Và những thứ không có ở Las Vegas

02/01/2013 13:40 GMT+7 | Trong nước


(Thethaovanhoa.vn) - Kề bên sòng bài cực lớn cùng những cửa hàng thời trang xa xỉ trong tổ hợp khách sạn - mua sắm - giải trí Marina Bay Sands là nhà hát, nơi dừng chân của những vở nhạc kịch (musical) nổi tiếng thế giới như đã kể ở phần một. Nhưng có lẽ đặc biệt hơn, ở một vị trí đắc địa nhất, một thiết kế độc đáo nhất, thu hút mọi ánh nhìn, lại không phải nơi mua sắm, không phải nơi giải trí, càng không phải nơi bài bạc, mà là… Bảo tàng Khoa học Nghệ thuật, một nơi có thể mệnh danh là “sự xa xỉ bậc nhất của Singapore”.

Thú vui “xa xỉ”

Nhưng trước khi kể về “sự xa xỉ bậc nhất” này, phải nói luôn, đi thăm bảo tàng vốn được xem là thú xa xỉ của khách du lịch Việt Nam, trái ngược với mọi sách hướng dẫn du lịch nước ngoài, những điểm đến đầu tiên được hướng dẫn bao giờ cũng là bảo tàng, gallery nghệ thuật. Tất nhiên lý giải sự khác biệt là một câu chuyện dài. Hầu như chẳng khách Việt Nam nào có nhu cầu vào bảo tàng khi đi du lịch, hoặc nếu có, phải nổi tiếng cỡ Lourve (Paris) hoặc ở những quốc gia có lịch sử và nền văn hóa lâu đời danh tiếng như Ai Cập, La Mã (nước Ý bây giờ)… Và nếu vào Lourve, thể nào cũng phải chen thục mạng để chụp một bức hình bên nàng Mona Lisa từ xa (vì trong cái khung khá nhỏ, nàng không to lớn như hình dung, lại còn bị rào chắn xung quanh nhằm ngăn chặn đám đông có cùng sở thích và ham muốn là gần nàng hết mức có thể) và chạy thêm quãng nữa để gặp được Vệ nữ (do hai tác phẩm này đặt ở hai khu vực khá xa nhau)… Singapore, quốc gia có lịch sử hình thành thuộc hàng muộn nhất trong khu vực Đông Nam Á (thế kỷ thứ 14 mới xuất hiện sự định cư của con người ở đây) đương nhiên chẳng có “số má” gì trong hàng bảo tàng của khu vực và thế giới. Ấy vậy mà bảo tàng ở Singapore khiến chúng tôi kinh ngạc, từ bảo tàng quốc gia, bảo tàng nghệ thuật đương đại đến bảo tàng đường phố…

Du khách Việt Nam hứng thú trong Bảo tàng Quốc gia Singapore

Bảo tàng Quốc gia Singapore (giống như Bảo tàng Dân tộc học ở Hà Nội) vốn dĩ là thư viện và bảo tàng quốc gia dưới thời cai trị của thực dân Anh. Đến năm 1993, bảo tàng trở thành một phần của Hội đồng di sản quốc gia Singapore và cuộc đại trùng tu, xây dựng lại từ năm 2003 đến cuối năm 2006 đã mang lại cho nó diện mạo mới, được xem là bảo tàng lớn nhất, lâu đời nhất mang dáng vẻ trẻ trung và sang tạo nhất tại Singapore. Nơi đây có đầy đủ khu phục vụ ăn uống, khu bán đồ lưu niệm, trung tâm tư liệu, nhà hát, vườn điêu khắc công cộng, phòng hội thảo… theo tiêu chuẩn của những bảo tàng hiện đại trên thế giới. Nhưng, gây tò mò cho chúng tôi là người ta trưng bày gì trong bảo tàng to lớn này khi mà Singapore vẫn được biết đến là đảo quốc nghèo về tài nguyên, trẻ về lịch sử và mờ nhạt về văn hóa bản địa…?

Tò mò thật, bởi vì, nếu đặt cạnh những bộ sưu tập từ đá, từ đồng, từ sắt, từ đất nung tới sành, sứ… có hàng ngàn, hàng trăm năm tuổi trong các Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, thì những mảnh sành sứ vỡ trong các tủ kính trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Singapore có thể gọi đùa là… mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre(!), chúng vừa ít về số lượng, vừa kém đa dạng và không có món nào còn nguyên vẹn. Có không ít món đồ trong bảo tàng, các loại đồ dùng gia đình, từ bàn ghế, ấm chén, mâm bát, đồ tre nứa, xe đạp... có “tuổi đời” vài chục năm, vẫn còn có thể tìm thấy trong một số gia đình ở Việt Nam, thậm chí ở ngoài chợ. Ấy vậy mà khi tất cả những thứ trông “thường thường bậc trung” ấy, khi được đặt trong các không gian riêng, được chăm chút cẩn trọng, nhất là về ánh sáng, thì hấp dẫn và lôi cuốn lạ thường. Để ý một chút thì thấy, hệ thống chiếu sáng của bảo tàng này được “set up” chả khác nào cho những buổi trình diễn nghệ thuật. Thấy, để hiểu rằng, giá trị của một vật, đôi khi không còn nằm ở chính nó, mà ở đối xử của con người với nó. Thấy, để chạnh lòng khi nghĩ về cả một kho tàng cổ vật của Bảo tàng Hà Nội nghe nói vẫn còn đóng thùng không biết tới bao giờ…

Còn nhiều những chạnh lòng như thế, khi ghé thăm Bảo tàng Nghệ thuật Singapore. Mới chỉ mở cửa vào năm 1996, giờ đây đã là địa chỉ hàng đầu trong khu vực về nghệ thuật hiện đại. Do không có di sản về mỹ thuật truyền thống, Singapore nhắm đến di sản mới của nghệ thuật hiện đại và đương đại. Khi chúng tôi có mặt tại đây vào đầu tháng 12, bảo tàng đang trưng bày một triển lãm nghệ thuật đương đại khu vực Đông Nam Á, trong đó có hai tác phẩm của hai nghệ sĩ đương đại gốc Việt, một trong hai đã khá quen thuộc ở Việt Nam là Tiffany Chung. Tác phẩm của Tiffany bày tại Singapore lần này cũng là tác phẩm chị đã triển lãm tại Việt Nam. Điều đáng nói ở đây, cả hai tác phẩm của hai tác giả gốc Việt này đều thuộc sở hữu của Bảo tàng Nghệ thuật Singapore, còn ở Việt Nam, việc bảo tàng mua các tác phẩm nghệ thuật đương đại vẫn còn là chuyện để bàn, vì hiện tại Việt Nam cũng chưa có bảo tàng nghệ thuật đương đại.

Còn một chuyện buồn cười rồi chạnh lòng nữa trên đường trước khi chúng tôi tới Bảo tàng Quốc gia Singapore, là được chị Đào, hướng dẫn viên của Tổng cục Du lịch nước này, chỉ cho xem một khu nhà đang được “bảo tồn” thành di sản của đất nước này. Vì được bảo tồn, không phá, không cho xây dựng mới, lại nằm ngay khu trung tâm, nên giá căn hộ ở đây rất đắt đỏ: khoảng 800 ngàn đến 1 triệu USD cho một căn hộ khoảng 82m2, dù trông chúng chả có gì hấp dẫn. Khi được hỏi khu này được xây dựng cách đây bao lâu, chúng tôi cùng ngỡ ngàng khi nghe câu trả lời: chừng ba, bốn chục năm! Ba, bốn chục năm đã được xếp vào dạng bảo tồn?! Chắc chắn câu trả lời không đơn giản như thế, vì cái mà Singapore muốn bảo tồn không chỉ là thời gian, mà là sự đa dạng về văn hóa khi trên đất nước này có ít nhất 4 dân tộc cùng chung sống.

Và sự xa xỉ bậc nhất

Như “mọc” lên từ mặt nước sông Singapore, nơi đổ ra cửa vịnh, Bảo tàng Khoa học Nghệ thuật Singapore trông như một bông sen khổng lồ đang xòe cánh. Được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng người Israel Moshe Safdie, Bảo tàng Khoa học Nghệ thuật đầu tiên trên thế giới này gồm 21 phòng trưng bày (gallery) có thể cùng lúc trưng bày nhiều bộ sưu tập và nhiều triển lãm về khoa học, tự nhiên và nghệ thuật. Thú vị là phần mái công trình này lại là nơi tích trữ nước mưa, nước được dẫn qua giếng trời ở trung tâm tòa nhà như những màn mưa không dứt (ngay cả khi trời nắng ráo) trước khi vào hồ nước ngầm tái chế - một sản phẩm của công nghệ, nhưng đẹp như một tác phẩm nghệ thuật. Còn ban đêm, cũng phần mái này lại biến đổi thành một rạp hát mở rộng chiếu ánh sáng laser rực rỡ lên nền trời!

Bảo tàng Khoa học Nghệ thuật đầu tiên trên thế giới bên vịnh Marina

Nghe nói tác phẩm của những tên tuổi lớn của hội họa thế giới đã trưng bày tại đây như Dali, Van Gogh… Hôm chúng tôi tới, bảo tàng đang có tới 3 cuộc triển lãm tại đây. Một triển lãm nhiếp ảnh, một triển lãm về những khám phá vùng biển Đông Nam Á và mới nhất là Nghệ thuật của những miếng ghép (The Art Of The Brick) vừa khai trương cuối tháng 11, sẽ còn mở cửa cho tới tháng 4 sang năm, đây cũng là triển lãm thu hút đông nhất khách tham quan.

Nghệ thuật của những mảnh ghép

Đúng như tên của triển lãm, tất cả các tác phẩm đều được tạo thành từ nghệ thuật ghép Lego quen thuộc. Nhưng những gì mà Nathan Sawaya, vốn xuất thân từ một luật sư, tạo ra thì thật ấn tượng và bất ngờ. Một trò chơi trẻ nhỏ trở thành một trò chơi nghệ thuật và ngược lại. Lúc này mới hiểu vì sao, ngay từ sảnh ngoài bảo tàng, trước khi vào các phòng trưng bày, có nhiều em bé cùng bố mẹ cặm cụi, say sưa ngồi xếp hình Lego, một thú chơi mà học, học mà chơi vốn không xa lạ với trẻ con, ngay cả ở Việt Nam, nhưng thời gian gần đây yếu thế hơn hẳn những trò mới chơi trên iPad. Các em nhỏ ấy vừa bước ra từ Nghệ thuật của những miếng ghép. Ngay cả chúng tôi cũng biến thành trẻ nhỏ trong trò chơi tự tạo hình chân dung mình bằng những miếng ghép theo kiểu của Nathan Sawaya được bố trí trong một gian của triển lãm và ai cũng hào hứng chụp lại những “tác phẩm tại chỗ” của mình. Một lần được làm “họa sĩ” và một lần thấy nghệ thuật cũng gần gũi, cũng dễ hiểu, cũng vui như một trò chơi chứ không bí hiểm, xa vời hay kỳ dị như những ý nghĩ trước đó quả cũng đáng với giá vé vào cửa 8 đô-la Singapore (vào xem 1 triển lãm, nếu mua vé xem 2 triển lãm thì giá vé là 14 đô-la), khoảng 130 ngàn tiền Việt.

Nghe nói rất hiếm du khách Việt Nam mua vé vào Bảo tàng Khoa học Nghệ thuật độc nhất của thế giới này. Vào bảo tàng vẫn được xem là thú vui xa xỉ đối với dân du lịch Việt Nam. Nhưng nói về xa xỉ thì ông chủ của Marina Bay Sands (nhà tỷ phú Sheldon Adelson, Tổng giám đốc Tập đoàn Las Vegas Sands, người đã đầu tư tới 5 tỷ rưỡi đô-la Mỹ cho công trình này) mới kinh. Trong lúc các trung tâm mua sắm giải trí khác cùng lắm chỉ dành chút không gian cho nhà hát hoặc rạp chiếu bóng (ở Việt Nam nhiều trung tâm mới xây dựng còn chả có tí cm2 nào cho hai loại hình giải trí này), thì Marina Bay Sands dám dành không gian đẹp nhất, độc đáo nhất cho bảo tàng về nghệ thuật. Đấy chả phải là sự xa xỉ bậc nhất đó sao?

Thưởng thức bộ sưu tập triệu đô ở vườn bách thảo Botanic Garden miễn phí
Cũng xa xỉ chả kém là Công viên Botanic Garden, “khu rừng trong thành phố” nổi tiếng của Singapore khi hàng loạt các tác phẩm điêu khắc mà giá khởi điểm trong các phiên đấu giá của Sotheby’ lên tới 200-300 ngàn USD, được trưng bày ngay trong khuôn viên của vườn. Theo một thỏa thuận với chính quyền Singapore, trước khi đem bán đấu giá các tác phẩm, nhà đấu giá và kinh doanh nghệ thuật hàng đầu thế giới Sotheby’ sẽ trưng bày chúng trong vườn Botanic cho du khách thưởng ngoạn trước khi chúng trở thành sở hữu cá nhân của một số ai đó… Thưởng thức cả một bộ sưu tập trị giá hàng triệu USD miễn phí, chả phải quá xa xỉ đó sao?

Những thứ ấy thì hình như Las Vegas không có.

Vân Hạc
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm