Vụ đánh bom ở Boston: Khủng bố “nội địa”?

17/04/2013 07:38 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Vụ khủng bố Boston vừa diễn ra, làm 3 người chết và hơn 100 người bị thương, đã khiến cả nước Mỹ chấn động, đồng thời đặt ra câu hỏi về việc ai có thể gây ra tội ác kinh khủng như vậy?

Hiện có 3 hướng giả thuyết chủ đạo liên quan tới vụ tấn công khủng bố. Hướng đầu tiên cho rằng đây là kết quả từ hành động của những kẻ cực đoan cánh hữu ở nước Mỹ.

Nghi vấn “sản phẩm” của phe cánh hữu

Vụ khủng bố mới diễn ra không lâu trước lễ kỷ niệm 2 vụ khủng bố khác. Đó là vụ đánh bom thành phố Oklahoma vào ngày 19/4 và vụ thảm sát tại trường Trung học Columbine vào ngày 20/4. Trong đó đáng chú ý là vụ đánh bom Oklahoma, diễn ra vào năm 1995, do một nhân vật cánh hữu gây ra làm 168 người chết. Đây là vụ tấn công khủng bố lớn nhất ở Mỹ, trước vụ 11/9/2001.

Dưới thời Tổng thống Barack Obama, đã có sự tăng vọt số các nhóm "Yêu nước" chống chính quyền. Trung tâm luật Southern Poverty (SPLC), nơi theo dõi hoạt động của các nhóm thù ghét tại Mỹ, cho biết rằng số các nhóm “Yêu nước” đã đạt đỉnh vào năm 2012 và tăng tới 813% trong vòng 4 năm qua.

An ninh đã được tăng cường tại nhiều thành phố lớn của Mỹ và các đội chống khủng bố đã được yêu cầu bảo vệ các công trình nhạy cảm

Ngày 15/4 cũng là thời điểm diễn ra ngày “Yêu nước”, một ngày nghỉ chính thức ở tiểu bang Massachusetts để kỷ niệm các trận chiến Lexington và Concord trong năm 1775. Đây là các trận chiến đầu tiên trong cuộc chiến tranh giành độc lập ở Mỹ và có thể là động cơ để các nhóm cánh hữu ăn mừng. "Ngày Yêu nước giống như cột thu lôi cho các hoạt động của các nhân vật chống chính quyền cực đoan" - SPLC nhận xét.

Chính SPLC từng thông báo hồi tháng trước rằng "đã hình thành khả năng xảy ra bạo lực ở Mỹ", sau khi có tin nói rằng một đạo luật kiểm soát súng mới sẽ được ban hành. Được biết vụ khủng bố Oklahoma đã xảy ra sau khi phong trào “Yêu nước” bị kích động bởi đạo Luật ngăn chặn bạo lực do súng ngắn gây ra (luật Braddy 1993) và lệnh cấm súng trường tấn công 1994.

Theo Telegraph, các tay khủng bố cánh hữu như Timothy McVeigh, kẻ chịu trách nhiệm gây ra vụ khủng bố Oklahoma, thường chọn mục tiêu liên quan tới ý thức hệ của chúng, như các tòa nhà chính quyền liên bang hoặc sở thuế. Tuy nhiên các tay khủng bố thời hiện đại có thể sẽ chọn một cuộc thi marathon để thu hút sự chú ý tối đa. Một số chuyên gia khủng bố phỏng đoán các nhân vật cánh hữu trong nước đã xem cuộc thi Marathon Boston như một hình ảnh tiêu biểu sự tự do, đa văn hóa của nước Mỹ và nó đáng bị đưa vào tầm ngắm.

“ Khủng bố hình thành từ nội địa”

Hướng nghi vấn thứ hai đánh giá những người Hồi giáo, hoặc là công dân Mỹ, hoặc tới từ nước ngoài và có liên hệ với Al Qaeda, là thủ phạm. Peter Neumann, giáo sư nghiên cứu an ninh tại trường King’s College, London, nói rằng các chuyên gia hiện đang tìm cách xác định nhóm nào đã đánh bom dựa vào việc phân tích cấu tạo của các quả bom, hoạt động lựa chọn mục tiêu và phương thức ra tay.

Ông dẫn nguồn báo chí Mỹ cho biết kẻ tấn công sử dụng bom tự chế (IED) có kèm theo bi sắt và các mảnh vỡ ở trong để tăng tối đa tính sát thương và khiến các nạn nhân bị thương tật khủng khiếp. Các vũ khí như IED đã gây hại cho vô số lính Mỹ và cả dân thường ở Iraq, Afghanistan.

Vụ tấn công ở Boston đã một lần nữa cho thấy công tác chống khủng bố luôn là thách thức khổng lồ.

Tuy nhiên, việc gài kèm các vật thể nguy hiểm vào vật liệu nổ để tăng hiệu quả đánh bom còn được các tổ chức như Những con hổ giải phóng Tamil ở Sri Lanka sử dụng. Hai thiết bị nổ được kích hoạt trong vụ nổ diễn ra hôm 15/4 đã được đặt trong thùng rác và hoạt động tấn công kiểu này giống với cách nhóm Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA) thực hiện trong những năm 1970.

Neumann thì cho rằng việc thuốc nổ thô được sử dụng là dấu hiệu về sự liên quan của các nhóm cánh hữu hoặc Al Qaeda nghiệp dư. "Một quả bom với các viên bi ở trong thường là sản phẩm tự chế. Đây là loại vũ khí anh có thể tạo ra chỉ với chút sự giúp đỡ, hướng dẫn qua internet" - Neumann nói.

Ngoài hai hướng giả thuyết trên, cảnh sát sẽ tích cực tìm kiếm trên mạng xem có kẻ nào huênh hoang về việc đã gây ra vụ khủng bố hay không. "Ý nghĩa của hành động khủng bố là phát đi một thông điệp thông qua hành động bạo lực. IRA thường gọi cho một tờ báo và giờ thì họ có thể tuyên bố nhận trách nhiệm trên internet" - Neumann nói.

Cho tới nay, chưa có tổ chức nào lên tiếng nhận trách nhiệm, cho thấy nhiều khả năng thủ phạm có thể đã hành động đơn lẻ. Hoặc cũng có thể thủ phạm là thành viên của một nhóm có quan hệ lỏng lẻo với một mạng lưới khủng bố lớn hơn.

Theo Juliette Kayyem, một giảng viên tại Trường Quản lý nhà nước Kennedy thuộc Đại học Harvard, không loại từ khả năng thủ phạm là kẻ lớn lên từ nước Mỹ. Bà nói với tờ Boston Globe: "Đây có vẻ như là một tên khủng bố hình thành từ nội địa, với một số lý tưởng chính trị thuộc về cánh hữu hoặc cánh tả. Nhân vật này hoẳn phải biết rõ giải marathon Boston có sức lôi cuốn với người dân ở đây đến thế nào". 

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm