Tự thuật của một đao phủ Bangladesh

29/06/2011 14:30 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Năm 1989, khi còn ở tuổi vị thành niên, Babul Miah đã bị tống vào tù vì tội giết người. Cho tới khi được phóng thích sau đó 2 thập kỷ, anh đã giúp đưa 17 bạn tù sang thế giới bên kia. Miah là một đao phủ, cái nghề mà anh không hề chuẩn bị sẽ đảm nhận khi bước chân vào cảnh lao tù.

Babul Miah nói rằng bản thân phải vào tù dù không ra tay giết người. Nguyên nhân bắt đầu từ việc người anh ruột đã giết một hàng xóm vì mâu thuẫn hôn nhân. Gia đình bèn thuyết phục Miah, khi đó mới 17 tuổi, nhận tội thay anh.

“Ý đồ của cả nhà là do tôi còn trẻ, thẩm phán sẽ chỉ tuyên phạt mức án nhẹ nhàng. Nhưng thay vì thế tôi nhận 31 năm tù, người anh trai bị phạt 12 năm tù và một người anh nữa lãnh án 10 năm. Cả gia đình đã tan nát sau bản án ấy” - Miah kể.

Mỗi mạng người được giảm 2 tháng tù

Trong khi quốc gia láng giềng Ấn Độ đang vật vã tìm kiếm một đao phủ phù hợp để thi hành án tử hình đầu tiên kể từ năm 2004, Bangladesh chưa bao giờ lâm vào hoàn cảnh khó khăn đó. Nước này luôn có sẵn một lực lượng lớn các tù nhân sẵn lòng làm công việc của một đao phủ, để đổi lấy những lợi ích khác.

“Tôi không biết vì sao các cai ngục lựa chọn mình” - Miah kể với hãng tin AFP - “Giám đốc nhà tù nói rằng nếu chấp nhận nghề đao phủ, cứ mỗi một vụ thi hành án tôi sẽ được giảm 2 tháng tù giam. Ông ấy bảo đây là công việc dễ dàng nên tôi đã vui vẻ nhận lời”.


Đao phủ Miah (giấu mặt) trong cuộc tiếp xúc với phóng viên hãng tin AFP

Bangladesh vẫn giữ hệ thống khung hình phạt cao nhất có từ thời còn nằm dưới chính quyền thuộc địa Anh và đã hành quyết khoảng 420 người kể từ khi giành độc lập hồi năm 1971. Hơn 1.000 tù nhân hiện đang ở trong các khu biệt giam của nước này, chờ ngày ra pháp trường.

Bangladesh là một trong số ít các quốc gia, gồm Singapore, Nhật Bản và Iran, vẫn dùng hình thức treo cổ khi thi hành án tử. Tất cả các đao phủ ở đây đều là những người như Miah, đã qua sự lựa chọn và huấn luyện đặc biệt. Không bao giờ nhìn thẳng vào mắt tử tù  Miah đã thụ án được 14 năm, khi giới chức nhà tù đề nghị anh làm đao phủ. Sau khi nhận lời, anh được dạy cách chuẩn bị giá treo cổ, thắt nút thòng lọng và phải nhớ một nguyên tắc cốt yếu: không bao giờ nhìn thẳng vào mắt tử tù.

“Công việc của tôi là đưa tử tù tới giá treo cổ, tròng thòng lọng qua cổ và nhấn nút để anh ta rơi xuống dưới. Tử tù sẽ được xác nhận đã chết sau đó khoảng 15 phút” - Miah kể.

Theo truyền thống nhà tù của Bangladesh, các vụ hành quyết sẽ được thi hành chính xác một phút sau nửa đêm. Tử tù và thân nhân của anh ta sẽ được thông báo trước đó chỉ 1 đến 2 hôm. Thông thường các vụ hành quyết diễn ra suôn sẻ, nhưng Miah nói rằng anh đã chứng kiến một số cái chết rất rùng rợn, khi chiều dài của thòng lọng không được tính toán chuẩn xác tương ứng với chiều cao và cân nặng của tử tù...

Một trường hợp như vậy là Siddiqur Rahman, viên phó chỉ huy của một nhóm chiến binh đã tiến hành nhiều vụ đánh bom ở Bangladesh hồi năm 2005 làm ít nhất 28 người thiệt mạng. “Rahman là một gã to con. Vì thế đầu hắn ta đã bị đứt rời khỏi thân, chỉ vài phút sau khi rơi xuống khỏi giá treo cổ. Đó là một cảnh tượng kinh hoàng” - Miah nói.

Thành người của công chúng

Hồi tháng 1/2010, Miah đã thi hành án tử với 5 cựu sĩ quan quân đội vì tham gia vụ ám sát hồi năm 1975 nhằm vào Sheikh Mujibar Rahman, người là vị “khai quốc công thần” của đất nước và là cha đẻ của đương kim Thủ tướng Sheikh Hasina.

Các tử tù này đã có những phản ứng khác nhau và Miah vẫn nhớ như in những phút cuối của họ. “Một cựu thiếu tá, bị què và đã khóc rất to khi tôi tới đưa ông ta vào giá treo cổ. Một người khác, cựu đại tá, chỉ nhìn vào mắt tôi và hỏi khi nào sẽ tới lượt ông ta” - Miah kể.


Khung cảnh chật chội bên trong một nhà tù của Bangladesh


Vụ treo cổ trên đã thu hút sự chú ý trên toàn Bangladesh. Miah theo đó mà trở thành người nổi tiếng, sau khi một tờ báo địa phương đăng bức ảnh của anh. “Tôi thấy tự hào vì đã được hành quyết những kẻ sát hại Mujibar. Tôi không thấy bất kỳ sự ân hận nào trong nước, bởi những kẻ đó đã sát hại gần như toàn bộ thành viên gia đình của con người đã có công khai quốc” - anh nói.

Sự nổi tiếng của Miah còn khiến một đài truyền hình địa phương làm một phóng sự dài 3 phần về anh ta. Nhưng Miah đã không nhân sự kiện để quảng bá hình ảnh bản thân. “Tôi muốn qua chương trình truyền hình để nói về đời sống thực sự trong tù, về cảnh chật chội và những nỗi khổ của các tù nhân nghèo, về tình trạng sử dụng ma túy tràn lan và vấn đề tình dục đồng giới” - Miah nói - “Chưa ai từng nói về những chuyện đó”.

Mong muốn quên đi quá khứ

Năm ngoái Miah là một trong số 1.000 tù nhân được phóng thích sớm sau khi có thời gian thụ án kéo dài. Anh đã trở lại làng, làm ruộng, cưới vợ và chuẩn bị đón đứa con trai đầu lòng. Nhưng anh đã giữ kín miệng về thời gian ở trong tù và làm đao phủ.

“Tôi không muốn con trai lớn lên như mình” - anh thổ lộ - “Tôi sẽ lao động chăm chỉ để con tôi được sống trong một thế giới tốt hơn bởi dù mới chỉ tưởng tượng ra cảnh nó sẽ theo bước cha đẻ đã khiến tôi cảm thấy vô cùng đau đớn”.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm