Vì sao tên lửa Triều Tiên phát nổ?

14/04/2012 11:39 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Ngày 13/4, Triều Tiên đã thất bại trong việc phóng “vệ tinh quan trắc Kwangmyongsong-3” lên quỹ đạo Trái đất. Sự việc còn đặt dấu hỏi liên quan tới trình độ chế tạo tên lửa của quốc gia châu Á này.

Hàn Quốc là nơi đầu tiên cho biết Triều Tiên đã phóng tên lửa mang vệ tinh vào lúc 7giờ 39 phút sáng (giờ địa phương). Tuy nhiên Bộ Quốc phòng nước này nói rằng quả tên lửa chỉ bay được khoảng 1-2 phút trước khi phát nổ trên không trung và các mảnh vỡ đã rơi xuống Hoàng Hải.

Lần đầu tiên thừa nhận thất bại

Thời điểm phát nổ, tên lửa đã đạt đến độ cao 151 km trên đảo Baengnyeong của Hàn Quốc. Sau đó, nó vỡ thành khoảng 20 mảnh. Mảnh vỡ tên lửa rơi trên biển trong một khu vực rộng lớn, cách thành phố Pyeongtaek của Hàn Quốc khoảng 100-150 km về phía Tây.

Hãng tin Kyodo cũng dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Naoki Tanaka cho biết hơn 1 phút sau khi rời bệ phóng, tên lửa mang theo vệ tinh theo dõi thời tiết của Triều Tiên đã rơi xuống biển. Bộ trưởng Tanaka khẳng định vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên "không ảnh hưởng" đến lãnh thổ Nhật Bản và nước này sẽ tổ chức cuộc họp an ninh vào sáng cùng ngày.

Còn hãng tin CNN chỉ dẫn lời các quan chức Mỹ nói rằng tên lửa của Triều Tiên đã bị rơi. Trong một động thái hiếm thấy, hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên (KCNA) lần đầu tiên thừa nhận việc vệ tinh Kwangmyongsong-3 không đi vào quỹ đạo như dự kiến - cũng có nghĩa cuộc phóng vệ tinh đã thất bại.

Trước đó, Triều Tiên tuyên bố đã sẵn sàng để thực hiện vụ phóng vệ tinh quan trắc Kwangmyongsong-3 bằng tên lửa Unha-3 (Thiên hà 3) trong khoảng thời gian từ 12-16/4 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Thông báo về kế hoạch phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng đã gây phản ứng mạnh từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Các nước này cho rằng vụ phóng của Triều Tiên là một hành động khiêu khích và là bình phong che đậy chương trình thử tên lửa tầm xa.

Trái với kỳ vọng của Triều Tiên, tên lửa Unha-3 đã thất bại trong việc bay lên quỹ đạo Trái đất

Chương trình tên lửa tham vọng

Tờ Los Angeles Times dẫn lời ông David Wright, một chuyên gia kiểm soát vũ khí của tổ chức Liên minh Điều các nhà khoa học quan tâm, đánh giá thất bại của vụ phóng tên lửa cho thấy khả năng về tên lửa của Triều Tiên có vẻ không lớn như phương Tây đã lo ngại.

Wright cho biết Triều Tiên đã phát triển tên lửa trong hàng thập kỷ. Cụ thể, nước này bắt đầu chương trình tên lửa từ cuối những năm 1970 hoặc đầu những năm 1980. Quả tên lửa đầu tiên Triều Tiên nghiên cứu là loại Scud-B do Liên Xô sản xuất với tầm bắn 300km. Từ giai đoạn 1987-1992, Triều Tiên bắt đầu phát triển một phiên bản của tên lửa Scud-C (tầm bắn 500km),  Rodong-1 (1.300 km), Taepodong-1 (2.500 km), Musudan-1 (3.000 km) và Taepodong-2 (6.700 km).

Tên lửa Scud-B, Scud-C và Rodong-1 đều đã được bắn thử thành công. Tháng 8/1998, Triều Tiên tuyên bố phóng vệ tinh lên quỹ đạo trái đất, một hành động bị phương Tây xem là bình phong để thử tên lửa. Quả tên lửa được cho là Taepodong-1 đã bay qua Nhật Bản, khiến Tokyo đặt trong tình trạng báo động. Tuy nhiên tầng thứ 3 của nó phát nổ trước khi vệ tinh mang theo bay vào quỹ đạo Trái đất.

Tháng 9/1999, Triều Tiên tuyên bố cấm việc phóng tên lửa tầm xa trong bối cảnh cải thiện quan hệ với Mỹ. Thế nhưng các cuộc đàm phán Mỹ-Triều về tên lửa đã không mang lại tiến triển nào, bởi Triều Tiên kiên định với yêu cầu viện trợ 1 tỉ USD mỗi năm để đổi lấy việc ngưng xuất khẩu tên lửa. Năm 2005, nước này chấm dứt việc cấm thử tên lửa tầm xa, đổ lỗi cho chính sách "thù địch" của chính quyền Tổng thống Mỹ G.  W.Bush.

Ngày 5/7/2006, một quả tên lửa Taepodong-2 được bắn thử, nhưng đã phát nổ sau khi rời bệ phóng 40 giây. Tới ngày 5/4/2009, Triều Tiên tiếp tục tuyên bố phóng vệ tinh bằng tên lửa Unha-2 (Thiên hà -2), vốn bị phương Tây coi là phiên bản của tên lửa Taepodong-2. Các chuyên gia tin rằng tầng thứ 3 của quả tên lửa này đã tách rời khỏi tầng thứ 2, nhưng đã không kích hoạt, dẫn tới thất bại.

Nhọc nhằn tiến triển về công nghệ

“Trong lần phóng hồi năm 2009, 2 tầng đầu của tên lửa đã hoạt động hoàn hảo, chỉ có tầng thứ 3 không hoạt động. Nhưng lần này mọi chuyện còn tệ hơn…”

Triều Tiên mô tả các vụ phóng vệ tinh trong năm 2009 và 2012 sử dụng loại tên lửa dân sự Unha của họ. Mỹ xem đây chỉ là phiên bản khác của tên lửa Taepodong-2. Tên lửa Unha-3 vừa phát nổ rất giống với các tên lửa đã phóng lên hồi năm 2006 và 2009.

Theo giới phân tích, quả tên lửa này có chiều cao chừng 30 mét, nặng 80-85 tấn. Tầng 1 có đường kính 2,4 mét, khả năng sử dụng 4 động cơ tên lửa Nodong và chia sẻ một thùng nhiên liệu. Động cơ của Nodong là một phiên bản tiên tiến hơn của tên lửa Scud-B.

Kích thước của tầng 2 và tầng 3 khá giống với các phần của những quả tên lửa khác. Tầng 2 giống với tên lửa đạn đạo một tầng R-27 của Liên Xô, còn gọi là SS-N-6, được phát triển vào năm 1968. Có tin nói Triều Tiên đã mua được một số tên lửa SS-N-6 trong những năm 1990 và đã chỉnh sửa chúng để sử dụng làm tên lửa tầm trung.

Tên lửa SS-N-6 dùng nhiên liệu lỏng, hiện đại hơn tên lửa Scud-B. Nó có khả năng tạo lực đẩy lớn, dù kích thước nhỏ. Do được thiết kế để dùng trên tàu ngầm, tên lửa này có bề ngoài rất gọn và dùng vỏ hợp kim nhôm khá nhẹ. Nó có tầm bắn 2.400km khi mang đầu đạn 650kg. Việc Triều Tiên sử dụng tên lửa này làm tầng 2 lý giải được nguyên nhân vì sao tầng 2 của Unha có đường kính nhỏ hơn tầng 1. Đường kính tầng 1 to lớn còn vì lượng nhiên liệu nó phải mang theo.

Trong khi đó, tầng 3 của tên lửa rất giống với loại Safir-2 của Iran, từng mang một vệ tinh nhỏ lên quỹ đạo hồi năm 2009. Tình báo phương Tây luôn tin rằng Iran và Triều Tiên có sự hợp tác nhất định về công nghệ tên lửa. Dựa trên phân tích tên lửa Safir-2, người ta thấy rằng tầng thứ 3 dùng các động cơ định hướng nhỏ của tên lửa SS-N-6 để tạo lực đẩy. Vì thế, tầng 3 này sẽ dùng nhiên liệu rắn thay vì nhiên liệu lỏng như ở tên lửa Taeopdong-1. Động cơ định hướng của SS-N-6 có lực đẩy khá nhỏ, với lực đẩy tối đa của nó chỉ chưa bằng 15% động cơ chính. Tuy nhiên nó vẫn tạo ra được sự thay đổi nhỏ về tốc độ và đủ để đưa vệ tinh cỡ nhỏ vào quỹ đạo Trái đất.

Các nhà phân tích nói rằng với những tên lửa nhiều tầng, khó khăn lớn nhất nằm ở việc tách tầng và điều khiển hoạt động của mỗi tầng. Riêng với tầng thứ 3 của tên lửa, khó khăn càng tăng lên gấp bội bởi việc chế tạo nó rất phức tạp và nó phải đáp ứng các yêu cầu có đủ lượng nhiên liệu để tạo lực đẩy trong thời gian đủ dài cũng như phải bay đúng quỹ đạo, khi đã mất đi 2 tầng tên lửa lớn hơn giúp giữ cân bằng.

Trong lần phóng hồi năm 2009, 2 tầng đầu của tên lửa đã hoạt động hoàn hảo, chỉ có tầng thứ 3 không hoạt động. Nhưng lần này mọi chuyện còn tệ hơn, bởi tên lửa dường như đã phát nổ khi tầng 1 còn chưa sử dụng hết nhiên liệu. “Lý do để vụ phóng tên lửa lần này trở nên quan trọng là vì nó cho thấy Triều Tiên đã tiến xa tới đâu trong việc nghiên cứu tên lửa đạn đạo" - Wright nói - "Lần này nó không chỉ cho thấy Triều Tiên đã thất bại với công nghệ mới, mà còn chỉ ra rằng công nghệ đó đã tụt hậu hơn so với những lần trước đây".

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm