Vụ hacker đột nhập máy tính Sony: Hé lộ khả năng tiến hành chiến tranh mạng của Triều Tiên

19/12/2014 06:31 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Sự kiện hãng phim Sony Pictures bị tin tặc “hỏi thăm” và tung ra nhiều bí mật trong thời gian gần đây đã thu hút sự chú ý của dư luận. Giới chức Mỹ lập tức cho rằng vụ tấn công có bàn tay của các hacker tới từ Triều Tiên và vụ việc phần nào cho thấy sức mạnh của lực lượng tác chiến điện tử thuộc nước này.

Hôm 17/12, tờ New York Times cho hay chỉ vài giờ sau khi Sony hủy lịch phát hành bộ phim hài The Interview, các quan chức Mỹ giấu tên đã lên tiếng cho rằng Triều Tiên có liên quan tới vụ tấn công vào mạng máy tính của hãng này. Trước đó Triều Tiên đã rất tức giận khi Sony lên kế hoạch phát hành The Interview, bộ phim hài với nội dung nói về âm mưu ám sát nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

Một lực lượng chiến lược

Tuyên bố của giới chức Mỹ đã hướng sự chú ý vào khả năng tiến hành chiến tranh điện tử phi đối xứng của Triều Tiên, chống lại các đối thủ mạnh hơn. Theo tờ Wall Street Journal, Triều Tiên thường lựa chọn những tài năng sáng giá nhất của nước này cho hoạt động huấn luyện chiến tranh điện tử. Triều Tiên cũng đầu tư khá nhiều cho chương trình tác chiến điện tử, khi các lực lượng quân sự thông thường của nước này đã trở nên già cỗi và ngày càng lạc hậu.


Sony đã phải hủy lịch tung The Interview ra rạp sau khi bị hacker tấn công mạng máy tính

Cuối năm ngoái, cơ quan tình báo Hàn Quốc dẫn lời nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nói rằng khả năng tiến hành chiến tranh điện tử là “một thứ vũ khí ma thuật”. Nghị sĩ Hàn Quốc Cho Won-Jin thì cho rằng cùng với khả năng tấn công hạt nhân, chiến tranh điện tử sẽ khiến Triều Tiên có đủ khả năng đe dọa Hàn Quốc.

Kim Heung-kwang, cựu giáo sư khoa học máy tính ở Triều Tiên nói rằng nhiều thanh niên con nhà khá giả ở Triều Tiên hiện rất thèm muốn được trở thành một chiến binh điện tử. Kim, người đã đào tẩu sang Hàn Quốc từ năm 2004, nói rằng ông đã dạy cho các hacker Triều Tiên nhiều chủ đề về mạng máy tính như mã hóa và truyền dữ liệu. Các học sinh giỏi nhất của ông sẽ tiếp tục được gửi tới Trung Quốc hoặc Nga để nâng cao khả năng, trước khi trở lại Triều Tiên

“Làm việc trong vai trò chiến binh của lực lượng tác chiến điện tử sẽ đảm bảo một cuộc sống tốt. Anh có thể sử dụng máy tính một cách tự do và được ra nước ngoài. Đó là một vị trí thuận lợi để được thăng tiến trong tương lai” – ông Kim nói.

Ẩn số Đơn vị 121

Cơ quan điều tra Mỹ hiện nghi ngờ Đơn vị 121 thuộc tình báo Triều Tiên đã đứng sau vụ tấn công vào Sony. Hàn Quốc cũng cho rằng đơn vị này đã tiến hành nhiều cuộc tấn công mạng vào các trang web của chính quyền Hàn Quốc, các ngân hàng và đài truyền hình ở nước này.

Tổ chức trí thức đoàn kết Triều Tiên, một tập hợp những người đào tẩu khỏi Triều Tiên nằm dưới sự lãnh đạo của ông Kim Heung-kwang, tuyên bố hồi đầu tháng trước rằng vài đơn vị tác chiến điện tử, gồm Đơn vị 121, đã được lệnh thu thập dữ liệu quan trọng về hoạt động phát triển vũ khí của các quốc gia có vũ khí hạt nhân.


Giới chuyên gia tin rằng không thể xem nhẹ khả năng tiến hành chiến tranh điện tử của Triều Tiên

Ước tính Triều Tiên có từ vài trăm tới vài ngàn chiến binh điện tử. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin tuyên bố hồi năm ngoái rằng Triều Tiên đang điều hành một lực lượng tác chiến điện tử đông tới 3.000 người.

Jang Jin-sung, cựu quan chức thuộc cơ quan tuyên truyền Triều Tiên thì nói rằng các hacker thường sống ở Trrung Quốc trong vỏ bọc kỹ sư phần mềm bình thường. Họ sẽ tham gia hoạt động tấn công mạng khi Bình Nhưỡng gửi lệnh hành động. Tuy nhiên không có ai đủ thẩm quyền để xác nhận thông tin ông Jang đưa ra có chính xác hay không.

Đã có thể tấn công các mục tiêu nhạy cảm

WSJ cho biết phần lớn các vụ tấn công được cho là do hacker Triều Tiên thực hiện mới chỉ ở dạng từ chối dịch vụ (DDOS) thông thường, trong đó các trang web bị tràn ngập bởi lệnh yêu cầu cung cấp thông tin khiến chúng quá tải. Nhưng gần đây, hacker Triều Tiên đã cài nhiều phần mềm độc hại, như trong các vụ tấn công vào Hàn Quốc hồi năm 2013, khiến hàng ngàn máy tính tại các đài truyền hình và ngân hàng Hàn Quốc hư hỏng. Theo WSJ, cơ quan điều tra Mỹ đã tìm thấy nhiều đặc điểm tương đồng giữa những vụ tấn công này và vụ tấn công mới nhất nhằm vào Sony.

Vụ tấn công hồi năm 2013 cho thấy các hacker Triều Tiên đã phát triển vượt qua ngưỡng thực hiện tấn công DDOS thông thường. Thay vì thế lực lượng này đã có các đòn tấn công “tập trung hơn, phức tạp và được tổ chức tốt hơn, gồm nhiều giai đoạn đánh phá một hệ thống hoặc mạng máy tính mục tiêu”. Nhận xét này được Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế đưa ra vào tuần trước, cho thấy giới quan sát giờ đã  không còn xem nhẹ khả năng tác chiến điện tử của Triều Tiên nữa.

Báo cáo nói rằng tốc độ tiến bộ trong các kỹ thuật đột nhập mạng máy tính của hacker Triều Tiên đã tăng rất mạnh. Báo cáo đánh giá Triều Tiên đã có thể thực hiện các vụ tấn công mạng có sức tàn phá lớn hơn nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của đối phương như trạm điện và sân bay.

Được biết, người trả lời điện thoại tại Cơ quan lãnh sự Triều Tiên ở Hong Kong đã từ chối bình luận về các đánh giá liên quan tới khả năng tiến hành chiến tranh mạng của nước này.

Tường Linh  (Theo Wall Street Journal)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm