UAV X-47B cất cánh thành công trên tàu sân bay: Canh cánh nỗi lo rô bốt giết người

16/05/2013 07:00 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 14/5, tờ Telegraph cho biết một chiếc máy bay chiến đấu không người lái mang số hiệu X-47B đã cất cánh thành công khỏi một chiếc tàu sân bay của Mỹ. Đây là một thành công hết sức quan trọng bởi X-47B là một rô bốt bay có trình độ tự động hóa cao, là tài sản quân sự giá trị của Mỹ. Tuy nhiên nó cũng mang tới mối lo về khả năng rô bốt có thể quay ra bắn giết con người.

Chiếc X-47B kể trên đã cất cánh thành công trong sáng ngày 14/5 từ tàu sân bay USS George H W Bush.


 X-47B chuẩn bị cất cánh trên tàu sân bay

Sự kiện lịch sử

Nó là mẫu UAV đầu tiên được thiết kế để có thể cất cánh và hạ cánh trên tàu sân bay, có nghĩa quân đội Mỹ không cần xin phép các nước khác để sử dụng căn cứ của họ cho các hoạt động liên quan tới UAV. "Khi chúng ta ngày càng gặp khó khăn trong việc được sử dụng các bến cảng, các căn cứ tiền tiêu và các không phận trên toàn thế giới, giá trị của tàu sân bay và máy bay nó mang theo sẽ trở nên ngày càng quan trọng" - Phó Đô đốc Ted Branch, Tư lệnh lực lượng Không lực Hải quân Đại Tây Dương tuyên bố - "Vì thế hôm nay là lịch sử".

Mẫu X-47B to hơn Predator, chiếc UAV đang được Mỹ sử dụng nhiều nhất hiện nay. Nó có thể hoạt động ở độ cao 12.000km, tầm bay khoảng 4.000km, lớn hơn 3 lần Predator và điểm đặc biệt là nó có thể được lập trình để thực hiện nhiệm vụ mà không cần con người can thiệp.

Mặc dù X-47B không phải máy bay tàng hình, nó được thiết kế để giảm thiểu tín hiệu. Việc này sẽ giúp ích nhiều trong hoạt động phát triển UAV tàng hình trong tương lai - một yếu tố quan trọng khi khung cảnh quân sự đang thay đổi từ khu vực Trung Đông tới Thái Bình Dương, nơi hoạt động phòng không của nhiều nước đã mạnh hơn đáng kể so với Afghanistan.

Trong chuyến bay thử, X-47B đã sử dụng máy phóng hơi nước để cất cánh như các máy bay truyền thống của Hải quân. Tiếp đó nó có 2 lần tiếp cận tàu sân bay ở độ cao thấp, giống như chuẩn bị hạ cánh, trước khi lượn lên. Cuối cùng những chiếc máy bay trở lại đất liền và hạ cánh tại Đơn vị Không quân của Hải quân ở Patuxent River, Maryland. 


Và khi đã cất cánh thành công

Vũ khí không được lòng dư luận

UAV là một vũ khí lợi hại của người Mỹ. Hiện cả quân đội Mỹ và Cục Tình báo Trung ương (CIA) đều dùng các UAV Predator và Reaper trong hoạt động trinh sát, thám sát và tấn công tiêu diệt trên khắp thế giới. Quân đội rất hay dùng rô bốt bay ở Afghanistan và các vùng chiến sự khác, trong khi CIA thường xuyên không kích các mục tiêu ở Pakistan và vấp phải sự chỉ trích của chính quyền ở đây.

Theo Cơ quan Báo chí Điều tra (BIJ), trong vòng 11 năm qua ở Yemen, đã có 333 người bị UAV Mỹ sát hại, gồm 47 dân thường. Ở Pakistan, có tới 3.533 người bị UAV giết, gồm 884 dân thường. BIJ cũng nghi ngờ Mỹ đã thực hiện thêm 96 vụ tấn công UAV nữa ở các nước Trung Đông làm ít nhất 445 người thiệt mạng, gồm 50 dân thường và 10 đứa trẻ. Ở Somalia trong vòng 6 năm qua, đã có ít nhất 27 người bị giết về UAV, với khoảng 15 trong số đó là dân thường vô tội không may bị vạ lây.

Chương trình UAV của Mỹ, vốn đã không được lòng của giới phê bình, nay tiếp tục dính thêm chỉ trích sau cuộc thử nghiệm của X-47B. Giới phê bình bày tỏ lo ngại về khả năng người ta có thể tạo ra một hệ thống rô bốt có thể tự hoạt động và dẫn tới việc con người dần mất kiểm soát với chúng.

Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) đã kêu gọi việc ban hành một lệnh cấm phát triển và sử dụng các hệ thống UAV mang vũ khí có khả năng tự hoạt động hoàn toàn. Theo Steve Goose, giám đốc đơn vị vũ khí trong HRW, các cuộc thử nghiệm diễn ra hôm 14/5 là bằng chứng rõ rệt cho thấy xu hướng rô bốt tiến tới tự động hóa lớn hơn "sẽ không ngừng lại".

"Với chúng tôi, câu hỏi là các anh đã vạch ra ranh giới ở chỗ nào" - Goose nói - "Chúng tôi đã nói rằng các anh cần có lằn ranh rõ ràng khi nghiên cứu một hệ thống tự hành có trang bị vũ khí. Chúng tôi đã nói rằng anh phải cho phép con người nắm quyền kiểm soát khi đưa ra các quyết định chiến trường quan trọng, về việc ai được sống và ai phải chết. Chuyện này không thể để hệ thống vũ khí tự định đoạt".

Bộ Quốc phòng Mỹ đã ra một thông báo hồi năm ngoái nói rằng cơ quan này sẽ không theo đuổi một hệ thống vũ khí tự động hoàn toàn, ít nhất là trong vài năm tới. Tuy nhiên, Goose nói rằng Mỹ vẫn là nước duy nhất đi theo hướng chế tạo hệ thống vũ khí tự động hoàn toàn.

Còn xa mới thành rô bốt tự hành

Được biết chiếc máy bay thử nghiệm không dùng để phục vụ cho các hoạt động quân sự. Thay vì thế, quân đội dùng nó để thu thập thông tin phục vụ việc phát triển UAV. Hải quân Mỹ còn đang thử nghiệm 2 mẫu UAV khác, gồm mẫu ScanEagle kích cỡ nhỏ, giá rẻ không mang vũ khí và mẫu Fire Scout có mang vũ khí với hình dáng giống máy bay trực thăng.

Vẫn còn cả quãng đường dài trước khi các mẫu UAV như X-47B có thể được đưa vào sản xuất hàng loạt. Quân đội phải chứng minh được rằng chúng có thể hoạt động trong các điều kiện khắc nghiệt, trên tàu sân bay, ở ngoài biển.

Ngoài cuộc thử nghiệm cất cánh của X-47B, hải quân đã có kế hoạch thử nghiệm hạ cánh chiếc máy bay này trong thời gian ngắn nhất. Hạ cánh trên một tàu sân bay đang di chuyển luôn được xem là thách thức lớn nhất với mọi phi công hải quân, chưa nói gì tới một chiếc UAV.

Tường Linh
Thể thao & Văn hóa

Chương trình UAV của Mỹ, vốn đã không được lòng của giới phê bình, nay tiếp tục dính thêm chỉ trích sau cuộc thử nghiệm của X-47B. Giới phê bình bày tỏ lo ngại về khả năng người ta có thể tạo ra một hệ thống rô bốt có thể tự hoạt động và dẫn tới việc con người dần mất kiểm soát với chúng.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm