Chấn thương của Vũ Thị Hương: Nỗi ám ảnh mang tên... nước ngoài!

18/06/2011 18:53 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH Cuối tuần) - Chuyến tập huấn chỉ dài khoảng 2 tháng tại Đức đã trở thành kế hoạch rầm rộ của  điền kinh Việt Nam trong năm 2011 khi gắn với mục tiêu lịch sử - giành quyền chính  thức tham dự Olympic 2012.

Thế nhưng, London thì vẫn xa vời vợi, còn  “Nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương, gương mặt  được  đặt  nhiều  kỳ  vọng,  lại  bất  ngờ  “dính”  chấn  thương  khiến  mọi  kế  hoạch  phải  đảo  lộn.  Và một  câu  hỏi  cũ  lại  được  đặt  ra  cấp  bách: Đâu là tính hiệu quả thực sự của những  chuyến tập huấn, thi đấu tại nước ngoài?

1. Thời bao cấp còn khó khăn,  thể  thao  cũng chẳng  là ngoại  lệ. Khoác áo đội  tuyển và đi nước ngoài là cái vinh dự quá lớn,  đó  là chưa nói đến  lợi  ích kinh tế đáng kể từ  việc được xuất ngoại. Rồi trong quá trình hội  nhập sâu hơn với đấu trường quốc tế, những  chuyến đi ấy  trở  thành “cơm bữa” và không  chỉ  thi đấu, các đợt  tập huấn  tại nước ngoài  cũng trở thành phần không thể thiếu trong kế  hoạch huấn luyện.

Dĩ nhiên, với một nền thể thao còn đang  phát triển, việc xuất ngoại để tập huấn và thi  đấu giống như thứ “liệu pháp sốc” nhằm tăng  cường  khả  năng  chuyên môn,  tích  lũy  kinh  nghiệm  trong môi  trường  có  tốt  hơn,  đẳng  cấp  cao hơn,  trình độ  của  các đối  thủ  cũng  vượt  trội hơn. Đi  tiên phong  trong  tiến  trình  này chính  là bóng đá khi vào năm 1995, đội  tuyển  nam  dưới  sự  dẫn  dắt  của  huấn  luyện  viên  người  Đức  Karl-Heinz Weigang  thực  sự  “lột xác” thông qua những chuyến tập huấn,  thi đấu tại nước ngoài, rồi sau đó giành ngôi á  quân SEA Games 18 để chính thức đưa bóng  đá Việt Nam  lên vị  thế mới  trên đấu  trường  khu vực.

Vũ Thị Hương dính chấn thương nặng khi đang tập huấn tại Đức. Ảnh: VSI

Sau bóng đá, đến lượt các đội tuyển thể thao khác. Gần và  rẻ thì Trung Quốc hay các nước Đông Nam Á, còn nếu kinh phí  dư dả thì tới tận những nơi mà môn thể thao ấy ra đời, hoặc  phát triển. Rồi không chỉ là chuyện riêng của các đội tuyển,  các địa phương trong nước bây giờ cũng đủ khả năng cử quân  đi tập huấn nước ngoài nhằm chuẩn bị cho các giải đấu cấp  quốc gia, hoặc  “ké” vào các đội  tuyển  thi đấu giải quốc  tế  dưới hình thức gọi là “xã hội hóa”. Thậm chí, từng có thời gian,  chuyện tập huấn và thi đấu nước ngoài đã trở thành thứ “mốt”  trong  làng  thể  thao, có những nhân vật còn  trở  thành “đầu  nậu”, “cò môi giới” cho những chuyến đi này.

2. Nhưng rồi, bằng những bước phát  triển của mình,  từ  cơ sở vật chất đến năng lực đào tạo, huấn luyện được nâng  cao,  chuyện  tập  huấn  -  thi  đấu  nước ngoài không còn là thứ “quá thèm”  với thể thao Việt. Bóng đá lại đi đầu, khi  ở  thời  ông Henrique Calisto,  thay  bằng  những chuyến đi nước ngoài, đội  tuyển  được liên tục thi đấu, cọ xát trong nước  nhằm tự hoàn thiện. Tương tự với nhiều  đội  tuyển  thể  thao khác bắt đầu  lấy  thi  đấu  làm  trọng  và  những  đợt  tập  huấn  nước ngoài phần đông  là dành cho các  vận động viên mang tính trọng điểm. Đây  cũng là xu hướng chung của địa phương,  sau  thời  gian  dài  không  thu  được  hiệu  quả từ các đợt tập huấn nước ngoài. Đó  là chưa nói đến  tâm  lý ngại phải  “giam  mình”trong những chuyến tập trung dài  hạn nơi đất khách của chính những huấn  luyện viên, vận động viên.

Dần ít đi, nhưng tính hiệu quả của cái  liệu pháp này thì đến nay vẫn cứ  là dấu  hỏi lớn mà những gì đang diễn ra là minh  chứng. Trở  thành môn  trọng điểm  số 1  với số kinh phí được cấp lên đến 120.000  USD cùng bản kế hoạch tập huấn tại Đức  khá hoành tráng, điền kinh Việt Nam kỳ  vọng  sẽ  tạo  được  bước  đột  phá  bằng  những  suất  đi  cửa  chính  tới  Olympic  London. Nhưng hiệu quả của chuyến tập  huấn được sự hậu thuẫn của các chuyên  gia nước ngoài này đã bị nghi ngờ thực sự  với chấn thương của Vũ Thị Hương khiến  nữ hoàng tốc độ phải vắng mặt tại giải vô  địch châu Á sắp tới.

Trước  trường hợp  của Hương,  còn  là  chấn  thương nặng  “ngoài dự tính” ở giải vô địch thế giới khiến “Nữ hoàng kata”  Nguyễn  Hoàng Ngân  phải  vắng mặt  và  ảnh  hưởng  nghiêm  trọng đến kế hoạch vàng của thể thao Việt Nam tại ASIAD 16.  Hay việc Hoàng Anh Tuấn bị phát hiện sử dụng doping cũng  trong thời gian đi tập huấn nước ngoài mà nguyên nhân chính  là sự quản lý lỏng lẻo.

Vẫn là liệu pháp tốt và cần thiết, nhưng rõ ràng tính hiệu  quả của  liệu pháp này đang trở thành câu hỏi  lớn với chính  các nhà quản lý chuyên môn Việt, để nó không trở thành nỗi  ám ảnh mang tên... nước ngoài.

Vũ Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm