Câu chuyện sân cỏ: Bóng đá đã trở thành môn thể thao 'Vua' ở Mỹ?

28/07/2014 19:46 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Các ngôi sao bóng đá châu Âu đều tới Mỹ vào mùa Hè này, vì công việc hoàn toàn, chứ không phải để nghỉ ngơi.

Manchester City, Real Madrid, Bayern Munich, AC Milan, Arsenal và Manchester United là những cái tên đáng kể nhất trong nhiều đội bóng sẽ vượt Đại Tây Dương. Các chuyến du đấu Bắc Mỹ trước mùa giải không phải là điều gì mới, nhưng thời điểm này là rất quan trọng.

Thời điểm hoàn hảo để đến Mỹ

Các đội bóng lớn của châu Âu tìm đến một đất nước vừa ngất ngây sau những màn trình diễn của đội nhà tại World Cup 2014. “Đây là thời điểm hoàn hảo để tới Mỹ”, HLV Arsenal Arsene Wenger nói. Đội bóng của ông sẽ có một trận duy nhất gặp New York Red Bulls vào thứ Bảy này. “Đây là lần đầu tiên kể từ khi tôi bắt đầu đi xem các kỳ World Cup, có nhiều CĐV người Mỹ nhận ra tôi trên đường như thế. Hiện giờ, mọi người Mỹ tôi gặp đều biết Arsenal, biết nước Anh và biết Premier League”.

Bữa tiệc bóng đá mùa Hè ở Brazil đã thật sự làm dấy lên những làn sóng hâm mộ mới ở Mỹ. Trận hòa của Mỹ với Bồ Đào Nha ở vòng bảng là trận bóng đá có nhiều người theo dõi nhất trong lịch sử nước Mỹ khi nó thu hút 25 triệu khán giả qua truyền hình. Con số đó đã giúp bóng đá vượt qua sự kiến bóng chày World Series 2013 với trung bình 15 triệu khán giả trên kênh Fox, trong khi các trận đấu ở VCK giải bóng rổ NBA cũng có con số tương tự theo ABC.

Ngay cả sau khi Mỹ đã bị loại sau hiệp phụ trong trận gặp Bỉ ở vòng 1/8 (23 triệu người xem), số khán giả truyền hình vẫn không giảm nhiều. Một kỷ lục mới được thiết lập khi 26,5 triệu khán giả Mỹ đã theo dõi trận chung kết World Cup Đức - Argentina.

“Nhiều người vẫn hỏi: Khi nào thì bóng đá mới thực sự là thể thao vua ở Mỹ?. Tôi cho rằng điều đó đã xảy ra rồi”, Daniel Wiersema, một CĐV từ Austin đã sang Brazil theo dõi đội nhà tại World Cup, nói. “So với năm 2010, chúng ta đã được chứng kiến sự quan tâm lớn hơn nhiều ngay từ khi giải khai mạc, và lại càng lớn khi Mỹ vượt qua vòng bảng và tiến xa. Ở World Cup Brazil, Mỹ gần như được chơi trên sân nhà vì trận nào của họ cũng rất đông các CĐV như tôi. Trên các mạng xã hội, những người theo dõi và thích giải nhà nghề Mỹ Major League Soccer (MLS) cũng đã tăng mạnh và LĐBĐ Mỹ tổ chức các bữa tiệc xem bóng đá ngoài trời ở Chicago thu hút số người xem đông tới mức giữa chừng họ phải chuyển sang Soldier Field (sân nhà của đội bóng bầu dục nhà nghề Mỹ Chicago Bears)”.

Với những ký ức về World Cup vẫn còn tươi mới, giờ các đội châu Âu sẽ mang tới những bữa tiệc bóng đá nữa cho nước Mỹ. Nhà vô địch Champions League Real Madrid, các CLB Anh Manchester City, Liverpool và Manchester United, những người khổng lồ Italy AC Milan, Inter Milan và Roma, cùng ngay cả đội bóng Hy Lạp Olympiacos, đều sẽ vượt Đại Tây Dương mùa hè này.

Họ sẽ cùng tham dự giải International Champions Cup với các trận đấu diễn ra rải rác từ sân của Đại học bang California ở Berkeley cho tới sân Sun Life ở Miami. Nhà vô địch Đức Bayern Munich và đội bóng Anh Tottenham là những cái tên đáng kể khác.

Không ai làm thể thao tốt hơn người Mỹ

“Các chuyến du đấu ở nước ngoài đã trải qua ba thời kỳ”, giáo sư Simon Chadwick, của Trung tâm kinh doanh thể thao quốc tế và Đại học kinh doanh Convetry, nói. “Đầu tiên, các chuyến du đấu giúp cầu thủ chuẩn bị cho mùa giải mới sau kỳ nghỉ Hè; sau đó, chúng trở thành phương tiện PR cho các CLB muốn có sự hiện diện ở nước ngoài. Nhưng giờ chúng ta đã bước qua thời kỳ thứ ba, khi các đội bóng vạch hẳn chiến lược phát triển những thị trường chủ chốt và đặt các mục tiêu rất dài hạn. Kiếm tiền trong ngắn hạn giờ ít quan trọng hơn là thiết lập cơ sở VĐV và đầu tư cho hình ảnh. Nếu một người Mỹ trở thành một CĐV cả đời của Man United sau một chuyến du đấu, CLB sẽ nhận được một phần thu nhập trong cả đời người đó, và anh ta là một người Mỹ”.

Megan Hession thuộc công ty Blakely Advisors, nhà tổ chức du đấu cho nhiều đội lớn, cho rằng "MLS đang đi đúng hướng để tối đa hóa lượng khán giả và nhận diện thương hiệu của họ. Không ai làm thể thao tốt hơn những người Mỹ”.

Hession nói việc MLS giảm bớt các hạn chế với cầu thủ nước ngoài, như cho phép các đội bóng mua những ngôi sao lớn và trả lương vượt trần, là rất ý nghĩa trong quá trình xây dựng thương hiệu dài lâu. “Chừng nào MLS còn có thể thu hút các ngôi sao và HLV giỏi, chúng ta còn hy vọng có thể sản sinh ra những Cristiano Ronaldo”.

Hiện giờ, những vị khách châu Âu đang rút ruột con bò sữa Mỹ với các chuyến du đấu mùa hè của họ, nhưng có vẻ như trong dài hạn, người Mỹ đang đặt mục tiêu sẽ xuất khẩu bóng đá cho cả thế giới.

Trần Trọng
(Theo CNN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm