Vụ mất tích máy bay Malaysia Airlines: Lỗ hổng chết người từ việc không kiểm tra hộ chiếu

11/03/2014 07:25 GMT+7 | Trong nước


(Thethaovanhoa.vn) - Khi bạn đi du lịch bằng máy bay, các nhân viên an ninh sân bay có thể sẽ nghi ngờ, kiểm tra toàn bộ hành lý và khám xét từ đầu tới chân bạn. Nhưng vẫn có khả năng họ sẽ chẳng kiểm tra xem bạn có dùng hộ chiếu bị thất lạc hoặc đánh cắp từ người khác hay không.

Lỗ hổng an ninh mà công chúng ít biết này vừa được rọi sáng trong ngày 9/3, khi tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol nói rằng các máy tính của họ có chứa thông tin về vụ đánh cắp 2 tấm hộ chiếu, đã được sử dụng để giúp 2 kẻ mạo nhận danh tính lên chiếc máy bay Boeing 777 yểu mệnh của hãng Malaysia Airlines. Vấn đề là chẳng có ai buồn kiểm tra kho dữ liệu trước khi máy bay cất cánh.

Chờ thảm kịch mới tăng cường an ninh

Lâu nay Interpol đã phát tín hiệu cảnh báo về việc hoạt động đi lại trên toàn cầu tăng lên đã giúp hình thành một thị trường chuyên cung cấp danh tính giả hoặc hộ chiếu rởm. Thị trường này thu hút rất nhiều đối tượng sử dụng: những người nhập cư trái phép, các tay buôn ma túy, thậm chí là lực lượng khủng bố. Về cơ bản thị trường này đáp ứng nhu cầu của tất cả những người thích đi lại mà không bị ai chú ý.

Không dễ phát hiện những tấm hộ chiếu giả, nhưng một trong những phương thức chống lại chúng hiệu quả nhất là kiểm tra kho dữ liệu của Interpol

Không dễ phát hiện những tấm hộ chiếu giả, nhưng một trong những phương thức chống lại chúng hiệu quả nhất là kiểm tra kho dữ liệu của Interpol

Hiện chưa rõ 2 tấm hộ chiếu bị đánh cắp ở trên có liên quan gì tới vụ mất tích chiếc Boeing 777 chở theo 239 người từ Kuala Lumpur, Malaysia tới Bắc Kinh, Trung Quốc hay không. Vấn đề nằm ở chỗ những vụ lọt lưới như thế không mới và bất chấp Interpol đã cảnh báo, nhiều nước vẫn lơ là công tác kiểm tra hộ chiếu.

Theo Interpol, năm ngoái có hơn 1 tỷ người đã lên máy bay dù hộ chiếu của họ không bị kiểm tra đối chiếu với kho dữ liệu về 40 triệu tấm hộ chiếu bị đánh cắp hoặc thất lạc của tổ chức này. Tổng thư ký Interpol là Ronald K. Noble nói trong thông báo đưa ra hôm 9/3 rằng, tổ chức đã nhiều lần chất vấn vì sao các nước phải "chờ cho tới khi thảm kịch xảy ra mới tăng cường an ninh tại các biên giới và các cổng lên máy bay".

Vũ khí quan trọng nhưng ít được dùng

Interpol cũng dẫn ra một số vụ dùng hộ chiếu đánh cắp/thất lạc đáng chú ý gần đây: Một nghi phạm tội ác chiến tranh đã tìm cách dự một cuộc hội thảo ở Congo, nhưng bị bắt giữ kịp thời; kẻ sát hại Thủ tướng Serbia đã vượt qua 27 biên giới với việc sử dụng một tấm hộ chiếu bị đánh mất, trước khi bị tóm; Samantha Lewthwaite, vợ cũ của một trong những kẻ đánh bom tự sát hệ thống giao thông vận tải công cộng London (Anh) hồi năm 2005, đã thoát khỏi việc bị bắt nhờ sử dụng một tấm hộ chiếu Nam Phi giả.

Việc lơ là kiểm tra đôi khi do nhà chức trách không thể xử lý xuể công việc. Hoạt động điều phối mua vé và kiểm soát biên giới ở các nước luôn khác nhau nên Interpol không thể đưa ra một lời giải thích chung cho việc vì sao các nước không dùng kho dữ liệu của họ một cách có hệ thống.

Trong thập kỷ vừa qua, Interpol đã cần mẫn tích trữ và chia sẻ thông tin về hộ chiếu bị thất lạc hoặc bị đánh cắp theo một cách ít cơ quan quốc tế nào có thể làm được: dựa trên 190 nước thành viên. Interpol lập kho dữ liệu còn vì một thực tế là an ninh hàng không đang dần trở thành vấn đề quốc tế. Một ví dụ cụ thể là chuyến bay của Malaysia Airlines vừa mất tích có phần lớn hành khách mang quốc tịch Trung Quốc, Malaysia. Tuy nhiên nó cũng có các hành khách mang hộ chiếu Mỹ, Australia, Pháp, Indonesia và Ukraine.

Interpol cho biết trong năm ngoái, kho dữ liệu về hộ chiếu bị đánh cắp/thất lạc của tổ chức được các chính quyền sử dụng để tìm kiếm thông tin hơn 800 triệu lần. Tuy nhiên khoảng 1/8 hoạt động tìm kiếm đó là do Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất thực hiện. Mỹ, Anh, Pháp và Thụy Sĩ là những người dùng lớn khác của kho dữ liệu. Nhưng các nước còn lại sử dụng kho khá hạn chế.

"Giờ đây chúng ta đang có một vụ ngoài thực tế, khi thế giới phỏng đoán về việc liệu có phải những kẻ mang hộ chiếu giả đó là khủng bố hay không. Cùng lúc Interpol cũng đưa ra câu hỏi vì sao chỉ có vài nước trên thế giới quan tâm tới việc những người sở hữu hộ chiếu bị đánh cắp không được lên các chuyến bay quốc tế" - Noble nói hôm 9/3.

Mối quan tâm đang tăng lên

Nhưng khi phát biểu trước các phóng viên ở Paris vào tháng 10 năm ngoái, Noble đã tự trả lời câu hỏi của mình. Ông cho biết một số nước thành viên giải thích rằng họ thiếu nguồn lực cảnh sát, quan ngại tới vấn đề riêng tư cá nhân hoặc có sự thù địch về mặt chính trị với những quốc gia khác.

Mặc dù vậy, mối quan tâm của cộng đồng quốc tế với kho dữ liệu của Interpol đang tăng lên. Các nhà chức trách quốc tế đã kiểm tra kho này 760 triệu lần trong năm 2012 và phá được 60.000 vụ dùng giấy tờ giả.

Hồi tháng 11, trong một cuộc hội đàm khác về chủ đề kiểm tra hộ chiếu, Noble tiếp tục cảnh báo rằng 4/10 hành khách quốc tế hiện vẫn chưa bị kiểm tra đối chiếu với kho dữ liệu của Interpol. Vấn đề là một số quốc gia vẫn chưa nhận thức được mối đe dọa. Ông chỉ ra một ví dụ về sự tiến bộ: trong năm 2006, Mỹ chỉ tiến hành 2.000 cuộc kiểm tra đối chiếu, nhưng chỉ 3 năm sau đã thực hiện tới 78 triệu lần kiểm tra.

Interpol hiện còn muốn các hãng hàng không vào cuộc. Tổ chức đã triển khai một sáng kiến mang tên "I-Checkit" sẽ cho phép các doanh nhân trong ngành công nghiệp du lịch, ngân hàng và đón tiếp khách có thể kiểm tra nhanh các tấm hộ chiếu khi khách hàng của họ muốn đặt vé chuyến bay, đặt phòng khách sạn hoặc mở tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên dự án này vẫn đang trong giai đoạn phác thảo.

Chống hộ chiếu giả rất khó

Tại Thái Lan, nơi cảnh sát di trú bắt một người đàn ông Thái với 5.000 tấm hộ chiếu giả hồi năm ngoái, nhà chức trách cho biết hoạt động hợp tác quốc tế có hiệu quả, song lực lượng làm giả đang sử dụng các công nghệ hiện đại hơn. Ngoài ra họ có thể trốn khỏi việc bị bắt giữ bằng cách sử dụng các kỹ thuật như tìm một người trông giống với tấm hộ chiếu hoặc chỉnh sửa ảnh trong hộ chiếu. Tướng Warawuth Thaweechaikarn, chỉ huy đơn vị điều tra của Cảnh sát di trú Thái Lan cảnh báo nhà chức trách "không phải lúc nào cũng phát hiện được" những kẻ dùng hộ chiếu giả.

Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm