấm gương chàng thủ khoa này, cô thủ khoa kia là con nhà nghèo vượt khó.

Giữa con nhà giàu với con nhà nghèo dĩ nhiên có nhiều khác biệt, mà điều kiện học tập là điều không thể chối bỏ.

Cũng không thể nói rằng chỉ số IQ của con nhà nghèo mới cao hơn con nhà giàu. Chỉ có ý chí mới giúp họ vượt lên trong cuộc ganh đua trong môi trường giáo dục mà các cơ quan quản lý dù có nỗ lực đi chăng nữa cũng khó lòng tạo nên công bằng.

Thể thao, trong đó có bóng đá chuyên nghiệp, ngày càng thấy ít con nhà giàu hay dân thành thị thành đạt. Các nhà tuyển trạch của Hòa Phát Hà Nội, Viettel mới đây đã tổng kết và vẫn khẳng định lại một điều nhiều người đã nói trong mấy năm qua: Con nhà nghèo và các cậu bé ở nông thôn đến với bóng đá nhiều hơn, hay nói chính xác là chúng được cha mẹ “bật đèn xanh” nhiều hơn.


Nhờ bóng đá, Công Vinh và gia đình đã đổi đời. Ảnh: Tuấn Thành

Làm cầu thủ bóng đá Việt Nam giờ giống như đi buôn bất động sản thời chưa đóng băng, nhiều người chỉ đêm hôm trước đêm hôm sau đã có hàng tỷ đồng từ chuyển nhượng hay chỉ sau 1 trận bóng đã có hàng chục triệu đồng tiền thưởng, chưa nói tới mức lương cao tầm cỡ CEO ở các tập đoàn kinh tế mà lại chẳng mất xu nào cho tiền ăn tiền ngủ.

Cầu thủ đoạt Quả bóng Vàng 2009 và bóng Bạc 2010, Phạm Thành Lương xuất thân từ một gia đình nông dân có nhiều khó khăn, đến khi là cầu thủ trẻ vẫn thường phải đi xin giày cũ.

Gia đình Công Vinh, cầu thủ 3 lần từng đoạt Quả bóng Vàng, cũng từng ở hoàn cảnh có những nét đặc biệt, phải tới khi anh trở nên nổi tiếng và kiếm tiền tỷ thì mới đổi đời cho cả anh lẫn mọi người thân trong gia đình.

Đương kim Quả bóng Vàng 2010, Nguyễn Minh Phương sinh ra và lớn lên ở Bình Thuận, được ca ngợi là đã kiếm tiền từ bóng đá nuôi em ăn học, và hiện ở mấy thành phố lớn anh đều có nhà, biệt thự cả.

Thế còn mặt trái của những trường hợp con nhà nghèo thoát thân qua bóng đá? Sự giàu có diễn ra nhanh chóng hơn quá trình bồi đắp tri thức, mà người ta có thể gọi là sốc vì giàu có nhiều nguy cơ.

3 cầu thủ nói trên là những trường hợp hiếm hoi không hoặc nếu có cũng rất ít.

Các vụ cầu thủ dính líu tới thuốc lắc trước nay liên quan nhiều tới những cầu thủ có xuất phát điểm khó khăn rồi đột nhiên có nhiều tiền như Xuân Thành (Hà Nội.ACB). Hoặc có những cầu thủ trẻ cũng có hoàn cảnh tương tự, dù chưa được hưởng sự bùng nổ của lương thưởng cũng đã bị cuốn theo như Hồng Việt (SLNA). Hay vụ 4 cầu thủ Hà Nội.T&T đi nhầm vào động lắc, rồi các cầu thủ bán độ ở SEA Games 2005 thì hơn nửa trong số họ là những người đã được bóng đá đổi đời xét trên khía cạnh kinh tế nhưng nhận thức lại trở nên yếu kém đi (ở thời điểm đó).

Có một nguy cơ có thể tàn phá cả làng bóng bởi sự khẳng định rằng nếu như V-League có thử nước tiểu ngẫu nhiên trong cả khi tập lẫn khi thi đấu thì lấy xe buýt cũng không chở hết số cầu thủ dương tính. Cũng từng có lúc liên đoàn tiến hành thử nước tiểu cho các đội bóng ở V-League, nhưng lâu rồi chưa có cầu thủ nào bị công an “vồ”, nên có lẽ liên đoàn lại quên.

Vậy, ai dám bảo là cái công của bóng đá đối với xã hội lớn hơn cái tội mà nó gây nên?

Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm