Chuyển nhượng mùa Hè: Vì sao ai cũng thích tin đồn?

02/07/2015 06:14 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Liệu Man United có mua Wesley Sneijder? Hay Nicolas Gaitan? Đó là những tin đồn chuyển nhượng không bao giờ thành hiện thực dù đã tồn tại dai dẳng tại Old Trafford ít nhất là 8 năm qua.

Tương tự, liệu Arsenal sẽ sở hữu William Carvalho hay Yann M’Vila? Và mùa Hè này, phải chăng Liverpool sẽ có Edinson Cavani? Đôi khi một thỏa thuận là rất khả thi, nhưng những khi khác chỉ là tin đồn thất thiệt, nhưng mọi tin tức như thế đều nhận được sự chú ý đặc biệt. Đó đơn giản là những gì chúng ta, những người hâm mộ, phải làm khi không được xem bóng đá thật sự.

Không ngại nói dối

Một vấn đề nghiêm trọng với thị trường chuyển nhượng các cầu thủ đỉnh cao là gần như tất cả những ai liên quan đều đã trở thành những kẻ nói dối thượng thừa. Không chỉ những tay nhà báo đói tin tức trong mùa Hè, sự dối trá lan tràn mọi ngõ ngách khi người ta mua bán các cầu thủ.

Mà chính các cầu thủ là những kẻ nói dối tồi tệ nhất, dù lẽ ra họ phải là nguồn đáng tin cậy nhất. Mỗi năm, họ kết thúc mùa giải với việc hôn lên hình huy hiệu của đội bóng, nói về lòng trung thành và sự tận hiến, để rồi cả mùa Hè tìm mọi cách để tới với một kình địch cùng thành phố. Bạn có còn nhớ việc Luis Suarez từng nói với các CĐV Liverpool rằng anh phải rời Anh vì báo chí ở đây (những người đã bỏ phiếu bình chọn anh là Cầu thủ xuất sắc nhất mùa) quá tọc mạch? Để rồi chỉ vài ngày sau đó, lại mon men tìm cách chuyển sang Arsenal, dù trụ sở mọi tờ báo và hãng tin lớn nhất nước đều ở London?

Còn nhớ Gareth Barry nói với các CĐV Aston Villa rằng anh muốn chơi bóng ở Champions League? Để rồi chuyển tới Man City để chơi ở… Europa League (công bằng mà nói, mức lương của Barry tại Etihad quả là xứng tầm Champions League). Họ cứ tuôn ra những lời vô nghĩa, và chúng ta cứ tin.

Các đội bóng cũng tệ không kém. Họ nói họ muốn giữ một cầu thủ lại trong khi đang cật lực tìm cách rao bán anh ta. Họ nói họ không quan tâm tới một ngôi sao, nhưng thực ra đang lôi kéo quyết liệt anh này sau hậu trường. Rồi tất nhiên cả những tay cò cầu thủ, mà nghề nghiệp thực ra không có gì khác ngoài việc đưa ra những tuyên bố vòi tiền và dối trá trắng trợn.

Sự hấp dẫn từ… tin đồn

Nhưng tại sao bất chấp đội quân những Pinocchio mũi dài đó, chúng ta vẫn muốn biết về các tin đồn chuyển nhượng? Để so sánh, có lẽ điều đó cũng giống với sự mọc lên như nấm của các hiệu gà rán khắp thế giới. Chúng ta đều biết thức ăn nhanh là không tốt, rằng chúng ta nên ăn nhiều rau củ và uống nhiều nước, nhưng chúng ta không cưỡng lại được miếng gà rán giòn đầy cholesterol và dễ làm tăng đường huyết.

Nhưng rốt cuộc, các tin đồn nhảm về chuyển nhượng không hẳn là điều xấu. Chắc chắn là nó không có hại gì cho sức khỏe của bạn. Với những người yêu bóng đá, bạn có thể ngáp vặt cả một mùa Hè hay tham gia tích cực vào các cuộc tranh luận về đội bóng mình yêu mến, về đối thủ, về các viễn cảnh với những ngôi sao tương lai, tất cả nhờ vào các tin đồn chuyển nhượng.

Dù đội bóng bạn yêu mến vừa ăn ba ở tầm cỡ châu Âu, như Barcelona, hay trải qua một mùa giải thất vọng cay đắng nữa, như Liverpool, thì đội bóng đó đều sẽ thay đổi vào mùa giải mới. Bạn sẽ tự hỏi hình thù của đội hình mới sẽ ra sao, các ngôi sao sắp đến sẽ chơi bóng như thế nào và khấp khởi hy vọng về những chữ ký thành công, dù là bom tấn hay là lặng lẽ.

Không ai đánh thuế giấc mơ và hy vọng, những tin đồn chuyển nhượng chính là cách miễn phí tuyệt vời nhất để bạn ước mơ và hy vọng cho đội bóng của mình.

150 Hè năm ngoái, Man United là đội mua sắm rầm rộ nhất với khoảng 150 triệu bảng cho các tân binh.

117 Sau khi bán Luis Suarez với giá 75 triệu bảng, Liverpool mua sắm bừa phứa, với số tiền lên tới 117 triệu bảng, song không một ai trong số 8 tân binh họ mang về là món hời.

59,7 Angel di Maria vẫn đang giữ kỷ lục cầu thủ đắt giá nhất trong lịch sử Premier League, với giá 59,7 triệu bảng khi chuyển từ Real Madrid sang Man United hè năm ngoái.

Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm