Xung đột Libya: 5 di sản thế giới bị đe dọa

29/03/2011 11:14 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) Irina Bokova vừa qua đã lên tiếng kêu gọi cả Libya và Liên quân quốc tế tham gia thiết lập vùng cấm bay ở quốc gia châu Phi cần tôn trọng Công ước Hague về bảo tồn tài sản văn hóa trong các cuộc xung đột vũ trang. UNESCO muốn các bên tham chiến tổ chức các chiến dịch quân sự cách xa khỏi một số di sản văn hóa, nhằm bảo vệ chúng một cách tối đa.

>> Chuyên đề: Xung đột ở Libya

“Từ quan điểm di sản văn hóa, Libya là một vùng đất đóng vai trò vô cùng quan trọng với nhân loại” - bà Irina Bokova viết trong một lá thư gửi tới các đại diện thường trực ở UNESCO của một số nước tham gia liên quân quốc tế - “Nhiều khu vực đã từng chứng kiến những thành tựu lớn về mặt kỹ thuật và nghệ thuật thuộc về các tiền bối của dân tộc Libya ngày nay và do đó tạo thành một di sản quý giá”.

5 di sản thế giới bị đe dọa

UNESCO nói rằng trong các di sản này có 5 khu vực đã được đưa vào danh sách Di sản thế giới, gồm: thị trấn cổ Ghadamès; các tranh vẽ trên đá ở núi Acacus; di chỉ khảo cổ Cyrene; di chỉ khảo cổ Leptis Magna và di chỉ khảo cổ Sabratha.

Thị trấn cổ Ghadamès, còn được mệnh danh “hòn ngọc của sa mạc”, nằm gọn trong một ốc đảo, cách thủ đô Tripoli khoảng 549 km về phía Tây Nam. Các dữ kiện lịch sử cho thấy Ghadamès đã được hình thành từ thời La Mã và thị trấn này là một bằng chứng tuyệt vời về quá trình định cư truyền thống.

Những phế tích hết sức giá trị ở di chỉ Leptis Magna

Cả thị trấn là một quần thể nhiều ngôi nhà, được bố trí gần như thành một vòng tròn. Phần tường hướng ra phía ngoài của mỗi ngôi nhà được gia cố để trở nên vững chắc giống như bức tường thành. Phần mái của các ngôi nhà nhô ra, phủ bóng lên những lối đi phía dưới khiến người qua lại giống như đang đi trong một tuyến đường hầm. Phần sân thượng của ngôi nhà, nơi có nhiều khí trời trong lành, được dành cho phụ nữ.

Dù trải qua nhiều biến động thăng trầm, Ghadamès vẫn bảo tồn rất tốt các ngôi nhà cổ, được xây nên từ đất sét, gỗ, được quét vôi, vẽ tranh trang trí hết sức đẹp mắt.

Trong khi đó các tranh vẽ trên đá ở núi Acacus nằm ở khu vực biên giới giữa Libya với Algeria. Nơi đây vẫn còn tồn tại hàng ngàn bức tranh vẽ trên đá khác nhau. Các bức tranh này được vẽ từ năm 12.000 TCN tới năm 100. Chúng mô phỏng những thay đổi của quần thể động vật và thực vật trong vùng. Chúng cũng có các chủ đề rất đời thường như cảnh đi săn, cảnh sinh hoạt hoặc các điệu nhảy trong những nghi lễ tín ngưỡng... Một đội khảo cổ Italia và Libya đã làm việc liên tục từ năm 1955 tới nay để thống kê và sắp xếp theo danh mục các bức tranh này.

3 di chỉ khảo cổ rất giá trị

Nằm cách thủ đô Tripoli không xa là di chỉ khảo cổ Cyrene. Thành phố này được thành lập vào thế kỷ 4 TCN trong vai trò một khu định cư mới của Hy Lạp. Nó đã từng nằm dưới sự cai quản của Alexander đại đế, là một tỉnh của La Mã, bị tướng La Mã Mark Anthony tặng cho Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra, trước khi được hoàng đế Augustus sáp nhập với Crete và sau đó lại tách ra.

Cyrene chỉ suy tàn vào năm 365 sau CN, sau một trận động đất sóng thần khổng lồ. Một quá trình lịch sử kéo dài cả ngàn năm đã được ghi lại trên những đống đổ nát của Cyrene, qua đó cung cấp một giá trị khảo cổ vô cùng to lớn.

Cũng nằm gần Tripoli là di chỉ khảo cổ Leptis Magna: Thành phố này được những người Phoenicia tạo ra vào năm 1100 trước CN. Leptis Magna bắt đầu nổi tiếng từ năm 193 sau CN, khi Lucius Septimius Severus, một người bản xứ trở thành Hoàng đế La Mã. Ông yêu thích Leptis Magna nên đã dồn tiền của mở rộng nơi này, khiến nó trở thành một trong những đô thị đẹp nhất của La Mã, với các tượng đài, bến cảng, khu chợ, cửa hàng và khu dân cư vô cùng tráng lệ. Tầm quan trọng của thành phố này cũng đứng hàng nhất châu Phi, vượt qua cả Carthage và Alexandria.

Chính sự giàu có đã khiến Leptis Magna trở thành nạn nhân của các cuộc cướp phá kéo dài suốt thế kỷ thứ 4. Hiện nay, Leptis Magna bị chôn vùi dưới cát và chỉ được khám phá từng phần theo sau một cuộc khai quật kéo dài.

Cuối cùng là di chỉ khảo cổ Sabratha. Nơi đây có phế tích nổi tiếng của một nhà hát cổ có sức chứa 5.000 người, được trang trí đẹp đẽ bằng những bức phù điêu tả lại các sự kiện mang tính lịch sử, thần thánh và cả nội dung nghệ thuật. Các công trình đáng chú ý khác gồm đền thờ Liber Pater, hoàng cung Justinian, đền thờ Serapis, đền thờ Hercules và đền thờ Isis. Phần lớn thành phố cổ bị hủy diệt sau các trận động đất vào năm 365.

Quan ngại của UNESCO

Hiện dù chưa có báo cáo nào liên quan tới việc các chiến dịch quân sự làm hư hại công trình văn hóa, ít nhất có 3 điểm gây quan tâm lớn do chúng nằm gần Tripoli và các khu vực chiến lược. UNESCO nói rằng các điểm này gồm phế tích Leptis Magna, Sabratha và Cyrene.

“UNESCO đang cố làm tất cả những gì có thể” - Jan Hlavik, một chuyên viên ở đơn vị Bảo tàng và Văn hóa của UNESCO nói - “Chúng tôi chỉ cố giảm thiểu rủi ro cho các khu vực đó và cả những nơi khác nữa ở Libya thông qua việc gửi thông tin cho liên quân, đề nghị họ quan tâm hơn tới các khu vực văn hóa khi lên kế hoạch quân sự”.

Được biết trong số 10 quốc gia đã tham gia Liên quân quốc tế triển khai vùng cấm bay theo Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an LHQ, có 8 nước đã ký vào công ước Hague về bảo tồn tài sản văn hóa trong các cuộc xung đột vũ trang (Bỉ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Italia, Qatar, Tây Ban Nha và Mỹ).

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm