Cầu thủ và HLV Serie A thời khủng hoảng kinh tế: “Nhà đầu tư tài ba”

11/05/2009 08:10 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH CT) -  Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu chẳng ảnh hưởng gì nhiều đến ví tiền của các cầu thủ và HLV bóng đá Italia. Họ vẫn lĩnh “tiền tấn” và vẫn là những triệu phú giàu nứt đố đổ vách. Câu hỏi đặt ra: họ làm gì với hàng triệu euro kiếm được?

Cầu thủ: Những nhà công nghiệp của trái bóng

Những mảnh vườn của nhà Pirlo đơm hoa kết trái ra sao? Rượu nho nhãn hiệu Marca của Del Piero có ngon không? Mozzarella (pho-mát tươi bằng sữa trâu) của Fabio Cannavaro? Nhãn hiệu đồ lót của Nesta và sàn nhảy của Abbiati nữa? Cổ phiếu của Totti lên vùn vụt, của Perrotta rớt giá thê thảm. Và nhiều, rất nhiều những câu hỏi không dứt về các hoạt động kinh doanh mà giới cầu thủ Italia thực hiện. Họ, những người thi đấu trên sân, nay trở thành những doanh nhân ngoài thương trường, tích cực hoạt động trong cuộc sống ngoài bóng đá. Đối với họ, việc quay vòng những đồng tiền kiếm được từ các hợp đồng kếch xù bằng cách đầu tư vào kinh doanh là một trong những giải pháp tốt nhất để vừa kiếm thêm lợi nhuận, vừa để... cho vui và để xác định một hướng đi trong tương lai, sau khi giải nghệ sân cỏ.

Trong số những cầu thủ Italia biết kinh doanh, người giỏi nhất hẳn phải là đội trưởng đội tuyển Italia Cannavaro, một người Napoli chính gốc (mà người Napoli thì nổi tiếng là láu cá và nhiều mưu mẹo thương trường): anh không đổ tiền mua sắm xe hơi hay du thuyền đẹp mà đầu tư một cách khôn ngoan vào sản xuất. Cannavaro đầu tư 4 triệu euro vào một công ty chuyên sản xuất mozzarella ở tỉnh Caserta, ngay sát Napoli, đồng thời đổ tiền vào 2 hãng kinh doanh bất động sản và may mặc, cũng như một công ty chuyên giao bánh pizza cho các nhà hàng. Nhưng ở Italia, người ta bảo, Cannavaro chỉ đầu tư vào quần áo sau khi nhận thấy người đồng đội cũ ở đội tuyển Italia Totti thành công trong lĩnh vực lăng-xê các thương hiệu thời trang. Cùng với vợ Ilary Blasi, đội trưởng của Roma đã trở thành người đứng đầu thương hiệu “Never without you” khá thành công ở Roma.
 
Cannavaro và logo của công ty Fattoria Gaia,
chuyên sản xuất mozzarella

Một đội trưởng khác, Del Piero, số 10 của Juventus, cũng không cần đến một HLV trong lĩnh vực kinh doanh. Với những tư vấn của người anh trai Stefano, “doanh nghiệp Del Piero” có doanh thu xấp xỉ 10 triệu euro mỗi năm, với công ty Edge, chuyên lo việc quản lý hình ảnh cho anh; Olimpic, chuyên lo việc sản xuất và kinh doanh ngăn kéo trong các chung cư; nhãn hiệu rượu Marca và một số cửa hàng kinh doanh quần áo ở Torino. Nhưng có lẽ, Del Piero và nhiều cầu thủ khác vẫn phải phục lăn Brocchi ở khả năng “đánh hơi” cơ hội đầu tư và xoay xở trên thương trường. Tiền vệ của Lazio hiện đang giữ cổ phiếu của 6 công ty lớn (trong đó có 2 công ty đang trong giai đoạn phá sản, là Ristolit và PBC - Vieri cũng có cổ phần ở đây). Cùng với anh bạn thân Vieri, Brocchi đã lập nên nhà hàng “Baci e Abbracci” rất nổi tiếng, đồng thời lăng-xê nhãn hiệu thời trang mang tên này, bao gồm quần jeans và áo T-shirt. Vieri cũng có một nhãn hiệu thời trang khá thành công khác, Sweet Years, với hình một trái tim màu đỏ rất được giới trẻ Italia yêu thích. “Bò mộng” hiện đang đá ở Mỹ này cộng tác cùng với đội trưởng Milan Maldini, người đang sở hữu một cửa hàng chuyên bán băng đĩa và trò chơi điện tử ở Milano.

Đồng đội của Maldini ở Milan, Abbiati có 20% cổ phần trong hãng United (chuyên lo môi giới biểu diễn) và là chủ sở hữu của công ty Ottoesettantasette (nghĩa là 8/77, thể hiện tháng (8), và năm sinh (1977) của anh), trong đó, 2 người bạn Brocchi và Angeretti lần lượt nắm 5% và 25% cổ phần. Anh cũng sở hữu sàn nhảy Hollywood rất đông khách ở Milano. Ngược với Abbiati vốn thích ầm ỹ, Pirlo là một người trầm tính, và anh đầu tư vào... nông nghiệp, với công ty Pratum Coller, mà anh mua lại vào năm 2007. Pirlo cũng có một công ty chuyên về... luyện thép (gia đình anh có truyền thống làm nghề này).
 
Một góc nhà hàng Baci e Abbracci của Brocchi và Vieri

Trong khi đó, tận dụng thời gian không đá kéo dài do chấn thương, Nesta chăm lo cho việc làm ăn. Zuneka mà anh nắm cổ phần lớn là một công ty chuyên phân phối quần áo có tên tuôi, đặt trụ sở ở Napoli. Còn Inzaghi? Người chuyên phá vỡ những hàng thủ chắc chắn nhất này chỉ mê có... làm gạch. Tiền đạo của Milan và em trai Simone của anh là cổ đông chính của công ty chuyên kinh doạnh đồ thể thao FilSim Sport, nơi bố mẹ anh cũng chiếm 4% cổ phần. Thủ môn của Juventus và đội tuyển Italia Buffon lập nên công ty Buffon & C, chia làm 5 phần đều nhau cho mỗi thành viên trong gia đình. Họ cùng sở hữu một bãi tắm ở vùng Toscana, với số vốn 51 triệu euro. Nhưng Gattuso lại không làm vậy. Anh không thích kinh doanh mà chỉ hăm hở đi làm từ thiện. Anh đã cho thị trấn Schiavone ở vùng Calabria quê hương một món quà đặc biệt: một sân bóng đá cho thanh thiếu niên nghèo. Anh lập nên một tổ chức nhân đạo có tên “Forza ragazzi” chuyên về việc chăm sóc cho trẻ em nghèo.

Từ Grosso đến Materazzi, từ Zambrotta cho đến De Rossi, tất cả đều đổ tiền đổ của vào ít nhất một công ty kinh doanh thương mại và trong thời điểm nền kinh tế khủng hoảng, không ai có thể ca cẩm khi họ chịu lỗ. Amelia (thủ môn của Palermo) luôn mặc quần áo vói thương hiệu Fourteen Style do chính anh thiết kế. Barzagli (Wolfsburg) đầu tư vào bất động sản, còn Quaglierella (Udinese) có cả một công ty chuyên lau dọn nhà cửa. Chân sút Luca Toni đang thi đấu ở Đức (Bayern Munich), nhưng vẫn điều hành công ty kinh doanh bất động sản Immobiliare Stella và một quỹ đầu tư mang tên European Football Investments. Tiền vệ Roma Perrotta cũng có cổ phần trong quỹ này và là một trong những cổ đông hoạt động tích cực nhất trong việc gây quỹ.
 

HLV: từ băng ghế huấn luyện

Dẫn dắt đội bóng vì đấy là nghề nghiệp, còn trở thành các chủ doanh nghiệp thì là một thú giải trí đầy hấp dẫn đối với các HLV. Những hình ảnh về các HLV ngồi trên băng ghế chỉ đạo các chiều chủ nhật, tay ghi chép giờ đã trở nên nhàm chán. Bởi ở Italia, đa phần các HLV Serie A không chỉ biết đến những sơ đồ chiến thuật, mà còn biết làm ăn, trở thành những nhà kinh doanh tài ba và thành công vang dội.

Trong số những HLV Italia đầu tư ác liệt nhất vào thị trường là HLV đội tuyển Italia Lippi. Người đàn ông đầu bạc trắng năm nay 61 tuổi ấy không chỉ là một nhà vô địch thế giới, mà còn là một nhà kinh doanh rất cừ. Tất cả những hoạt động kinh doanh của ông xoay quanh chủ đề về biển và các hạm thuyền, niềm đam mê lớn nhất đối với ông. Lippi đang nắm trong tay hãng Dast (lấy tên của 2 con Lippi, Stefania và Davide), chuyên môi giới bất động sản. Với Dast, vào năm 2006, Lippi đã tham gia mua 40% cổ phần của Promoinvest, công ty quảng cáo, mà những người bạn của ông, như Castellacci, chuyên viên thể lực của đội tuyển Italia, cũng có cổ phần tại đây. Lippi cũng là cổ đông chính của cửa hàng chuyên bán đồ thể thao Healt&Sport. Chỉ có điều, năm ngoái, cả Healt & Sport lẫn Promoinvest đều thiệt hại nặng do khủng hoảng kinh tế. Mammamia, công ty chuyên về du lịch mà ông là cổ đông chính, năm ngoái lỗ 400 nghìn euro và năm nay có thể lỗ tiếp.

Từ HLV số 1 thế giới đến Special One, Mourinho, người đang đưa Inter tới Scudetto đầu tiên của mình trên đất Italia, là một thế giới khác. HLV của Intrer không thích mất thời gian cho việc đầu tư và cạnh tranh với những đồng nghiệp khác, dù hình ảnh của ông trong công chúng là rất lớn. Mourinho chỉ đầu tư một chút trong lĩnh vực xây dựng, nhưng đấy chẳng qua cũng chỉ là để sửa chữa nhà mình ở Setubal (quê ông) cũng như căn nhà gia đình ông đang thuê ở gần Como, miền Bắc Italia. Mourinho chỉ thực hiện một số rất ít các quảng cáo, tận dụng phần nào sự nổi tiếng của mình, như hợp đồng với hãng thẻ tín dụng American Express, đồng hồ Omega và khác sạn Hilton. Trong khi đó, tại Roma, người ta bảo rằng, đầu tư lớn nhất mà Spallettti cần làm, là trở thành HLV của Chelsea. Nhưng cuộc thương lượng không thành. Bây giờ, Spalletti cũng đầu tư vào bất động sản, tương tự như Fabio Capello. HLV đội tuyển Anh hiện gửi tiền tới 2 nơi, đảo Guernesey và Luxemburg. Ông đang sở hữu 2 công ty. Sport 3000 sẽ giữ bản quyền hình ảnh của Milano, trong khi FC (viết tắt tên của Fabio Capello) đầu tư vào lĩnh vực xây dựng.

Trong khi đó, HLV Juventus Ranieri cũng quan tâm đến khía cạnh nhà cửa và du thuyền. Ranieri nắm 10% cổ phần công ty chuyên môi giới nhà đất có tên gọi Immobiliare Claro di Bisonti & SOS (90% cổ phần nằm trong tay vợ ông). Ngoài ra, Ranieri cũng thành lập một công ty chuyên cho thuê thuyền đi lại trên biển có tên Sable. Còn Ancelotti, HLV của Milan? Ancelotti đã đầu tư vào bóng đá ngay khi ông vẫn còn là một cầu thủ trẻ (năm 1988). Công ty Ancelotti Line của ông đã đi vào hoạt động từ năm 2005 trên lĩnh vực may mặc, buôn bán quần áo và cũng như nhiều HLV Italia khác, bất động sản! Ancelotti cũng lập nên một công ty khác (Villa Luisa, trong đó Luisa là tên vợ ông) chuyên kinh doanh địa ốc.
 
Anh Ngọc (Roma, Italia)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm