Cavani bị đuổi khỏi sân vì ăn mừng 'lố bịch': Những chiếc thẻ oan nghiệt

19/10/2014 15:38 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Tại sân Stade de France, PSG đã thắng 3-1 trước Lens để leo lên thứ 2 trên bảng xếp hạng Ligue 1. Nhưng ngày vui của “gã nhà giàu” thành Paris đượm buồn bởi chiếc thẻ đỏ của tiền đạo Edison Cavani.

Phút 57, sau khi sút thành công quả phạt 11m ấn định tỷ số 3-1, Cavani đã ăn mừng bằng hành động “chĩa súng, ngắm bắn” lên khán đài. Ngay lập tức, trọng tài Nicolas Rainville đã rút thẻ vàng cảnh cáo tiền đạo người Uruguay. Do phản ứng với quyết định của trọng tài bằng cách chộp tay ông một cách giận dữ, Cavani lĩnh tiếp thẻ và rời sân đấu.

Ăn mừng- sức hút của túc cầu giáo

Không thể phủ nhận những màn ăn mừng bàn thắng giúp tạo ra sắc màu riêng cho bóng đá so với những môn thể thao khác như golf hay… cờ vua. Ăn mừng cũng là cách giúp bóng đá trở nên hấp dẫn và thu hút đối với người hâm mộ trên toàn thế giới.

Thuở khai sinh của túc cầu, người ta cho rằng ăn mừng bàn thắng là hành động thiếu lịch lãm của những quý ông trên sân cỏ. Nhưng tất cả đã thay đổi khi người Scotland làm quen với bóng đá. Họ tạo nên sự thi vị cho cuộc chơi trên sân cỏ bằng vô vàn cách biểu đạt cảm xúc. Chẳng ai nhớ rõ năm ra đời chính xác của màn ăn mừng sân cỏ. Có tài liệu ghi rằng nó xuất hiện từ những năm 1570 (?) Chỉ biết, màn ăn mừng đầu tiên ở World Cup được ghi nhận là của cầu thủ người Pháp Lucien Laurent. Anh đã ghi bàn trong chiến thắng 4-1 trước Mexico ở World Cup đầu tiên tổ chức tại Uruguay năm 1930.

Cũng từ đó, ăn mừng bàn thắng trở nên phổ biến trong túc cầu.

Nổi tiếng nhất là màn ăn mừng theo kiểu “ru con” của Bebeto tại World Cup năm 1994, nhằm kỷ niệm sự ra đời đứa con thứ 3 của gia đình. Kiểu ăn mừng này sau đó được rất nhiều cầu thủ bắt chước để chào đón em bé mới sinh của họ.

World Cup 1990 tại Italy, Cameroon trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên lọt vào vòng tứ kết nhưng người đánh cắp trái tim của fan là Roger Miller với vũ điệu ăn mừng quằn quại bên cột cờ góc sân.

Biến tướng của những màn ăn mừng

Qua năm tháng, những điệu ăn mừng được sáng tạo nhiều hơn. Nhảy lên không trung, hò hét, hướng nụ cười về phía khán đài, giơ ngón tay tạo hình trái tim bây giờ đã trở nên lỗi thời. Các fan bóng đá muốn tìm kiếm cách thức giải trí thú vị hơn từ những cầu thủ. Cũng từ đây, những màn ăn mừng bị biến tướng.

Gây tranh cãi nhất là màn ăn mừng theo kiểu Phát-xít. Điển hình là trường hợp Paolo di Canio ăn mừng bàn thắng ghi vào lưới AS Roma khi còn đá cho Lazio năm 1986. Trong trận derby Merseyside với Everton, Robbie Fowler đã ăn mừng bàn thắng cách làm điệu giống như người hít ma túy để phản pháo cáo buộc lạm dụng chất kích thích của báo chí Anh.

Nicholas Anelka sau khi ghi bàn cho Chelsea trong trận gặp MSK Zilika ở Champions League đã vắt chéo hai tay vào nhau kiểu bị còng tay nhằm “trả đũa” Liên đoàn bóng đá Pháp sau án cấm vì gây mất đoàn kết nội bộ. Cuối năm ngoái, Anelka cũng bị cấm thi đấu và bị West Brom thanh lý hợp đồng vì ăn mừng kiểu bài Do Thái trong trận hòa 3-3 với West Ham…

Chưa kể đến có nhiều cầu thủ thích ăn mừng theo kiểu khiêu khích đối phương hay đáp trả sự la ó từ người hâm mộ đội bóng cũ. Vì thế, họ tạo nên bầu không khí thù nghịch trên sân, đi ngược với tôn chỉ của môn thể thao Vua.

Sự biến tướng của những màn ăn mừng và tác động của nó buộc FIFA phải ra điều luật mới nhằm ngăn chặn sự hung phấn quá khích của cầu thủ. Quyền xử phạt được trao cho trọng tài với những chiếc thẻ để hạn chế những màn ăn mừng tranh cãi như trường hợp của Cavani.

Bóng đá là môn thể thao đẹp và cần trả lại cho những màn ăn mừng sự quyến rũ mê hoặc vốn có của nó.

Cẩm Oanh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm