Tử thần trong lốt lương y

22/07/2008 10:48 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH Online) - Ngày 21/7, báo chí Australia cho biết bác sĩ phẫu thuật người Mỹ gốc Ấn Jayant Patel đã bị dẫn độ sang nước này để bị xét xử vì nhiều tội ngộ sát. Trong quãng thời gian hành nghề của mình, Patel đã làm chết ít nhất 13 người ở cả Australia và Mỹ chỉ vì… thói cẩu thả. “Thành tích" đó đã khiến ông ta bị đặt cho biệt danh "bác sĩ tử thần".

Ông bác sĩ thích mổ xẻ

"Bác sĩ tử thần" Jayant Patel
Jayant Mukundray Patel sinh ngày 10/4/1950, tại bang Gujarat của Ấn Độ. Lớn lên Patel theo học ngành y và tốt nghiệp với bằng thạc sĩ tại trường y M.P Shah Medical thuộc Đại học tổng hợp Saurashtra. Sau khi tốt nghiệp, Patel tới Mỹ để học nâng cao. Ông ta được đào tạo phẫu thuật chuyên sâu tại Đại học y Rochester.

Học hành kỹ lưỡng như vậy, nhưng vừa đi làm Patel đã gây tai tiếng. Năm 1984, tại một bệnh viện ở thành phố Buffalo, bang New York, Patel tiến hành phẫu thuật cho một bệnh nhân mà chưa hề kiểm tra kỹ về sức khoẻ của người này. Sự việc đã khiến các quan chức y tế của thành phố hết sức tức giận. Họ phạt ông ta 5.000 USD và cấm hành nghề y trong 3 năm vì tội cẩu thả.

Hết án treo dao, năm 1989, Patel chuyển tới Oregon làm việc cho bệnh viện Kaiser Permanente ở vùng Portland. Tuy nhiên, chẳng được bao lâu, những báo động liên quan tới Patel lại xuất hiện. Nhân viên trong bệnh viện cho hay Patel thường xuyên tới viện, kể cả thời gian ông ta đang được nghỉ phép. Và Patel không đến chơi cho vui, ông ta "hồn nhiên" thực hiện phẫu thuật cho cả các bệnh nhân không thuộc thẩm quyền quản lý. Thậm chí một số trường hợp không cần đến phẫu thuật, Patel vẫn yêu cầu đưa bệnh nhân lên bàn mổ, gây thương tật và cả cái chết cho họ.

Sau khi thẩm tra lại các hoạt động của Patel, bệnh viện Kaiser đã ra án kỷ luật ông ta vào năm 1988. Patel bị cấm thực hiện các phẫu thuật liên quan tới gan và tụy. Ông ta cũng buộc phải tham vấn các bác sĩ khác trước khi tiến hành phẫu thuật.

Gieo rắc kinh hoàng xuyên biên giới

Bé Maria Bramich và bức ảnh cha mình, Des Bramich, người đã bị chết vì sự cẩu thả của trong ca giải phẫu của “bác sĩ tử thần” Patel.
Song bang Oregon kỷ luật như vậy là chưa đủ. Tháng 9/2000, với lý do Patel làm ba bệnh nhân thiệt mạng vì cẩu thả, Uỷ ban kiểm tra y tế bang Oregon đã cấm Patel hành nghề y trong bang. Tháng 4/2001, tới lượt bang New York yêu cầu ông ta nộp lại giấy phép hành nghề y.

Thấy hết đất sống ở Mỹ, Patel quyết định chuyển tới Australia nơi đang có chương trình tuyển dụng lao động nước ngoài cho những khu vực đang thiếu bác sĩ. Lợi dụng việc chương trình này không thẩm tra kỹ kinh nghiệm và quá khứ công tác của người tuyển dụng, Patel đã được bệnh viện Bundaberg Base (bang Queensland) tuyển vào làm việc. Vì là một bác sĩ đến từ Mỹ, lại có bằng cấp cao, ông ta thậm chí còn được cất nhắc lên vị trí "giám đốc phẫu thuật" vào năm 2003.
 
Đảm nhận trọng trách lớn hơn song không những không rút kinh nghiệm ở Mỹ, sự cẩu thả của Patel còn được nâng lên "tầm cao mới". Các y tá kể lại rằng ông ta tuân thủ rất kém các yêu cầu về vệ sinh, ít khi rửa tay mỗi khi thăm khám bệnh hoặc phẫu thuật. Nhiều bác sĩ trợ giúp Patel trong các ca mổ nhận xét ông ta rất cẩu thả. Thậm chí đã có thời gian các y tá phải giấu bệnh nhân, không cho Patel thăm khám.

Tuy nhiên trong hai năm ngắn ngủi làm việc tại Australia (2003 - 2005), Patel vẫn kịp khám 1.202 bệnh nhân và được cho là có trách nhiệm, trực tiếp hoặc gián tiếp khiến 87 người thiệt mạng. 30 trong số đó là những bệnh nhân nằm dưới sự quản lý trực tiếp của Patel khi ông ta làm việc tại Bundaberg.

Tháng 3/2005, ông Stuart Copeland, Bộ trưởng Y tế bang Queensland, là người đầu tiên đặt dấu hỏi về các phương pháp chữa trị của Patel. Liền sau đó, phóng viên Hedley Thomas của tờ The Courier-Mail, đã phanh phui quá khứ tội lỗi của Patel, theo sau là một làn sóng những cáo buộc của các bệnh nhân liên quan tới sự thiếu trình độ của Patel và những thương tật mà ông ta gây cho họ.

Cái giá phải trả

Năm 2005, Patel lặng lẽ rời Australia với chiếc vé một chiều. Ông ta trở về Mỹ hưởng thụ cuộc sống sung sướng ở bang Oregon và từng trở thành khách mời trên chương trình 60 phút của đài truyền hình Nine Network.

Nhưng quá khứ tội lỗi không buông tha Patel. Tháng 3/2008 ông ta bị Cục điều tra liên bang Mỹ bắt giữ vì tội gây ra chết người trong ít nhất 13 trường hợp. Ông ta bị cảnh sát liên bang Mỹ giao cho cảnh sát dẫn độ của Australia và chính thức đặt chân trở lại đất nước của những chú kangaroo hôm 21/7. Khi được đưa ra xét xử trong thời gian tới đây, ông ta sẽ khó có thể thoát án chung thân, nếu bị cho là có tội.

Patel là một bài học cho thấy trong nghề bác sĩ người ta không bao giờ được phép cẩu thả và hành động thiếu trách nhiệm, vì đó là một nghề quyết định sinh mạng của những con người.
Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm