Vẫn sống sót dù bị lùa vào phòng hơi ngạt

27/01/2015 06:45 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Trong các câu chuyện của những người sống sót ở trại tập trung Auschwitz, chuyện của Gena Turgel có lẽ là gây kinh ngạc nhất. Người phụ nữ này đã trải qua 3 trại tập trung của phát xít Đức, từng bị đưa vào phòng hơi ngạt, nhưng vẫn sống sót để kể lại chuyện đời mình.

"Đôi khi nhìn lại, tôi phải tự cấu vào người, để xem có phải mình còn sống không?" - bà Gena Turgel, nay đã 90 tuổi, kể lại với hãng tin NBC News.

"Cô vừa bị đưa vào phòng hơi ngạt"

Trong mùa Đông năm 1944, bà Gena, khi ấy mới 21 tuổi, đã bị lột sạch quần áo và bị lùa vào một phòng hơi ngạt trong trại Auschwitz cùng mẹ đẻ. "Tất cả chúng tôi đều run lên vì lạnh. Tôi không biết mình đang đứng ở đâu. Bên trong mọi thứ trông có vẻ rất kinh khủng" - bà kể lại - "Chúng tôi chờ được một lúc thì nước chảy ào ra từ hai bên tường. Thật tuyệt vời. Trong nhiều tuần liền chúng tôi đã không có nước tắm giặt. Chúng tôi đều uống nước. Khi chúng tôi đi ra khỏi căn phòng, tất cả những người phụ nữ ở bên ngoài đều gào thét vì vui sướng. Họ nói rằng thật tuyệt vời khi vẫn còn nhìn thấy chúng tôi. Lúc ấy tôi chẳng hiểu vì sao mà họ vui tới vậy".

"Cô không biết gì sao? Cô vừa bị đưa vào phòng hơi ngạt đấy" - bà Gena kể lại lời nói của một người phụ nữ trong trại Auschwitz. Khi nghe thấy lời ấy, bà mới điếng người, miệng khô lại vì sợ. Cho tới tận giờ bà Gena vẫn không hiểu vì sao mình còn sống sau khi đã cận kề cái chết. Bà tin mình đã được Thượng đế che chở và đây là lời giải thích duy nhất cho việc vì sao hơi ngạt đã không được bơm vào căn phòng trong ngày hôm đó.


Bà Gena và chồng, ông Norman Turgel, trong ngày cưới

Bà Gena sinh tại Krakow, Ba Lan, vào năm 1923. Phát xít Đức bắt đầu ném bom thành phố vào năm 1939 và tới mùa Thu năm 1941, gia đình bà đã bị buộc phải chuyển tới sống ở trại tập trung Plaszov chật hẹp nằm gần đó.

Thời gian sống trong trại tập trung, điều ám ảnh Gena nhiều nhất là việc bà mất đi cha đẻ và 4 người anh chị em. "Anh trai cả trong nhà tôi đã trốn xuống cống ngầm để đi theo lực lượng kháng chiến Pháp. Anh ấy bị bắt và bị xử bắn. Một anh trai khác của tôi bị bắn trong trại tập trung" - bà kể.

Năm 1941, người chị gái Miriam của bà bị xử tử khi phát xít Đức phát hiện thấy cô gái 17 tuổi này đưa thức ăn từ bên ngoài vào trại tập trung Plaszov. "Chúng tôi phải mang củi tới để chúng thiêu thi thể. Hãy tưởng tượng về cảm giác của mẹ tôi khi phải mang củi đi thiêu xác chị tôi" - bà nói - "Chị tôi thường ngủ bên trái tôi. Đến giờ tay trái tôi vẫn luôn cảm thấy lạnh".

Tháng 12/1944, bà Gena, mẹ đẻ và một người em gái là Hela bị buộc phải đi bộ tới Auschwitz. Cả 3 người đã phải đi suốt 3 tuần, trong điều kiện thời tiết lạnh - 20 độ C.

Sau đó vài tuần, bà bị đưa vào phòng hơi ngạt. Sống sót qua khỏi thảm họa này, bà và mẹ đẻ bị đưa tới trại tập trung Buchenwald ở Đức và rồi là trại Bergen-Belsen. Họ bị buộc phải để Hela lại và không bao giờ gặp cô nữa.

Tìm thấy tình yêu ở chốn chết chóc

Ở Belsen, Gena đã tìm thấy tình yêu, thứ tưởng chừng không thể có được ở nơi đầy sự chết chóc như trại tập trung. Ngày 15/4/1945, một người lính hoạt động cùng Quân đoàn tình báo Anh là Norman Turgel đã tiến vào giải phóng trại Belsen.

Khi những người lính Anh đến đây, họ tìm thấy hơn 20.000 thi thể trần truồng của các tù nhân. Những người này đã bị bỏ đói tới chết và thi thể của họ nằm đầy trên đất trống, trong tình trạng không được chôn cất.

Gena đã ra đón Norman, đưa ông đi quanh khu bệnh xá của trại Belsen, nơi bà làm việc với vai trò y tá. Với ông Norman, đó là tình yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên. Vài ngày sau khi tới trại Belsen, ông đã mời bà tới khu của các sĩ quan quân đội.

"Khi cánh cửa vào khu sĩ quan mở ra, tôi thấy những cái bàn được trải khăn trắng và có hoa ở trên. Đó là những thứ tôi chưa từng thấy trong 6 năm qua. Tôi hỏi Norman rằng anh ấy có chờ vị khách đặc biệt nào không? Anh ấy trả lời rằng đây là tiệc đính hôn của chúng tôi. Khi ấy tôi chưa biết nhiều về Norman, nhưng anh ấy rất cứng đầu. Khi gặp tôi lần đầu, anh ấy đã chọn tôi" - bà Gena kể và nói thêm đầy âu yếm - "Anh ấy có đôi mắt tuyệt đẹp. Tôi không ghét anh ấy, nhưng chưa sẵn sàng với cuộc sống hôn nhân".

Tuy nhiên Norman là người kiên trì nên 6 tháng sau, ông bà đã kết hôn với nhau. Trong ngày cưới, chiếc váy của cô dâu được cắt may từ một chiếc dù màu trắng. Giờ nó nằm trong Bảo tàng chiến tranh Hoàng gia.

Phần sau của cuộc đời bà Gena diễn ra trong hạnh phúc. Tuy nhiên cái bóng của quá khứ luôn tìm về, hành hạ bà. Gena cho biết bà hình thành thói quen xức rất nhiều nước hoa để quên đi cái mùi kinh khủng của tử khí trong trại tập trung, đã ám ảnh bà tới tận giờ.

Trong cuộc trò chuyện gần đây với kênh truyền hình NBC News, bà vẫn chảy nước mắt khi nhắc lại cái chết của cha và các anh chị em. Nhưng nước mắt không rơi khỏi má bà. "Khóc trong Auschwitz có thể khiến bạn bị bắn chết. Chúng tôi phải mạnh mẽ, che giấu mọi cảm xúc" - bà kể.

Ngày hôm nay, bà Gena không ngại lên tiếng kể về trải nghiệm của quá khứ, để đảm bảo rằng người Do Thái không bao giờ lâm vào cảnh khổ đau như thế thêm một lần nữa. "Tôi mới chỉ kể ra được câu chuyện của đời mình. Nhưng đây là điều mà 6 triệu người đã mất không thể làm được. Vì thế tôi sẽ luôn luôn sẵn sàng làm chứng nhân cho một vụ giết người hàng loạt man rợ" - bà nói.

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm