Trung Quốc tự vấn về 'người Trung Quốc xấu xí'

02/06/2013 10:21 GMT+7 | Trong nước


(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tháng 5, một thiếu niên 15 tuổi ở Trung Quốc đã gây phẫn nộ khi dùng dao ghi một dòng chữ mang tính "lưu niệm" lên bức tường một ngôi đền ở thành phố cổ Luxor, Ai Cập. Sự kiện đã khiến người Trung Quốc phải tự hỏi nhau rằng làm sao họ có thể gây dựng hình ảnh đẹp ở nước ngoài, khi ngày càng có nhiều người Trung Quốc giàu có đi du lịch nước ngoài, nhưng vẫn mang theo hành trang một nền tảng văn hóa ứng xử rất thấp.

Dòng chữ Ding khắc vào bức tường cổ đã khiến người Trung Quốc xấu hổ

Thiếu niên kể trên đã khắc dòng chữ "Ding Jinhao đã tới thăm chốn này" bằng tiếng Trung trên một bức tường cổ đã 3.500 năm tuổi ở thành phố Luxor. Sự việc chỉ được phát hiện khi một du khách Trung Quốc khác thấy dòng chữ đã chụp ảnh lại và tải lên mạng xã hội weibo cùng với lời bình luận: "Khoảnh khắc buồn nhất của tôi ở Ai Cập. Xấu hổ không biết phải giấu mặt đi đâu nữa".

Phẫn nộ dâng cao

Bức ảnh nhanh chóng khiến công chúng Trung Quốc quan tâm, thu hút hàng ngàn bình luận. Một số người sau đó đã xác định chủ nhân dòng chữ này là Ding Jinhao, 15 tuổi, người thành phố Nam Kinh. Nhiều người đã chỉ trích hành động của Ding làm xấu mặt Trung Quốc.

"Tại sao có quá nhiều công dân đi ra nước ngoài để làm xấu mặt chúng ta? Còn cần bao nhiêu thế hệ nữa mới có thể thay đổi dạng hành vi này?" - Xuan Kejiong, một nhà báo nổi tiếng ở Đài truyền hình Thượng Hải viết trên blog của anh.

Thái độ phẫn nộ này đã được ủng hộ bởi cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc là tờ Nhân dân Nhật báo. "Ngày hôm nay người Trung Quốc không còn phải lo cơm áo gạo tiền nữa và tại nhiều cửa hàng sang trọng ở nước ngoài đã có những tấm poster quảng cáo viết bằng tiếng Trung" - tờ báo viết - "Song nhiều người vẫn thể hiện phong cách của những kẻ tay đầy tiền nhưng trái tim trống rỗng. Trong tiến trình hiện đại hóa, làm sao vẫn có những kẻ thiếu nhận thức và thái độ ứng xử hiện đại như thế?".

Sự phẫn nộ khiến cha mẹ Ding phải lên tiếng công khai xin lỗi dư luận. Trong một cuộc phỏng vấn với một tờ báo ở Nam Kinh, cha Dinh nói rằng con ông "đã phạm sai lầm" và trách nhiệm "thuộc về những người lớn, do đã không giám sát và dạy dỗ đứa trẻ cẩn thận".

Lên án và tẩy chay

Vụ việc trên xảy ra đúng thời điểm hoạt động du lịch nước ngoài ở Trung Quốc đã bùng nổ mạnh trong thập kỷ qua, nhờ việc người dân giàu lên và chính quyền cũng giảm bớt hạn chế trong việc cho công dân xuất cảnh.

Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc cho biết hồi tháng 4 rằng Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế cao nhất thế giới. Lượng du khách Trung Quốc đi du lịch quốc tế đã tăng từ 10 triệu vào năm 2000 lên 83 triệu người vào năm 2012 và đi kèm với đó là hoạt động chi tiêu du lịch đã tăng gấp 8 lần.

Mặc quần đùi vào chùa, nói to, khạc nhổ, tiểu tiện bừa bãi là một trong những thói xấu của nhiều du khách Trung Quốc

Năm ngoái, Trung Quốc đã vượt Đức để trở thành nước chi tiêu lớn nhất cho du lịch quốc tế. Các du khách Trung Quốc đã chi tiêu tổng cộng 102 tỷ USD, mang lại lợi ích kinh tế lớn cho nhiều nước họ ghé thăm.

Nhưng ngoài những mặt tích cực này, du khách Trung Quốc thường xuyên bị chỉ trích vì hành vi thô lỗ, vô văn hóa. Tháng 2 năm nay, một bà mẹ Trung Quốc đại lục đã gây phản ứng thản nhiên cho con "tè" vào một cái chai tại một nhà hàng ở Hong Kong. Nhiều người thấy rằng hành động này rất vô văn hóa, nhưng có vẻ như bà mẹ trẻ không cho là như vậy. Một bà mẹ khác người đại lục lại vô tư trải một tờ báo lên sàn sân bay Kao Hùng, Đài Loan, chỉ cách nhà vệ sinh có vài mét.

Tờ New York Times từng đưa tin hồi năm 2005 rằng du khách Trung Quốc bị người Singapore phàn nàn vì nói quá to. "Ôi Chúa ơi, họ nói to tới mức tôi cũng phải hét tướng lên để trả lời cho tới khi cổ họng tôi đau rát" - một người bán hàng cho tờ báo biết.

Tại một số ngôi chùa ở Chiang Mai, Thái Lan, các nhà sư và quan chức chùa đã thường phải vất vả giải thích cho du khách Trung Quốc rằng họ không được mặc quần đùi vào chùa, nhưng không ăn thua. Trên một bảng tin ở Thái Lan, các du khách Trung Quốc còn bị xem là những kẻ lái xe tồi, ồn ào, thường xuyên chen hàng và để con cái tè bậy vào các bể bơi công cộng.

CNN thì đưa tin rằng tháng 4 năm nay, hãng hàng không Hong Kong Airlines đã phải dạy võ thuật cho phi hành đoàn để họ xử lý các du khách say xỉn thích gây sự tới từ đại lúc.

Một số địa điểm du lịch, sau khi phát ngấy với các hành vi thiếu văn hóa của du khách Trung Quốc, đã quyết định tẩy chay hoặc có các cảnh cáo dành riêng cho họ. Trang Atlantic Wire cho biết bảo tàng Louvre ở Paris có một tấm biển yêu cầu du khách không được "giải quyết nỗi buồn" trong khuôn viên bảo tàng. Tấm biển này chỉ ghi bằng tiếng Trung Quốc.

Tháng 10 năm ngoái, tập đoàn  Zadig &Voltaire của Pháp cũng tuyên bố một khách sạn mới của họ, dự kiến khai trường trong năm 2014, sẽ không tiếp đón du khách Trung Quốc.

Liệu có thay đổi?

Các hành vi thô lỗ của du khách Trung Quốc khiến nước này mất mặt. Đầu tháng 5, Phó Thủ tướng Uông Dương đã nói trong lễ thông qua luật du lịch rằng du khách Trung Quốc cần phải thay đổi tư tưởng và hành động khi đi du lịch nước ngoài.

"Họ gây huyên náo ầm ỹ khi đi tới các chốn công cộng, khắc chữ tại những địa điểm thơ mộng, băng ngang đường khi đèn đỏ đang bật, khạc nhổ và làm đủ trò thiếu văn minh khác" - ông Uông nói - "Đây là các hành vi gây xấu hình ảnh người Trung Quốc và để lại ấn tượng rất tồi".

"Du lịch là một trải nghiệm học hỏi cho các du khách" - Wang Wanfei, một giáo sư du lịch ở Đại học Chiết Giang nói - "Họ sẽ dần hấp thụ văn hóa địa phương trong tiến trình du lịch và loại bỏ bớt các hành vi du lịch xấu của mình".


Quan điểm của chính quyền được nhiều nhà phân tích hưởng ứng. "Thẳng thắn mà nói, các du khách của chúng ta đã thể hiện các đặc điểm rất thiếu văn minh" - Liu Simin, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Du lịch thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói - "Du lịch nước ngoài giống như một dạng xa xỉ mới và những người làm được điều này thích mang ra phô trương. Nhiều người Trung Quốc đã ra nước ngoài trong cảnh thiếu kinh nghiệm ứng xử, không quen thuộc với các quy định và quy chuẩn bên ngoài".

Tuy nhiên cũng có những ý kiến khác nói rằng trước đây du khách Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan cũng từng bị chỉ trích nhiều về các hành vi xấu của họ, trước khi sự thay đổi diễn ra. Họ nói rằng dần dần, các chỉ trích sẽ biến mất, khi du khách đi nhiều, nhận thức tốt hơn và họ sẽ thay đổi.

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm