Chấn thương & bảo hiểm: “Quả bóng” vận động viên

13/01/2009 15:41 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH) -“Alo, em lại gãy cổ rồi, nằm trong Bệnh viện Thể thao. Tới thăm em nhé”. Câu này được nghe nhiều rồi, nên tôi không ngạc nhiên dù đúng ra thì tôi phải phát hoảng lên mới phải.

Đây chẳng phải là lần đầu tiên Nguyễn Văn Dực, đô vật cổ điển quốc gia, bị chấn thương đốt sống cổ. Lần thứ nhất thì chấn thương ngay sau SEA Games 23, lần thứ 2 thì vào tháng 5/ 2007 mà chữa đến tận 12/ 2007 mới khỏi. Giờ thì chắc Dực đi tái khám, buồn nên gọi điện thoại cho tôi. Vòng quay của đô vật này đơn giản là tập luyện-thi đấu- chấn thương.

Nhưng nếu chấn thương mà được chữa trị tử tế thì không cần phải nói. Vấn đề là VĐV tuyển thủ quốc gia này lại bị đối xử như trái bóng tròn, các bên quản lý đá qua đá lại để rồi vận động viên đành phải bỏ tiền túi để chữa cho xong.

Quả bóng VĐV bị đá trong khoảng trống quản lý như sau: Nếu được gọi lên tuyển mà chấn thương thì Trung tâm sẽ chi tiền chữa trị tại Bệnh viện Thể thao đến khi đội tuyển giải tán. Nhưng nếu thời gian điều trị kéo dài quá thời gian tập trung thì theo chính sách sẽ "không phải quân số của trung tâm nữa và không còn chế độ gì nữa” (nguyên văn lời 1 bác sĩ của Trung tâm Nhổn khi VĐV hỏi). Về địa phương, VĐV cũng nhận được cái lắc đầu: “Lên tuyển bị thương thì chúng tôi không có chế độ gì.” Thế là tiền thưởng thi đấu chẳng kịp chi cho gia đình, chỉ riêng tiền thuốc men chưa chắc đã đủ.
 
Thể thao đầy rủi ro và bất trắc, vậy mà các VĐV rất “lạnh gáy” vì thiếu sự quan tâm lo lắng

Nguyễn Văn Dực cho biết: “Tính sơ sơ, em chi tiền thuốc hết hơn 10 triệu rồi. May số em còn “xuân”, là quân của Quân đội, nên khi giải tán đội tuyển, em được Quân đội cho đi khắp các viện quân y chữa trị, chứ không em tàn tật lâu rồi.”

Buồn, vì để trụ với thể thao đỉnh cao, ngàn người mới được một, cũng là “nhân tài” quốc gia, sao cái phận VĐV lại long đong thế?

Ở các nước có nền thể thao chuyên nghiệp, VĐV được hưởng mức đền bù bảo hiểm rất cao, được kiểm tra thể trạng trước, sau khi thi đấu nhờ hệ thống y học, khoa học thể thao hiện đại và được hưởng chế độ hợp lý.

Ở nước ta, các chế độ chính sách, bảo hiểm cho VĐV chưa tương xứng, phần nhiều do những khó khăn khách quan. Nhưng không vì thế mà chúng ta bỏ qua “bài toán” bảo hiểm, chấp nhận việc chạy theo thành tích để rồi xem nhẹ tính mạng VĐV. Điều mà các HLV, VĐV thể thao cần hiện nay là sự quan tâm hoặc chăm lo đúng mức hơn nữa của các cấp (như phí bảo hiểm cao, có thêm chính sách ưu đãi sau khi nghỉ thi đấu).

Việc đề ra một chính sách, chế độ hợp lý cho các tuyển thủ không chỉ là nguồn động viên, cổ vũ kịp thời mà còn là cách thu hút thêm nhiều tài năng thể thao, giúp họ an tâm cống hiến hết mình vì đất nước.
 
Đội tuyển Bóng đá nam được Công ty Cổ phần Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI) đứng ra tài trợ 1 tỷ đồng để hỗ trợ chi phí chữa trị chấn thương cho các tuyển thủ quốc gia. Trong đó, mỗi ca chấn thương được hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng. (Bản hợp đồng từ ngày 1/1/2008 đến hết ngày 31/12/1008 hoặc đến khi sử dụng hết giá trị tối đa 1 tỷ đồng)

Nhưng hiện tại, với các đội tuyển thể thao khác, vẫn chưa có hợp đồng bảo hiểm.

Triệu Ánh Dương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm